Cúm mùa và biến chứng viêm phổi

Cúm có thể tiến triển nặng thành viêm phổi, người bệnh nên uống nhiều nước, ăn đủ chất, tránh đến nơi có khói thuốc, nghỉ ngơi để phòng biến chứng.

Phòng biến chứng viêm phổi do cúm mùa

Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển, trong đó có cúm mùa.

Theo các bác sỹ, người bệnh cúm chỉ có biểu hiện hắt hơi, sổ mũi, đau nhức cơ... Người trẻ tuổi, sức khỏe tốt bị cúm thường không nghiêm trọng, triệu chứng có thể hết sau hai tuần.

Để phòng chống dịch cúm, theo khuyến cáo, người dân cần tiêm vắc-xin cúm mùa nhằm tạo lá chắn miễn dịch cho cơ thể, tăng khả năng chống lại các vi khuẩn và virus gây bệnh.

Để phòng chống dịch cúm, theo khuyến cáo, người dân cần tiêm vắc-xin cúm mùa nhằm tạo lá chắn miễn dịch cho cơ thể, tăng khả năng chống lại các vi khuẩn và virus gây bệnh.

Trẻ em, người già, người có hệ miễn dịch suy yếu mắc bệnh cúm có thể tiến triển nghiêm trọng, dẫn đến viêm phổi. Đây là một trong những biến chứng nặng do cúm. Người bệnh có thể bị viêm phổi do virus cúm hoặc viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn.

Người lớn tuổi, có bệnh lý mạn tính bị viêm phổi sau mắc cúm có thể tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Để phòng chống viêm phổi khi mắc cúm theo khuyến cáo, người dân cần tránh khói thuốc lá bởi hóa chất trong thuốc lá có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm khả năng bảo vệ cơ thể khỏi các vi sinh vật gây bệnh.

Tiếp xúc với khói thuốc làm tăng nồng độ cytokine và tế bào miễn dịch tiền viêm như bạch cầu trung tính, đại thực bào hoạt động quá mức. Chúng khiến hệ miễn dịch có thể phản ứng thái quá với virus cúm.

Chất độc hại trong khói thuốc cũng làm tê liệt tế bào lông chuyển, giảm độ nhạy cảm của cơ thể với những cơn ho thúc đẩy loại bỏ virus cúm.

Điều này làm cho người bệnh sau mắc cúm có thể viêm phổi kéo dài, tổn thương nhu mô phổi lớn hơn so với người không hút thuốc. Người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) nhiễm cúm có thể khiến tình trạng trở nặng.

Người người hút thuốc mắc bệnh cúm có khả năng phải nhập viện cao hơn 1,5 lần, chăm sóc đặc biệt cao hơn 2,2 lần so với người chưa bao giờ hút thuốc.

Không uống bia rượu giúp hạn chế tổn thương hệ thống tế bào miễn dịch phổi có chức năng tiêu thụ, loại bỏ virus, vi khuẩn như các đại thực bào phế nang và tế bào thực bào. Thói quen này cũng làm tăng tình trạng mất nước, cản trở chức năng miễn dịch, kích hoạt phản ứng viêm.

Giữ gìn vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng sau khi ho, xì mũi, đi vệ sinh, trước khi ăn hoặc chế biến món ăn... để hạn chế lây nhiễm virus, vi khuẩn khác. Vệ sinh tai mũi họng bằng muối sinh lý ấm giúp làm mềm chất nhầy, giảm nghẹt mũi.

Tránh gây tổn thương cho mũi bởi nếu mũi tổn thương sẽ tạo cơ hội cho virus, vi khuẩn xâm nhập, gây viêm. Vệ sinh miệng để ngăn chặn tác nhân gây bệnh xâm nhập từ đường mũi, họng.

Tắm nhanh bằng nước ấm dưới vòi hoa sen ở nơi kín gió, sau đó lau khô cơ thể nhanh, nhẹ nhàng giúp thư giãn, giảm mệt mỏi, giảm đờm trong cổ họng, mũi thông thoáng, dễ thở.

Uống nhiều nước lọc ấm để tránh mất nước, hỗ trợ cơ thể thải độc, tăng cường sản xuất bạch huyết, cải thiện hệ thống miễn dịch hô hấp. Người bệnh giảm ho, dịu cơn đau họng, tăng khả năng ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập cơ thể, dễ dẫn đến nhiễm trùng.

Người bệnh có thể uống nước điện giải, cháo loãng, nước ép trái cây, rau củ, sinh tố ít đường, nước gừng, mật ong chanh. Trung bình người trưởng thành cần bổ sung khoảng 1,5-2 lít nước từ đồ uống và thực phẩm.

Tránh tiếp xúc với người ốm hay tụ tập nơi đông người, đeo khẩu trang, giữ ấm cổ bằng khăn quàng khi ra ngoài tránh lây lan bệnh ra cộng đồng, ngăn ngừa lây nhiễm tác nhân có thể dẫn tới viêm phổi.

Ăn uống đầy đủ dưỡng chất, ưu tiên rau xanh, thức ăn giàu vitamin C và kẽm để cải thiện miễn dịch, tăng sức đề kháng.

Hạn chế thức ăn cay nóng, nhiều đường hoặc chất béo. Các triệu chứng có thể khiến người bệnh mệt mỏi, chán ăn. Nên chia làm nhiều bữa ăn trong ngày, tăng cường thực phẩm lỏng, dễ tiêu như cháo, súp... để cơ thể nhanh hồi phục.

Tập thể dục đều đặn đẩy nhanh thời gian hồi phục nếu bị nhiễm cúm, giảm nguy cơ biến chứng viêm phổi.

Hoạt động thể chất giúp tăng nồng độ và kích thích hoạt động các tế bào bạch cầu, cải thiện các phản ứng miễn dịch. Cơ thể giảm mức độ stress oxy hóa, từ đó làm giảm nguy cơ tổn thương do viêm trong phổi.

Duy trì thói quen này đều đặn để cải thiện tuần hoàn máu, đưa oxy đến các mô phổi bị tổn thương. Sức mạnh cơ hô hấp được tăng cường, chức năng phổi cải thiện, giảm nguy cơ biến chứng như viêm phổi. Tập thể dục cũng giảm nguy cơ mắc một số bệnh lý như tiểu đường, cao huyết áp, béo phì.

Nghỉ ngơi hợp lý để cơ thể có thời gian hồi phục, tránh làm việc hoặc vận động quá sức. Người bệnh cần đảm bảo ngủ đủ giấc, giữ tinh thần thư giãn nhằm tăng cường đề kháng.

Tiêm vắc-xin tạo lá chắn miễn dịch cho cơ thể

Để phòng chống dich cúm và các biến chứng do cúm mùa theo khuyến cáo, người dân cần tiêm vắc-xin cúm mùa nhằm tạo lá chắn miễn dịch cho cơ thể, tăng khả năng chống lại các vi khuẩn và virus gây bệnh. Vệ sinh nơi ở sạch sẽ, chú ý kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm trong phòng phù hợp.

Bên cạnh đó, cần kiểm soát bệnh nền tốt. Người béo phì, tiểu đường, hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bệnh tim cần kiểm soát bệnh nền. Do nhóm này có nguy cơ diễn tiến viêm phổi sau khi mắc cúm cao hơn so với người bình thường.

Bệnh cúm có thể diễn tiến viêm phổi sau khoảng 7-10 ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng cúm. Nếu có biểu hiện sốt kéo dài, mệt mỏi, yếu cơ, khó thở, đau ngực dữ dội hoặc đau nhói, nhịp tim nhanh, môi và móng tay màu xanh... người bệnh cần đi khám sớm.

Với tiêm vắc-xin theo bác sỹ Nguyễn Thị An, Hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec, bệnh cúm mùa thường lành tính nhưng trong một số trường hợp có thể tiến triển nặng với các triệu chứng như sốt cao, khó thở, phù phổi do suy tim, thậm chí có thể gây tử vong.

Theo chuyên gia, bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh cúm, bệnh dễ gặp nhất ở những đối tượng có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện hoặc sức đề kháng yếu như trẻ sơ sinh: Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi chưa được tiêm vắc-xin cúm nên có nguy cơ nhiễm cúm rất cao.

Đối với những em bé sinh non (dưới 32 tuần tuổi) kèm theo những nguy cơ về sức khỏe có khả năng mắc cúm cao hơn và diễn biến nặng nề hơn.

Trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện là đối tượng có nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm, trong đó có cúm mùa.

Với những trẻ mắc bệnh lý nền như suyễn, rối loạn chuyển hóa, bệnh tim bẩm sinh, bệnh gan, thận… thì nguy cơ mắc cúm và biến chứng đặc biệt cao, do đó trẻ em luôn là đối tượng được khuyến cáo tiêm vắc xin cúm đầy đủ và tiêm nhắc lại mỗi năm một lần.

Người lớn >65 tuổi; những người có bệnh nền mãn tính như: tiểu đường, tim phổi, suy thận hoặc suy gan, suy giảm miễn dịch... là những đối tượng dễ mắc các biến chứng nặng khi mắc cúm.

Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú cũng là đối tượng cần đặc biệt chú ý, tránh mắc cúm bởi có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.

Theo đó, khi mang thai, cơ thể người phụ nữ có nhiều sự thay đổi, nội tiết tố thay đổi, hệ miễn dịch yếu hơn khiến cho sức đề kháng của họ suy giảm.

Điều này khiến cơ thể bà bầu nhạy cảm hơn và dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh. Tương tự, trải qua quá trình sinh nở, người phụ nữ bị suy giảm sức khỏe thể chất cũng như sức đề kháng, tạo điều kiện cho virus cúm dễ dàng tấn công.

Do đó, những người trên 50 tuổi, suy giảm miễn dịch, mắc bệnh nền, bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh COPD, trẻ nhỏ… nên tiêm vắc-xin phòng bệnh hằng năm.

Với câu hỏi vì sao cần tiêm vắc-xin cúm mùa mỗi lần trong năm, theo các bác sỹ, cúm mùa do vi rút cúm (thường là 4 chủng từ H1N1, H3N2 và 2 chủng nhóm B) gây ra và nó lan truyền trong cộng đồng với khả năng biến đổi kháng nguyên liên tục (chúng ta sẽ thường xuyên tiếp xúc với vi rút cúm mới) nhưng theo quy luật nhất định về di truyền. Vì mỗi năm, chủng vi rút cúm lưu hành khác nhau nên chúng ta cần tiêm nhắc vắc-xin cúm mùa hàng năm (1 lần trong năm).

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từ lâu thiết lập các trạm quan trắc vi rút cúm mùa trên khắp thế giới (có cả ở Việt Nam) để phân lập, xác đinh vi rút cúm mùa lưu hành ở các khu vực (các vùng địa lý, khí hậu, Bắc bán cầu và Nam bán cầu…).

Từ đó dự đoán, xác định chủng vi rút cúm sẽ xuất hiện vào mùa Đông Xuân khu vực Bắc bán cầu (từ tháng 10 đến hết tháng 4 năm sau) và vào mùa Đông xuân khu vực Nam bán cầu (từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm).

Từ việc xác lập được khả năng chủng vi rút cúm nào sẽ hoành hành ở đâu (Bắc và Nam bán cầu), WHO sẽ đưa ra các hướng dẫn về chủng vi rút cúm để sản xuất vắc-xin phòng cúm mùa cho các nhà sản xuất vắc-xin tuân theo và cung cấp cho thị trường theo thời gian tốt nhất (Bắc bán cầu là vào tầm tháng 8-9, còn Nam bán cầu là vào tháng 4-5 hàng năm).

Đó là lý do tại sao chúng ta sống ở Việt Nam lại cần tiêm vắc-xin cúm mùa mỗi năm 1 lần và vào thời điểm trước khi mùa bệnh cúm bắt đầu cũng như cần tiêm đúng vắc-xin theo mùa đã được khuyến cáo.

Do Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa nên mùa cúm ở miền Bắc và miền Nam có thể lệch nhau chút về thời gian nhưng vì chúng ta nằm trọn vẹn ở Bắc bán cầu và theo khuyến cáo của WHO, chúng ta nên tiêm đúng chủng loại vắc-xin Bắc bán cầu theo mùa, tức là bao trùm từ mùa Đông năm nay tới hết mùa Xuân năm sau.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cum-mua-va-bien-chung-viem-phoi-d228996.html