Cơ chế thử nghiệm Fintech: Bước đi chủ động, kiểm soát chặt
Nghị định 94 tạo cơ sở pháp lý cho công nghệ tài chính phát triển có kiểm soát, góp phần hiện đại hóa hệ thống ngân hàng và mở rộng tiếp cận dịch vụ tài chính.
Tạo nền móng pháp lý cho đổi mới sáng tạo
Ngày 1/7/2025, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Tọa đàm “Triển khai Nghị định số 94/2025/NĐ-CP ngày 29/4/2025 về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng” (gọi tắt là Nghị định 94). Sự kiện nằm trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ kỹ thuật do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) tài trợ, ủy thác qua Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) quản lý. Đây là bước khởi động quan trọng nhằm phổ biến nội dung Nghị định mới, đồng thời thúc đẩy việc triển khai cơ chế thử nghiệm công nghệ tài chính (Fintech) một cách an toàn, minh bạch và hiệu quả, phù hợp với chủ trương chuyển đổi số và phát triển kinh tế số quốc gia.

Ông Thomas Gass, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm
Tọa đàm có sự tham dự của ông Thomas Gass, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam, ông Ron H. Slangen, Phó Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, cùng đại diện các Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, tổ chức tín dụng, công ty Fintech, cơ quan quản lý nhà nước và nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng.
Đây là diễn đàn để các bên liên quan cùng trao đổi, chia sẻ, giải đáp cụ thể về nội dung và quy trình triển khai Nghị định 94, qua đó đảm bảo sự hiểu biết thống nhất, đồng thuận trong việc áp dụng cơ chế thử nghiệm trên thực tiễn. Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh: Nghị định 94 là văn bản pháp lý quan trọng, lần đầu tiên đưa ra khung thể chế đầy đủ cho việc thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng. Đây là bước đi cần thiết trong bối cảnh đổi mới sáng tạo đang diễn ra mạnh mẽ, đặt ra yêu cầu cấp bách về hành lang pháp lý phù hợp để hỗ trợ các mô hình kinh doanh mới trong môi trường thực tế, đồng thời kiểm soát rủi ro cho hệ thống.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng phát biểu
Theo nội dung Nghị định 94, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát được thiết kế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Fintech, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thể thử nghiệm các giải pháp mới trong môi trường thực tế, với sự giám sát chặt chẽ từ cơ quan quản lý. Việc này giúp giảm thiểu rủi ro hệ thống, tránh các tác động tiêu cực có thể phát sinh từ công nghệ chưa hoàn thiện, đồng thời là cơ sở để Ngân hàng Nhàn nước và các cơ quan liên quan đánh giá, điều chỉnh và hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động Fintech trong tương lai.
Quan trọng hơn, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số hiện đại, hỗ trợ mở rộng khả năng tiếp cận tài chính cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu vùng xa, nơi mà dịch vụ tài chính truyền thống vẫn còn hạn chế.
Phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế số quốc gia
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đang định hình lại nhiều ngành kinh tế, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương lớn nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trong đó ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện “Bộ tứ chiến lược”, gồm: Đột phá, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết số 57-NQ/TW); hội nhập quốc tế trong tình hình mới (Nghị quyết 59-NQ/TW); xây dựng và thực thi pháp luật (Nghị quyết số 66-NQ/TW); phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68-NQ/TW) để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong kỷ nguyên mới. Trong đó, việc ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát được xem là một công cụ quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu này, giúp hệ thống tài chính ngân hàng thích ứng nhanh hơn với xu hướng toàn cầu, đồng thời đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và an toàn hệ thống.

Toàn cảnh Tọa đàm
Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã có những bước tiến mạnh mẽ trong chuyển đổi số, từ hoàn thiện thể chế, đầu tư hạ tầng đến phát triển các sản phẩm dịch vụ số hóa. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 820 nghìn tỷ đồng/ngày; Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý khoảng 26 triệu giao dịch/ngày; Hạ tầng thông tin tín dụng quốc gia được nâng cấp, tỷ lệ cập nhật dữ liệu thành công từ TCTD đạt trên 98%. Đã có hơn 117 triệu hồ sơ khách hàng cá nhân và gần 927 nghìn hồ sơ khách hàng tổ chức đã được xác thực sinh trắc học. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm dịch vụ số hóa hoàn toàn đã ra đời, đem lại giá trị thiết thực cho khách hàng, từ mở tài khoản, cấp tín dụng, thanh toán đến quản lý tài chính cá nhân. Tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản ngân hàng hiện đã đạt gần 87%, và tổng giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt năm 2024 gấp 25 lần GDP.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, Nghị định 94 không chỉ đơn thuần là một chính sách quản lý, mà còn là chất xúc tác cho đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính. Khi được triển khai đúng hướng, cơ chế thử nghiệm sẽ trở thành “phòng thí nghiệm chính sách” linh hoạt, hỗ trợ doanh nghiệp Fintech phát triển các mô hình kinh doanh mới, đồng thời giúp nhà quản lý kịp thời điều chỉnh thể chế phù hợp với thực tiễn.
Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu đang ngày càng khốc liệt, quốc gia nào sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho công nghệ mới, quốc gia đó sẽ có lợi thế trong thu hút đầu tư, phát triển thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ông Ron H. Slagen, Phó giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm
Phó giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Ron H.Slangen cho biết: “Hệ thống tài chính tại Việt Nam đang trải qua quá trình chuyển đổi lớn, được thúc đẩy bởi các công nghệ như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, open API, Blockchain và AI. Sự thay đổi này đang định hình lại hoạt động ngân hàng truyền thống và thúc đẩy sự trỗi dậy của các công ty công nghệ tài chính. Để thích ứng, ADB ủng hộ Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, thúc đẩy tài chính toàn diện và thân thiện với khí hậu, đồng thời cung cấp môi trường thuận lợi cho đổi mới công nghệ tài chính”.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chủ động từ phía Ngân hàng Nhà nước cùng sự đồng hành của các đối tác quốc tế, cơ chế thử nghiệm Fintech theo Nghị định 94 được kỳ vọng sẽ là bước đệm quan trọng cho ngành Ngân hàng vững bước trên hành trình chuyển đổi số, phục vụ hiệu quả hơn cho sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tọa đàm Triển khai Nghị định 94/2025/NĐ-CP cũng sẽ được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh vào 2/7 và tại Đà Nẵng vào 3/7 nhằm truyền tải các nội dung, chính sách tại Nghị định 94/2025/NĐ-CP đến rộng rãi các đối tượng áp dụng trên toàn quốc. Sự kiện sẽ góp phần quan trọng vào quá trình triển khai thử nghiệm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo công nghệ tài chính phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế số quốc gia, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính và hiện đại hóa hệ thống ngân hàng theo chủ trương, định hướng của Đảng và Chính phủ.