Cơ chế 'vượt khung' để thu hút nhân tài công nghệ

Để thu hút nhân tài, chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ về Việt Nam làm việc, cần đột phá cả về cơ chế, chính sách lẫn tư duy quản trị.

Môi trường làm việc chuyên nghiệp, chính sách đãi ngộ đặc biệt... sẽ giúp thu hút và “giữ chân” nhân tài khoa học, công nghệ

Môi trường làm việc chuyên nghiệp, chính sách đãi ngộ đặc biệt... sẽ giúp thu hút và “giữ chân” nhân tài khoa học, công nghệ

“Trải thảm” mời gọi nhân tài

Cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài được Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW mới đây. Theo đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao khẩn trương xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực, nhân tài khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong và ngoài nước, nhất là nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghệ mũi nhọn (trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, vật liệu mới...); có chính sách đãi ngộ đặc biệt (vượt khung lương, nhà ở, môi trường làm việc…) để thu hút ít nhất 100 chuyên gia hàng đầu về nước làm việc. Công việc này hoàn thành trong tháng 8/2025.

Thực hiện chỉ đạo nói trên, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao nhiều nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, như xây dựng chính sách đãi ngộ đặc biệt với nhân tài, chuyên gia hàng đầu, các tổng công trình sư, kiến trúc sư trưởng để triển khai các hệ thống chiến lược, sáng kiến đột phá; có chính sách đãi ngộ đặc biệt để thu hút ít nhất 100 chuyên gia hàng đầu về nước làm việc.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng, định hướng của ngành khoa học và công nghệ là thu hút tinh hoa toàn cầu đến giải bài toán của Việt Nam, làm cho Việt Nam phát triển và thịnh vượng. Với các bài toán lớn của Việt Nam, lực lượng nghiên cứu trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 20% yêu cầu, 80% còn lại phải dựa vào hợp tác quốc tế.

“Việt Nam đang có nhiều bài toán lớn cần giải”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh và nhắc đến những yêu cầu như tăng trưởng hai con số, năng lượng xanh, giải quyết ô nhiễm môi trường... Trong khi đó, ngành khoa học và công nghệ trong nhiều năm trước chưa quen với việc có các bài toán lớn, đầu tư khiêm tốn, nên lời giải chỉ ở mức nhất định. “Việt Nam không thể ‘hóa rồng, hóa hổ’ nếu không sử dụng được tinh hoa của nhân loại. Không quốc gia nào có thể phát triển vượt bậc nếu chỉ dựa vào nội lực, sức mình là chính”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lý giải.

Hiến kế mời gọi nhân tài

Chủ trương, chính sách từ Đảng, Chính phủ đã rõ. Mới đây nhất, Quốc hội thông qua Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Luật này cũng quy định rõ các chính sách đãi ngộ đặc biệt cho nhân tài công nghệ.

Ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin (Bộ Khoa học và Công nghệ) khẳng định, trong Luật Công nghiệp công nghệ số có chính sách thu hút nhân tài. Nhân tài công nghệ số được hưởng cơ chế đặc biệt về lương thưởng, cạnh tranh sòng phẳng với các nước trên thế giới; được hỗ trợ nhà ở, không gian sống...; được tôn vinh, khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phân bổ ngân sách để mỗi năm dành cố định ít nhất 20% tổng ngân sách khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo cho việc xây dựng phòng thí nghiệm đẳng cấp quốc tế, tức là ít nhất 10.000 tỷ đồng/năm.

- Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng

Cụ thể, người nước ngoài được cấp thẻ tạm trú có thời hạn 5 năm, gia hạn theo quy định pháp luật; trong trường hợp người nước ngoài có vợ, chồng hoặc con dưới 18 tuổi, cũng được hỗ trợ tương tự. Nhân lực công nghiệp công nghệ chất lượng cao được hỗ trợ miễn thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm…

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, trước tiên, cần hoàn thiện khung pháp lý, đặc biệt là các quy định liên quan đến quốc tịch để thúc đẩy kiều bào nước ngoài về Việt Nam. Tiếp đến, tạo môi trường làm việc lành mạnh, cạnh tranh công bằng dựa trên năng lực và đóng góp. Cụ thể là, đầu tư mạnh vào các trường đại học công lập, hệ thống phòng thí nghiệm và cơ sở nghiên cứu. Đồng thời, cần có cơ chế tự chủ tài chính và đãi ngộ linh hoạt, không giới hạn mức trần về lương để thu hút nhân tài. Đặc biệt, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần đưa ra các bài toán, đề tài nghiên cứu cụ thể để trí thức Việt Nam ở nước ngoài tham gia.

GS-TS. Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá, vấn đề không chỉ nằm ở việc “thu hút” cho đủ, mà là “dùng đúng” để phát huy tối đa năng lực từng cá nhân. Việc phát hiện, lựa chọn và bố trí người tài đúng vị trí - nơi họ có thể phát huy sở trường và đóng góp thực chất - là bài toán đòi hỏi tầm nhìn dài hạn, sự quyết liệt trong hành động, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp. Chỉ khi giải được bài toán nhân lực một cách bài bản và chiến lược, chúng ta mới có thể biến tiềm năng thành lợi thế cạnh tranh thực sự.

Để thu hút nhân tài, theo GS-TS. Chử Đức Trình, Việt Nam cần ưu tiên giải quyết 3 nhóm vấn đề mang tính kiến tạo và đột phá cả về cơ chế, chính sách lẫn tư duy quản trị. Theo đó, cần chính sách đóng vai trò “kiến tạo”, tạo khung cơ chế đủ linh hoạt để từng đơn vị, tổ chức tự phát hiện, lựa chọn và sử dụng nhân tài theo mục tiêu riêng của họ; gỡ bỏ rào cản thể chế và thủ tục hành chính, phân cấp rõ quyền hạn cho các đơn vị được trao nhiệm vụ sử dụng nhân tài, đặc biệt là trong các cơ sở tự chủ; kết hợp thu hút ngắn hạn với chiến lược đào tạo, phát triển nội lực dài hạn.

Còn PGS-TS. Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) thì cho rằng, mời gọi nhân tài là chưa đủ. Thách thức lớn nhất nằm ở việc xây dựng được một hệ sinh thái đủ sức hấp dẫn, từ môi trường làm việc chuyên nghiệp, minh bạch, chính sách đãi ngộ cạnh tranh, đến cơ sở vật chất và không gian sáng tạo chuyên nghiệp. Việt Nam cần tạo ra cảm giác “được làm nghề”, chứ không chỉ “được làm việc” cho những trí thức tài năng này. Đồng thời, yếu tố văn hóa, môi trường làm việc - một cộng đồng khoa học có tư duy cởi mở, cầu thị và sẵn sàng đổi mới - cũng là điều kiện tiên quyết để giữ chân người tài.

Tại Viettel, tập đoàn công nghệ đang nghiên cứu 9/11 lĩnh vực công nghệ chiến lược theo Nghị quyết số 57-NQ/TW, thiếu nhân tài cũng đang là vấn đề cấp thiết cần có lời giải. Theo ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch Viettel, Đảng, Nhà nước đã xác định, phát triển các công nghệ chiến lược là nhiệm vụ lớn của quốc gia. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút các chuyên gia hàng đầu thế giới về làm việc tại Việt Nam.

“Để hiện thực hóa mục tiêu này, cần có thêm những cơ chế, chính sách đồng bộ, hiệu quả. Viettel đề xuất Nhà nước ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, chẳng hạn hỗ trợ về nhà ở, ưu đãi về thuế thu nhập, cho phép chuyên gia được sở hữu, đồng sở hữu các kết quả nghiên cứu, phát minh, sáng chế, được sở hữu hoặc có cổ phần tại các doanh nghiệp hình thành từ kết quả nghiên cứu…”, ông Tào Đức Thắng đề xuất.

Tú Ân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/co-che-vuot-khung-de-thu-hut-nhan-tai-cong-nghe-d338212.html