Cơ chế tháo gỡ 64 dự án vi phạm tại TPHCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa
Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với 64 dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TPHCM, Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TPHCM, Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.
Nghị quyết này quy định cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại 3 tỉnh thành nói trên.

TPHCM nhìn từ trên cao. Ảnh: Nam Khánh
Cùng với đó là tháo gỡ cho 1.313 trường hợp vi phạm thời hạn sử dụng đất ở TP Đà Nẵng khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Theo nghị quyết, các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án đã có hiệu lực thi hành phải được thực hiện nghiêm.
Các cơ quan chỉ xem xét, xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án mà nguyên nhân dẫn đến vi phạm, sai phạm do lỗi của cơ quan quản lý nhà nước hoặc do lỗi của cả cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng chỉ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc dự án đã xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước và khắc phục hậu quả các vi phạm về kinh tế, thu hồi lợi ích vật chất do hành vi vi phạm.
Với dự án, đất đai thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị quyết này mà đang trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự, Quốc hội nêu rõ, việc áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc chỉ được thực hiện sau khi có bản án đã có hiệu lực pháp luật hoặc quyết định đình chỉ vụ án.
Quốc hội yêu cầu, việc tổ chức thực hiện nghị quyết này bảo đảm phân cấp, phân quyền theo quy định; không hợp thức hóa các vi phạm, không để phát sinh sai phạm mới; kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng việc thực hiện nghị quyết này để tham nhũng, tiêu cực.
Hàng chục dự án vi phạm có cơ chế xử lý
Tại nghị quyết, Quốc hội quy định rõ việc xử lý về tiếp tục sử dụng đất, xác định giá đất, tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với 13 dự án tại TP Đà Nẵng trong Kết luận thanh tra số 269 ngày 16/9/2019 của Thanh tra Chính phủ.
Việc xử lý giá đất tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với 16 dự án tại TP Đà Nẵng trong Kết luận thanh tra số 2852 ngày 2/11/2012 của Thanh tra Chính phủ cũng được quy định.
Ngoài ra, ở Đà Nẵng, Quốc hội còn quyết nghị việc xử lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp có vi phạm với 20 trường hợp tại Kết luận thanh tra số 2852 ngày 2/11/2012.
Ở Khánh Hòa, Quốc hội quyết nghị xử lý về tiếp tục sử dụng đất, xác định giá đất, tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với 11 dự án trong Kết luận thanh tra số 250 ngày 11/9/2020 của Thanh tra Chính phủ.
Nghị quyết cũng quy định về xử lý về tiếp tục sử dụng đất, xác định giá đất, tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với dự án tại số 39 - 39B Bến Vân Đồn (TPHCM), trong Kết luận thanh tra số 757 ngày 13/5/2021 của Thanh tra Chính phủ.
Tại TPHCM, 3 dự án có vi phạm nêu trong Báo cáo kết quả kiểm tra số 332 ngày 9/12/2020 của Thanh tra Chính phủ cũng được xử lý về giá đất, tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Như vậy, 64 dự án vi phạm nêu trong kết luận thanh tra ở TPHCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa đã có cơ chế đặc thù gỡ vướng mắc.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2025.