Cô gái Mông 'thắp lửa' cho phong trào phụ nữ của người dân tộc Thái
'Tôi đã nói được tiếng Thái giống gần 100% người Thái rồi', chị Giàng Thị Mo, người dân tộc Mông, Chủ tịch Hội LHPN xã Chiềng Đen hồ hởi nói khi chia sẻ về hành trình vận động cán bộ, hội viên phụ nữ dân tộc Thái chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Chị Giàng Thị Mo là 1 trong 293 Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở giỏi được Trung ương Hội LHPN Việt Nam vinh danh tại chương trình "Biểu dương Chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở giỏi toàn quốc" vừa qua.
Là người dân tộc Mông sống giữa cộng đồng người Thái, những năm đầu khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội LHPN xã Chiềng Đen (TP Sơn La, tỉnh Sơn La), chị Giàng Thị Mo gặp không ít khó khăn. Chị tâm sự: "Tôi không biết tiếng Thái, trong khi nhiều chị em ở xã lại không rành tiếng Việt phổ thông nên việc tập hợp hội viên, phụ nữ gặp nhiều trở ngại". Thế nhưng, từng bước khắc phục khó khăn, tới nay, chị Giàng Thị Mo đã tự tin vì nói được tiếng Thái "giống gần 100% người Thái".
Chị Mo chia sẻ, bản thân chị luôn tâm niệm, trăn trở làm thế nào để tập hợp, thu hút được hội viên, phụ nữ tham gia hoạt động Hội, để phong trào phụ nữ Chiềng Đen ngày càng phát triển. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chị từng gặp nhiều khó khăn như: Trình độ của phụ nữ trên địa bàn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là rào cản về ngôn ngữ; bản thân chị khi mới đến đây cũng chưa biết tiếng Thái, khi triển khai công tác Hội đến với chị em thì một số chị em không biết tiếng phổ thông, một số chị em nghe được nhưng lại không thể nói được. Bên cạnh đó, 100% phụ nữ trên địa bàn đều làm nông nghiệp, chị em hay đi làm ăn xa. Trong khi đó, lúc mới nhận nhiệm vụ, chị còn thiếu kinh nghiệm công tác Hội, kỹ năng vận động, tuyên truyền.
"Tuy nhiên tôi đã nỗ lực vượt qua những khó khăn đó. Bản thân tôi hiện đã nói được tiếng Thái, công tác Hội và phong trào phụ nữ Chiềng Đen ngày càng phát triển và có nhiều tiến bộ", chị Giàng Thị Mo chia sẻ.
Chị đã cùng BCH Hội LHPN xã tích cực vận động cán bộ, hội viên phụ nữ chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy ước, hương ước nơi cư trú, thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không 3 sạch" gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn xã. Đồng thời, xây dựng phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế; các mô hình phát triển kinh tế như: Mô hình nuôi dê nhốt, nuôi bò thương phẩm, nuôi nhím...
Đặc biệt, chị đã hướng dẫn, nhân rộng mô hình trồng mận hữu cơ, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo của xã từ 4,8% xuống còn 0,8%.
Nói về mô hình trông mận hữu cơ, chị Mo chia sẻ, cây mận từ nhiều năm trước được bà con trồng bằng kinh nghiệm, chưa theo quy trình hướng dẫn chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh chính thống từ các cơ quan chuyên môn. Mận được bà con trồng xen trong vườn cà phê nên chưa chú trọng khâu chăm sóc, hầu hết diện tích mận phát triển tự nhiên nên dần già cỗi và sâu bệnh, dẫn đến chất lượng quả kém. Một số cây cho quả nhỏ, đắng, chua, khó bán.
Mô hình trồng mận hữu cơ hướng tới việc hạn chế sử dụng thuốc, phân hóa học, an toàn cho người sản xuất, bảo vệ môi trường, đồng thời đạt hiệu quả cao về chất lượng sản phẩm, góp phần cải tạo đất, dần khẳng định thương hiệu, được các hộ nông dân nhiệt tình áp dụng. Qua 1 năm áp dụng mô hình sản xuất mận hữu cơ, năng suất ước đạt 13 tấn/ha, lãi suất ước thu 93.270.000 đồng, tăng hơn 30% so với năm 2021 chưa áp dụng (năng suất 10 tấn/ha, lãi suất thu được 66.600.000 đồng).
Hiện nay, các hộ trong xã đang tích cực làm theo do đem lại hiệu quả kinh tế cao, sau khi thành công đã nhân rộng ra toàn xã góp phần giúp cán bộ, hội viên ổn định cuộc sống.
Ngoài ra, nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, Hội LHPN xã đã thành lập 2 câu lạc bộ Hát Thái và thêu khăn Piêu với hơn 100 hội viên tham gia. Hiện nay, sản phẩm khăn Piêu truyền thống của phụ nữ trong xã được quảng bá, giới thiệu, trưng bày tại nhiều sự kiện văn hóa của thành phố và của tỉnh. Hội LHPN xã Chiềng Đen tiếp tục khuyến khích hội viên, phụ nữ nghiên cứu thêu, may, tạo thêm các sản phẩm du lịch, lưu niệm, đáp ứng nhu cầu của du khách, tạo thêm việc làm, thu nhập cho lao động nữ và góp phần bảo tồn, giữ gìn nét văn hóa truyền thống dân tộc.