Cô gái 17 tuổi mắc ung thư, bác sĩ lấy trứng trữ đông qua đường đặc biệt
Cô gái 17 tuổi bất ngờ phát hiện ung thư buồng trứng. Trước khi xạ trị, cô được bác sĩ lấy trứng trữ đông, dùng cho việc thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm sau này.
Bệnh nhân 17 tuổi được chỉ định cắt bỏ buồng trứng trái để loại bỏ khối u. Sau sinh thiết, bệnh nhân được chẩn đoán ung thư và có chỉ định xạ trị.
Lo lắng quá trình xạ trị sẽ ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của con trong tương lai, gia đình đã đưa cô gái đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Nam học, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, để thực hiện trữ đông trứng, dùng cho việc thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm sau này.
Thông thường, kỹ thuật chọc trứng được thực hiện qua đường âm đạo. Bác sĩ sẽ sử dụng một đầu dò siêu âm qua đường âm đạo để quan sát buồng trứng và các nang chứa noãn trong buồng trứng. Sau đó đưa một kim nhỏ vào từng nang và hút phần dịch nang có chứa noãn trong nang trứng.
Tuy nhiên, bệnh nhân này mới 17 tuổi và chưa quan hệ tình dục nên các bác sĩ phải tiến hành lấy trứng qua đường bụng. "Việc tiếp cận buồng trứng qua đường bụng gặp nhiều khó khăn và dễ làm tổn thương các mạch máu, các tạng trong ổ bụng", Tiến sĩ, bác sĩ Đoàn Xuân Kiên, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Nam học, chia sẻ về thách thức, khó khăn mà ê-kíp đã vượt qua trong ca lấy trứng trữ đông nhiều cảm xúc.
Ung thư buồng trứng là một trong số các bệnh ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ. Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1.200 trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh này.
Bảy dấu hiệu ung thư buồng trứng thường bị coi nhẹ nhưng cần đi khám:
- Cảm giác khó chịu, đau ở vùng bụng dưới
- Rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy hay táo bón
- Thường xuyên đi tiểu do tăng áp lực đè ép vào bàng quang
- Ăn kém, cảm giác đầy bụng kể cả sau một bữa ăn nhẹ
- Tăng hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân
- Chảy máu âm đạo bất thường sau mãn kinh, thay đổi bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt
- Đau khi quan hệ tình dục.
Trữ đông trứng là kỹ thuật bảo quản trứng của phụ nữ trong ở nhiệt độ lạnh sâu, trong thời gian dài. Tại Việt Nam, việc lưu trữ trứng không quá phổ biến, trước đây thường chỉ áp dụng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Vài năm gần đây, số phụ nữ có như cầu trữ trứng vì muốn trì hoãn lập gia đình, có con, để dành phòng trường hợp rủi ro... ngày càng tăng. Một số ít trường hợp trữ trứng trước khi điều trị nội tiết hoặc mắc ung thư vú, ung thư buồng trứng...