Cơ chế vượt trội xử lý các xung đột pháp luật
Luật Thủ đô năm 2024 có rất nhiều cơ chế, chính sách vượt trội, tạo điều kiện để Thủ đô phát triển. Để luật đi vào đời sống, quy định về áp dụng Luật Thủ đô được xây dựng hoàn toàn mới, nhất là trong xử lý các xung đột pháp luật, không chịu nhiều ràng buộc bởi các luật khác.
![Luật Thủ đô năm 2024 tạo ra các cơ chế, chính sách vượt trội để Hà Nội phát triển. Ảnh: Nguyễn Quang](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_8_51415515/f51579274169a837f178.jpg)
Luật Thủ đô năm 2024 tạo ra các cơ chế, chính sách vượt trội để Hà Nội phát triển. Ảnh: Nguyễn Quang
Chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển
Đánh giá về Luật Thủ đô được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ tư ngày 21-11-2012, sau gần 12 năm triển khai, đại diện các bộ, ngành đều có chung quan điểm, đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô, góp phần đưa Hà Nội phát triển với tầm vóc như hiện nay.
Tuy nhiên, Hà Nội vẫn phát triển chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng, thế mạnh vốn có. Nguyên nhân chủ yếu là do hiệu lực pháp lý của luật chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của Thủ đô, thiếu sự thống nhất giữa các luật liên quan. Thậm chí một số khoản, điều của luật khác ban hành sau có hiệu lực cao hơn Luật Thủ đô. Đặc biệt, thiếu cơ chế, chính sách đặc thù và chế tài đủ mạnh để huy động nguồn lực tăng tốc phát triển, quản lý môi trường văn hóa.
Ðơn cử như việc cải tạo, xây dựng chung cư cũ đã được quy định tại Điều 16 Luật Thủ đô nhưng còn chung chung, mang tính định hướng hơn là cơ chế thực hiện. Hay đối với công tác di dời và quản lý quỹ đất sau khi di dời của một số cơ quan, tổ chức chưa được thực hiện nghiêm theo Quyết định số 130/QÐ-TTg ngày 23-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ, quỹ đất sau khi di dời chưa được bàn giao lại cho thành phố để xây dựng, phát triển các công trình công cộng theo quy định tại Khoản 4 Ðiều 15 Luật Thủ đô. Trong khi đó, dân số cơ học tại Hà Nội vẫn tiếp tục tăng nhanh, nhất là ở khu vực nội thành.
Đưa luật vào cuộc sống
Với phương châm “đưa luật vào cuộc sống”, Luật Thủ đô năm 2024 đã bổ sung nhiều điều khoản mang ý nghĩa đột phá giải quyết tình trạng vênh chính sách, tạo cơ sở pháp lý xử lý các xung đột pháp luật trong trường hợp có sự khác nhau giữa Luật Thủ đô năm 2024 với các luật hiện hành có liên quan và các luật ban hành sau ngày Luật Thủ đô năm 2024 có hiệu lực về cùng một vấn đề, song vẫn bảo đảm minh bạch và thứ bậc về hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật cũng như tính thống nhất với quy định tại Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Điểm nhấn đáng lưu ý, luật quy định trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với quy định của Luật Thủ đô về cùng một vấn đề mà cần được áp dụng thì phải quy định cụ thể ngay trong luật, nghị quyết đó (Khoản 2 Điều 4).
Đồng thời, để dự phòng các trường hợp luật, nghị quyết ban hành sau chưa dự liệu được đầy đủ nội dung áp dụng pháp luật liên quan đến các quy định của Luật Thủ đô, Luật Thủ đô năm 2024 nêu rõ, trong trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với Luật Thủ đô về cùng một vấn đề và quá trình triển khai cho thấy áp dụng quy định này cần thiết cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô nhưng việc áp dụng lại chưa được quy định cụ thể trong luật, nghị quyết đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định việc áp dụng theo đề nghị của Chính phủ và nội dung này cần được báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Cùng với đó, nhằm xử lý mối quan hệ giữa Luật Thủ đô với các luật, nghị quyết của Quốc hội, văn bản do Chính phủ, bộ, ngành ban hành ngay từ khâu dự thảo, Luật Thủ đô năm 2024 quy định, khi xây dựng các dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội thì các bộ, cơ quan ngang bộ phải rà soát các quy định của Luật Thủ đô. Nếu có quy định khác về cùng vấn đề với Luật Thủ đô thì cần xác định việc áp dụng theo Luật Thủ đô hoặc áp dụng theo luật, nghị quyết đó (Khoản 2 Điều 50). Luật giao trách nhiệm cho UBND thành phố Hà Nội đề xuất việc áp dụng quy định trong các luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có nội dung khác với quy định của Luật Thủ đô mà việc áp dụng quy định đó sẽ thuận lợi hơn cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô, báo cáo HĐND thành phố Hà Nội cho ý kiến trước khi báo cáo đề nghị Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Để bảo đảm hiệu lực thi hành của các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung của Luật Thủ đô, Luật Thủ đô năm 2024 quy định, các văn bản này được ưu tiên áp dụng trong trường hợp có nhiều văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề.
Theo Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Hà Nội, cơ sở pháp lý xử lý các xung đột pháp luật trong trường hợp có sự khác nhau sẽ giúp Luật Thủ đô năm 2024 được rành mạch hơn, khắc phục những vướng mắc lớn trong thực tiễn áp dụng Luật Thủ đô năm 2012 và một số nghị quyết của Quốc hội thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho một số địa phương hiện đang được triển khai.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/co-che-vuot-troi-xu-ly-cac-xung-dot-phap-luat-692562.html