'Cờ đỏ bay trên núi Bài Thơ'
Từ mốc son thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, phong trào cách mạng ở Khu Mỏ Quảng Ninh đã bước sang một trang sử mới, cùng cả nước đi tới những thắng lợi sau này. 94 năm qua, đứng dưới 'lá cờ đỏ bay trên núi Bài Thơ', thợ mỏ vùng than đã và luôn vững vàng tiến bước.
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tạo nên bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Thời điểm này ở Khu Mỏ, từ các hoạt động tuyên truyền và bồi dưỡng, "lửa cách mạng" nhanh chóng lan rộng và ngày 23/2/1930, hội nghị thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở Khu Mỏ diễn ra tại Mạo Khê (nay thuộc TX Đông Triều, Quảng Ninh). Ông Nguyễn Văn Cừ (khi ấy là Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ) và ông Nguyễn Đức Cảnh tuyên bố thành lập Chi bộ có 5 đảng viên, do ông Đặng Châu Tuệ làm Bí thư.
Từ "mốc son" này, phong trào công nhân mỏ tiến lên một thời kỳ mới, đứng dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ tháng 2 đến tháng 4/1930, lần lượt chi bộ Đảng ở khắp các vùng Hòn Gai, Cẩm Phả - Cửa Ông, Uông Bí - Vàng Danh ra đời. Công nhân và các tầng lớp lao động tham gia đông đảo, hàng chục cuộc đấu tranh nổ ra, hòa nhịp với bước tiến của cao trào cách mạng trong cả nước. Trong đó, gây chấn động là sự kiện cắm cờ Đảng trên núi Bài Thơ ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930.
Đêm 30/4/1930, đảng viên Đào Văn Tuất được phân công nhận treo cờ Đảng trên đỉnh núi Bài Thơ giữa trung tâm Hòn Gai. Bám vào từng mỏm đá sắc nhọn cheo leo, người đảng viên trẻ bình tĩnh, thận trọng chèn chặt, cắt dây rừng chằng cán cờ vào gốc cây, để lá cờ đứng vững trên mỏm Mỏ Quạ bên sườn núi.
Trời vừa sáng, lá cờ đỏ búa liềm hiên ngang tung bay trên núi Bài Thơ khiến bọn mật thám, bọn chủ mỏ bàng hoàng, còn dân chúng thì mừng vui náo nức. Công nhân, nhân dân được cổ vũ đứng lên, từ nhà máy, bến cảng đổ về Hòn Gai tham gia đấu tranh. Sự kiện đã đi vào câu hát "Tôi là người thợ lò, sinh ra trên đất mỏ, trong những ngày cờ đỏ bay trên núi Bài Thơ", như một biểu tượng cho ý chí, niềm tin cách mạng của những người thợ vùng than.
Anh Đỗ Văn Hiểu, Công ty Than Hòn Gai - TKV tự hào kể, những người thợ mỏ hôm nay "nằm lòng" trang sử vẻ vang của cha anh từ khi có Đảng lãnh đạo. Những phong trào đấu tranh đó đã hun đúc nên tinh thần "Kỷ luật và Đồng tâm", giờ đây đã trở thành ý thức hệ của người công nhân mỏ và cả người Quảng Ninh.
Anh Đỗ Văn Hiểu nói: "Thắng lợi của cuộc tổng bãi công ngày 12/11/1936 đã để lại bài học sâu sắc về ý thức "Kỷ luật và Đồng tâm", về tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường bất khuất, là niềm tự hào của các thế hệ thợ mỏ chúng tôi. "Kỷ luật và Đồng tâm" cũng là đặc trưng, biểu tượng sức mạnh đoàn kết, tinh thần "thép" giúp ngành than, Quảng Ninh vượt khó thành công, trở thành truyền thống trên những chặng đường phát triển.
Từ tầng cao xuống lò sâu, thợ mỏ ngày nay không chỉ có sức vóc, có chuyên môn mà còn trăn trở tìm tòi nhiều sáng kiến để cải tiến điều kiện làm việc, nâng cao năng suất, an toàn, tham gia tích cực vào các phong trào của phân xưởng, đơn vị.
Thợ mỏ Nguyễn Đức Hảo, PX Điện, Công ty Than Vàng Danh - Vinacomin chia sẻ: Những người thợ trẻ như anh luôn không ngừng phấn đấu để được đứng dưới lá cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam: "Tôi rất vui và vinh dự khi được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng, đặc biệt đúng vào vào dịp 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh tháng 10/2023. Tôi sẽ luôn rèn luyện học tập thật tốt để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, luôn là một đảng viên tốt để quần chúng noi theo."
Đảng bộ Than Quảng Ninh hiện có hơn 10.300 đảng viên. Đảng viên luôn là lực lượng nòng cốt quan trọng nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị. Do đó, công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng viên luôn được tập trung chú trọng. Năm 2023, các đơn vị trong Đảng bộ Than Quảng Ninh kết nạp Đảng cho hơn 1.000 quần chúng ưu tú, đảm bảo về lượng và chất, trình độ chuyên môn ngày càng tăng.
Ông Bùi Văn Ngợi, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Than Quảng Ninh cho biết, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai rộng khắp với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng đơn vị. Đặc biệt, công tác xây dựng hình ảnh "Người thợ mỏ - Người chiến sĩ" đã lan tỏa mạnh mẽ, nhân lên những tấm gương điển hình, tiêu biểu: "2024 và những năm tiếp theo, chúng tôi tiếp tục làm thật tốt công tác giáo dục truyền thống "Kỷ luật và Đồng tâm" - truyền thống của công nhân vùng mỏ, truyền thống ngành than, nêu cao tính gương mẫu, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên cả về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật và thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Tiếp tục chỉ đạo phong trào thi đua xây dựng những mô hình, tổ chức các hoạt động phù hợp nhằm lôi cuốn, nâng cao hiểu biết của quần chúng đối với Đảng, sự nghiệp phát triển của đất nước, tỉnh Quảng Ninh và của ngành than."
Trong sự phát triển của Vùng Mỏ, "lá cờ đỏ trên núi Bài Thơ" vẫn luôn là ánh sáng dẫn đường, là sự thôi thúc Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Ninh nỗ lực vượt mọi khó khăn, đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, xây dựng Vùng Than đẹp giàu.
Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/co-do-bay-tren-nui-bai-tho-post1075341.vov