Cơ chế vượt trội nào cho các Trung tâm tài chính ở Việt Nam?

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc xây dựng và phát triển các Trung tâm tài chính (TTTC) tại Việt Nam đang trở thành mục tiêu chiến lược nhằm nâng cao vị thế quốc gia, thu hút dòng vốn đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Để đạt được mục tiêu này, việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội là một trong những yêu cầu quan trọng cho hoạt động của TTTC.

Đà Nẵng sẽ trở thành 1 trong 2 Trung tâm tài chính của Việt Nam.

Đà Nẵng sẽ trở thành 1 trong 2 Trung tâm tài chính của Việt Nam.

Xác định rõ một số lĩnh vực trọng tâm

Theo dự thảo Đề án xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và hoạt động của TTTC tại Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (khi chưa sáp nhập - PV) kiến nghị việc xây dựng các cơ chế, chính sách vượt trội nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nguồn vốn, công nghệ, phương thức quản lý hiện đại, áp dụng thử nghiệm các lĩnh vực kinh doanh mới, khuyến khích phát triển kết cấu hạ tầng và hình thành môi trường sống văn minh, chất lượng cao tại TTTC.

Cụ thể, về thành viên TTTC, theo kinh nghiệm phát triển các TTTC mới nổi (Dubai, Abu Dhabi, Astana…), đã hình thành hệ thống đăng ký thành viên chuyên biệt và phân cấp, quyền cấp, điều chỉnh, quản lý giấy phép hoạt động đầu tư của các chủ thể trong TTTC cho Cơ quan quản lý TTTC. Việc hình thành hệ thống đăng ký thành viên là giải pháp phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam nhằm đảm bảo sự quản lý xuyên suốt về đối tượng áp dụng của các chính sách trong TTTC và hiệu quả quản lý hoạt động của TTTC nói chung. Đồng thời chính sách này không bị hạn chế bởi các quy định về đăng ký doanh nghiệp tại Luật Doanh nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Về chính sách tiền tệ, ngân hàng và quản lý ngoại hối, hầu hết các TTTC đều cho phép giao dịch bằng đồng ngoại tệ chuyển đổi trong phạm vi TTTC để tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch tài chính. Đây là một trong những tiêu chí cơ bản của một TTTC.

Còn nhiều băn khoăn về các ưu đãi vượt trội

Tại dự thảo Nghị quyết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị áp dụng chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân cho cán bộ quản lý, nhà khoa học, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao nhằm khuyến khích, thu hút lực lượng các nhà khoa học có trình độ chuyên môn vào Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đang cần thu hút các nhân tài lĩnh vực tài chính về xây dựng và vận hành TTTC. Đồng thời, áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm tạo cơ chế thu hút vượt trội, hướng tới thu hút các ngành nghề ưu tiên phát triển của TTTC. Tuy nhiên, khi góp ý vào hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết, Bộ Tài chính đã đề nghị lược bỏ quy định này do Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành không quy định ưu đãi thuế áp dụng cho các đối tượng cụ thể.

Tại dự thảo Nghị quyết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất hình thành ngân hàng số từ các nhà băng là thành viên trung tâm tài chính, được thực hiện từ đầu 2026. Tuy nhiên, khi góp ý về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước đề nghị lùi thời hạn sang từ đầu 2027.

Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết quy định các tổ chức tín dụng có trụ sở tại TTTC không bị áp dụng hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài hoặc điều kiện đầu tư nước ngoài với việc cung cấp dịch vụ trong TTTC hoặc dịch vụ xuyên biên giới. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cho rằng tỷ lệ sở hữu nước ngoài và điều kiện đầu tư nước ngoài đối với việc cung cấp dịch vụ trong TTTC liên quan trực tiếp đến các cam kết thương mại và đầu tư của Việt Nam. Do đó, việc quy định không hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài và điều kiện đầu tư nước ngoài tại TTTC cần được rà soát thêm, hạn chế rủi ro vi phạm các nghĩa vụ trong các hiệp định thương mại, hiệp định bảo hộ đầu tư của Việt Nam.

Hiện Cơ quan thẩm định dự thảo Nghị quyết là Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành chức năng cũng đang xem xét rất thận trọng đối với các quy định mang tính vượt trội tại dự thảo Nghị quyết.

Phát biểu tại Hội nghị công bố Quyết định của Đảng ủy Chính phủ về việc thành lập 15 đảng bộ trực thuộc Đảng ủy Chính phủ ngày 24/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục yêu cầu các cơ quan khẩn trương xây dựng, trình dự thảo Nghị quyết thúc đẩy hình thành 2 TTTC quốc tế và khu vực tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng nhằm quyết liệt triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, nhất là các nghị quyết liên quan đến việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Phương Mai

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/co-che-vuot-troi-nao-cho-cac-trung-tam-tai-chinh-o-viet-nam-post540699.html