Có di tích thu được 220 tỷ đồng tiền công đức trong năm 2023
Tổng số tiền các di tích thực thu trong năm 2023 là 4.100 tỷ đồng. Hà Nội dẫn đầu cả nước về số thu tiền công đức, với hơn 670 tỷ đồng; miếu Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc (An Giang) thu được 220 tỷ đồng, đền Bảo Hà (Lào Cai) thu được 71 tỷ đồng…
Bộ Tài chính vừa công bố báo cáo kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại di tích lịch sử, văn hóa trên cả nước năm 2023. Sau khi tổng hợp tổng hợp báo cáo tiền công đức trên cả nước, Bộ Tài chính đã có báo cáo gửi Chính phủ.
Cả nước có hơn 31.000 di tích lịch sử - văn hóa báo cáo thu chi tiền công đức, trong đó có 7 di tích có tiền thu công đức trên 25 tỷ đồng, 28 di tích thu trên 10 tỷ đồng, 63 di tích thu trên 5 tỷ đồng.
Các di tích lịch sử - văn hóa thu tiền công đức nhiều nhất gồm: Miếu Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc (An Giang): 220 tỷ đồng; đền Bảo Hà (Lào Cai): 71 tỷ đồng; Khu di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo ở Bà Rịa-Vũng Tàu: 34 tỷ; Đền Sòng Sơn ở Bỉm Sơn (Thanh Hóa): 28 tỷ; Đền Hùng ở Phú Thọ: 26 tỷ và 2 di tích ở Hà Nội là Đình La Khê (28 tỷ) và Đền trình Ngũ Nhạc ở chùa Hương (33 tỷ).
Có 15 di tích thu trên 5 tỷ đồng, trong đó chỉ có 4 di tích thu trên 10 tỷ đồng, gồm: Chùa Tranh ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương: 10,2 tỷ; Chùa Tàm Xá ở Đông Anh, Hà Nội: hơn 10 tỷ; Chùa Ông ở Biên Hòa, Đồng Nai: 14,2 tỷ; Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh Cà Mau: 14,4 tỷ.
Hà Nội dẫn đầu cả nước với số thu tiền công đức, với hơn 670 tỷ đồng. Cả nước có 7 tỉnh thu trên 200 tỷ đồng tiền công đức, gồm: Hà Nội, Hải Dương, An Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Nam Định, Quảng Ninh (tỉnh Quảng Ninh được giao thực hiện thí điểm việc kiểm tra, số thu 4 tháng đầu năm 2023 trên 67 tỷ đồng (đã bổ sung số thu tại chùa Ba Vàng và một số di tích), ước thu cả năm trên 200 tỷ đồng).
Có 9 tỉnh, thành phố có số thu trên 100 tỷ - dưới 200 tỷ đồng, gồm: Hải Phòng (183 tỷ), Thái Bình (169 tỷ), Vĩnh Phúc (127 tỷ), Bắc Giang (122 tỷ), Phú Thọ (119 tỷ), Lào Cai (116 tỷ), Nghệ An (115 tỷ), Ninh Bình (110 tỷ), Thanh Hóa (105 tỷ)..
Các di tích trên cả nước cũng chi hơn 3.610 tỷ đồng, trong đó khoản chi lớn nhất cho tu bổ, tôn tạo di tích chiếm 46%. Các khoản chi quản lý, tổ chức lễ hội, xây dựng công trình phụ trợ di tích dao động 12-19% tổng nguồn thu.
Hiện, cả nước còn khoảng 1.770 di tích lịch sử - tôn giáo (31% tổng số di tích) chưa có báo cáo, trong đó nhiều chùa thuộc sở hữu chung của cộng đồng đã được UBND cấp tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, trong điều kiện cân đối ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn, chi ngân sách dành cho lĩnh vực văn hóa hàng năm còn khiêm tốn, thì tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa là nguồn tài chính rất quan trọng, đã và đang đóng góp tích cực cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói riêng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết: “Việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại nhiều di tích chưa chặt chẽ, tiềm ẩn rủi ro, để thất thoát, trộm cắp. Có di tích giao tiền cho cá nhân giữ, đứng tên gửi tiết kiệm. Một số di tích có thói quen giữ tiền mặt mà không gửi vào tài khoản bị kẻ gian lấy trộm, kẻ gian cạy phá hòm lấy tiền”.
Bộ Tài chính đề xuất địa phương, đơn vị tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng tiền công đức, tài trợ. Đồng thời đưa việc tiết kiệm thành văn hóa của người đại diện ban quản lý di tích. Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội cho phát triển văn hóa của đất nước.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng các tổ chức tôn giáo nên đặt chuyện tiền công đức trong xu thế chung, bởi những người làm thiện nguyện ngày càng quan tâm hơn về việc tiền của mình được sử dụng ra sao.
“Khi nhà hảo tâm biết chính xác tiền công đức của họ được sử dụng vào những hoạt động gì, họ sẽ cảm thấy tự tin và thoải mái hơn trong việc đóng góp và hỗ trợ các hoạt động từ thiện. Việc minh bạch cũng nâng cao hiệu quả sử dụng tiền công đức, phòng tránh các hành vi gian lận và lạm dụng tiền công đức”, ông Sơn nói.