Có đến 10% người bị đột quỵ thuộc độ tuổi 18-35

Theo thống kê của Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, có đến 10% người bị đột quỵ thuộc độ tuổi 18-35.

Ngày 13-11, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam công bố kết quả Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng và chương trình Careme 2024.

Thạc sĩ, Dược sĩ Nguyễn Hữu Tú, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã báo cáo kết quả tổ chức Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm 2024 và chương trình Careme.

 Ban tổ chức công bố kết quả hành trình thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác. Ảnh: ĐĂNG HẢI.

Ban tổ chức công bố kết quả hành trình thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác. Ảnh: ĐĂNG HẢI.

Theo báo cáo, chương trình đã có hơn một triệu người dân được sàng lọc bệnh qua nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI). Hơn 2,6 triệu lượt thanh niên được tư vấn về bệnh không lây nhiễm và các yếu tố nguy cơ (gấp 2,6 chỉ tiêu).

Có 2.997 người dân, bệnh nhân và thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ tài chính hoặc hỗ trợ y tế miễn phí (gấp 3 chỉ tiêu).

Hơn thế nữa, Hội/Câu lạc bộ doanh nhân trẻ, thầy thuốc trẻ tại địa phương có ít nhất một chương trình hỗ trợ thường xuyên cho người có hoàn cảnh khó khăn.

Cùng ngày, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm Gánh nặng bệnh mạn tính và tiềm năng ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý bệnh.

Tại tọa đàm, ban tổ chức đã công bố số liệu từ Bộ Y tế, theo đó, tại Việt Nam, các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh hô hấp mạn tính đang trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và bệnh tật.

Số liệu năm 2019 cho thấy, gánh nặng bệnh tật do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 73,7% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc. Trong đó, bệnh tim mạch 20,5%, ung thư 13,3%, bệnh hô hấp mạn tính 4% và đái tháo đường 3,9%.

Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận hơn 350.000 ca tử vong do bệnh không lây nhiễm. Cụ thể, bệnh tim mạch khoảng 70.000 ca, ung thư 66.000 ca và đái tháo đường 13.000 ca.

Đáng chú ý, khoảng 41,5% số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm xảy ra trước tuổi 70, gây tổn thất lớn về kinh tế và xã hội

Các yếu tố nguy cơ chính góp phần gia tăng bệnh không lây nhiễm bao gồm hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, chế độ ăn không lành mạnh và thiếu hoạt động thể chất.

Ước tính, mỗi năm chi phí liên quan đến hút thuốc lá tại Việt Nam là 1,08 tỷ USD, bao gồm chi phí chăm sóc sức khỏe và mất năng suất lao động.

 Thạc sĩ, Dược sĩ Nguyễn Hữu Tú phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: ĐĂNG HẢI.

Thạc sĩ, Dược sĩ Nguyễn Hữu Tú phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: ĐĂNG HẢI.

Ngoài ra, tại Việt Nam, xu hướng trẻ hóa của các bệnh mạn tính đang trở thành mối lo ngại lớn cho sức khỏe cộng đồng. Trước đây, các bệnh như bị đột quỵ, cao huyết áp, đái tháo đường và suy thận thường xuất hiện chủ yếu ở người cao tuổi.

Tuy nhiên, hiện nay, những bệnh này ngày càng phổ biến ở người trẻ tuổi. Thống kê của Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, có đến 10% ngườibị đột quỵ thuộc độ tuổi 18-35.

Tọa đàm cũng khẳng định, chuyển đổi số và ứng dụng AI trong y tế không chỉ giúp tăng hiệu quả chẩn đoán, điều trị, và quản lý y tế, mà còn mang lại trải nghiệm tốt hơn cho bệnh nhân.

Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, tương lai của y tế số hứa hẹn sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng hệ thống y tế thông minh và bền vững.

Tọa đàm nhận được sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành với những nội dung thảo luận tập trung vào chủ đề gánh nặng bệnh mạn tính và tiềm năng ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý bệnh.

VIẾT THỊNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/co-den-10-nguoi-bi-dot-quy-thuoc-do-tuoi-18-35-post819665.html