Cô gái Mường đột phá đưa đặc sản quê hương vươn xa

Từ món thịt chua - thức ăn dân dã của người Mường, chị Thu Hoa tự mày mò, học hỏi, gây dựng thương thiệu Trường Foods nổi tiếng, lan tỏa đặc sản quê hương Phú Thọ tới người dân mọi miền.

Tôi biết đến Nguyễn Thị Thu Hoa khi cô gái trẻ tham gia gọi vốn trên chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 5, năm 2022. Khán giả khi đó đều tò mò và ấn tượng trước một cô gái dân tộc Mường rất xinh, dù còn ít tuổi (sinh năm 1992) nhưng Hoa đã là Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại Trường Foods với sản phẩm chủ lực là thịt chua nức tiếng đất Phú Thọ.

Thu Hoa cho biết ai khởi nghiệp cũng có đôi lần vấp ngã, thất bại. Nhưng đó chính là những bài học thực tế quý giá giúp Hoa ngày càng trưởng thành hơn, xây dựng công ty phát triển mạnh mẽ hơn, tạo ra việc làm cho gần 200 người dân địa phương, trong đó có khoảng 30-35% là dân tộc Mường, đưa đặc sản thịt chua đất Tổ phủ sóng ra khắp mọi miền...

Thu Hoa đặt mục tiêu năm 2025 sẽ hoàn thành sứ mệnh đưa thịt chua "phủ xanh" bản đồ chữ S.

Thu Hoa đặt mục tiêu năm 2025 sẽ hoàn thành sứ mệnh đưa thịt chua "phủ xanh" bản đồ chữ S.

Điều gì khiến chị quyết định gắn bó với ngành thực phẩm, cụ thể là đặc sản thịt chua của quê hương Phú Thọ?

-Nhiều người nghĩ để thành công như ngày hôm nay, chắc tôi có ước mơ, hoài bão lớn lắm. Nhưng không phải vậy, với tôi đó là nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề. Năm 18 tuổi, tôi chỉ nghĩ đơn giản đó là làm thế nào để có được thu nhập lo cơm áo gạo tiền cho gia đình chứ không nghĩ đến khởi nghiệp.

Thời điểm đó, làm thịt chua không có công thức, chỉ đơn giản là áng chừng bằng "một nắm, hai nắm", nhưng khách hàng sử dụng sản phẩm rồi quay lại mua sản phẩm đã tạo động lực cho tôi. Tuy nhiên, sau một thời gian, khách hàng phản ánh chất lượng không được đồng đều, lúc thì bị đậm, lúc lại bị nhạt. Vì vậy, tôi quyết định tìm ra công thức sản xuất hàng loạt nhưng vẫn giữ nguyên được đặc trưng của thịt.

Sau hơn một năm, tôi đã tìm ra được công thức bảo quản thịt chua được 2 tháng mà không hề sử dụng phụ gia hay chất bảo quản.

Thành công bước bước đầu đã giúp tôi tự tin và yêu thích công việc này hơn, lâu dần trở thành đam mê và ngấm vào người lúc nào không biết. Có thời điểm, sản phẩm thịt chua ế, tiêu thụ chậm. Bên cạnh đó, khi đi bán hàng, khách hàng hỏi: “Đây là đặc sản à?” như động lực vì đây không chỉ là công việc kinh doanh, buôn bán đơn thuần mà là đặc sản quê hương.

Sau khoảng 3 năm, tôi trở thành người tiên phong thương mại hóa sản phẩm thịt chua của người Phú Thọ khi phân phối sản phẩm sang các tỉnh lân cận và xa hơn là các tỉnh thành khác trên cả nước.

Nếu so với các doanh nghiệp thực phẩm khác, công ty tôi còn rất bé nhỏ nhưng tôi cảm thấy vô cùng tự hào khi đã đóng góp được chút ít công sức trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa quê hương.

Ở độ tuổi còn rất trẻ và chưa có nhiều kiến thức kinh doanh, chị đã gặp những khó khăn gì. Đã bao giờ chị muốn bỏ cuộc?

-Thời gian đầu, tôi tập trung vào chất lượng, cải tiến công thức. Trong 4 - 5 nhà làm thịt chua, nhà tôi làm quy mô nhỏ nhất. Khi tôi làm 15 - 20kg/ngày thì lúc đó, cô hàng xóm đã làm đến 2 tạ/ngày. Tôi mơ ước đến một ngày nào đó cũng làm nhiều, bán nhiều thịt chua như cô ấy.

Yếu tố giúp sản phẩm thịt chua Trường Foods đến gần với người tiêu dùng là chất lượng sản phẩm.

Yếu tố giúp sản phẩm thịt chua Trường Foods đến gần với người tiêu dùng là chất lượng sản phẩm.

Tôi cứ đi sâu vào chất lượng. Khi sản phẩm ngon, đồng đều, tôi tìm ra công thức bảo quản. Đó cũng là thời điểm đối với tôi là thất bại bầm dập nhất.

Thời gian đầu, tôi đã thử dùng đến hơn 10 loại chất bảo quản. Tuy nhiên, mỗi lô sản phẩm, tôi thử đều thấy thay đổi mùi vị. Đồng thời, tôi cũng lo sợ khi không kiểm soát được an toàn vệ sinh thực phẩm khiến người tiêu dùng quay lưng. Do đó, tôi quay lại với cách thức không dùng chất bảo quản.

Để ra được công thức, tôi đã phải đổ không biết bao nhiêu thịt chua, không biết bao nhiêu mẻ thịt đổ xuống sông, thậm chí đưa cho công nhân mang để con chó, con mèo ăn mà họ còn không muốn cầm.

Tôi nhớ như in có lô thịt 10 - 15 triệu tiền vốn, tôi cố gắng làm lô đó với hy vọng đây là lần thử nghiệm công thức cuối cùng để chốt được thời gian. Nhưng tối hôm đó, do thức khuya nên sáng hôm sau, tôi ngủ quên. Khi choàng tỉnh dậy, các hộp thịt trong hộp nhựa đã chín hết, đáy hộp do ủ nhiệt bằng bóng đèn đều móp. Tôi ngồi ôm thịt và khóc nức nở. Cảm giác lúc đó vừa chán vừa nản, không ngừng trách móc bản thân: "Tại sao mình không thức dậy đúng giờ? Sao mình lại ngủ quên như vậy?".

Khi công nhân đến làm, tôi cứ ngồi khóc. Tôi nghĩ sẽ không thử nghiệm nữa, làm đến đâu thì làm. Nhưng sau khi cảm xúc ổn định, tôi biết đã làm đến tầm này thì không thể dừng được nữa.

Đấy là thất bại mà tôi nhớ mãi. Có những thất bại bằng số tiền lợi nhuận cả tháng. Với start-up, doanh thu mỗi ngày khoảng 200 nghìn, tôi phải trích ra 50 nghìn để thử nghiệm. Số tiền kia còn lại phải tái đầu tư và trang trải cuộc sống gia đình, không thể vung tay.

Thế nhưng, sự kiên trì của tôi đã được đền đáp. Năm 2013, tôi tìm ra được công thức sản xuất hàng loạt có chất lượng, hương vị đồng nhất và có thể bảo quản 2 tháng trong điều kiện tự nhiên.

Sản phẩm của Trường Foods có giá cao hơn các sản phẩm tương tự khác trên thị trường 20-40%. Đâu là yếu tố đột phá giúp Trường Foods có được sức hấp dẫn với người tiêu dùng?

-Có 2 yếu tố giúp sản phẩm thịt chua Trường Foods đến gần với người tiêu dùng, đó là chất lượng sản phẩm và maketing.

Công ty CP Sản xuất và Thương mại Trường Foods tạo ra việc làm cho gần 200 người dân địa phương, trong đó có khoảng 30-35% là dân tộc Mường

Công ty CP Sản xuất và Thương mại Trường Foods tạo ra việc làm cho gần 200 người dân địa phương, trong đó có khoảng 30-35% là dân tộc Mường

Đến bây giờ, tôi vẫn thấy mình quyết định đúng ngay từ đầu khi sản xuất thịt chua luôn chú trọng đến chất lượng của thịt. Vì vậy, tôi đã làm việc với các đơn vị thực phẩm sạch, MEATDeli, 100% thịt lợn đầu vào đạt tiêu chuẩn VietGAP, có kiểm định hàng ngày, nhờ đó chất lượng sản phẩm luôn ổn định.

Vấn đề thứ hai là maketing cho sản phẩm có thể xem là bước đột phá, giúp tôi đạt mục tiêu đưa thịt chua đến bàn ăn mỗi gia đình.

Khi bắt tay vào xây dựng thương hiệu thịt chua Trường Foods, tôi hoàn toàn không biết gì về maketing hay quảng cáo sản phẩm, thậm chí "tương tác" là gì không hiểu, "content" còn đi dùng Google để dịch vì không biết tiếng Anh. Khi tôi bắt đầu làm điều gì mới, tôi chỉ có một tư duy "làm đi, sai thì sửa" và bắt đầu từ những bước nhỏ nhất.

Kiến thức về marketing của tôi là con số 0 tròn trĩnh. Khi mới làm, tôi triển khai marketing offline với ý nghĩ đơn giản: "Cắm thật nhiều bảng biển ngoài đường sẽ bán được hàng". Sau này, xu hướng marketing online lên ngôi, buộc tôi phải tiếp cận và đổi mới.

Đi học rồi tôi mới hiểu "content" hay là như thế nào, cách chạy quảng cáo ra sao, tương tác là gì. Tôi tự ngồi viết từng content, sửa từng cái ảnh. Có những hôm đến 2 giờ sáng, tôi vẫn cặm cụi thức làm bài tập thầy giáo giao. Người ta học chống chế, còn tôi cực kỳ nghiêm túc.

Nhờ vậy nên sau này chạy các chiến dịch truyền thông đều cho ra ngay kết quả. Khi đã làm được, tôi viết quy trình và yêu cầu nhân viên thực hiện.

Đến năm 2020, Phòng Marketing chỉ 2 người: 1 nhân viên chạy quảng cáo, 1 nhân viên viết content quản lý các nền tảng. Chỉ có SEO website, mảng hình ảnh và video là tôi thuê bên ngoài. Công việc trơn tru và nhiều người tưởng tôi có một phòng marketing hùng mạnh, chuyên nghiệp lắm. Đến nay, do khối lượng công việc nhiều nên Phòng Marketing có tới 10 nhân viên.

Từ sản xuất sang kinh doanh, tôi nghĩ kinh doanh khó, nhưng khi kinh doanh thành công, tôi thấy đó là điểm mạnh của mình. Tiếp đến là marketing lúc đầu lơ mơ, nhưng làm rồi mới thấy mình thực hiện xuất sắc. Và tôi nhận ra phải làm từ những việc nhỏ nhất mới hiểu bản chất vấn đề.

Sau chương trình Shark Tank, thương hiệu thịt chua của chị nổi rần rần trên các nền tảng mạng xã hội với hàng loạt các "hot search": Cô gái người Mường xinh đẹp, nữ CEO Trường Foods, cô gái bán thịt chua,… Có thể coi đây là một cú hích truyền thông cho thương hiệu thịt chua Trường Foods?

-Có thể gọi là cú hích cũng đúng, bởi tôi rất biết ơn khi được tham gia chương trình, và cũng đúng vào dịp "thiên thời, địa lợi, nhân hòa". Sau chương trình, Trường Foods đã lan tỏa được thương hiệu đến rất nhiều người tiêu dùng tại Việt Nam, thậm chí là nước ngoài, giúp cho việc truyền thông thương hiệu hiệu quả hơn. Nhờ đó, quá trình phát triển thị trường, mở thêm đại lý được mạnh mẽ hơn.

Sau chương trình Shark Tank, doanh thu của công ty tăng từ 50-70% trong năm đó. Tuy nhiên, do thời điểm đó, công ty chỉ có một xưởng sản xuất nhỏ nên đã không đáp ứng được sản lượng đơn hàng, trong 6 tháng liên tiếp liên tục nợ đơn của khách hàng.

Mục tiêu của chị trong thời gian tới về việc phát triển đặc sản của người Mường là gì?

-Hiện tại, Trường Foods đang tập trung phát triển ở thị trường miền Bắc, và cố gắng mở rộng thị trường phân phối vào các tỉnh phía Nam, tập trung cải tiến sản phẩm để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trên cả nước.

Mục tiêu của tôi là năm 2025 sẽ hoàn thành sứ mệnh lan tỏa thịt chua "phủ xanh" bản đồ chữ S. Vừa rồi, tôi có nghiên cứu công nghệ bảo quản thịt chua được 6 tháng mà không dùng chất bảo quản. Vì vậy, mục tiêu thời gian tới sẽ xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, mục tiêu sắp tới của tôi không chỉ là lan tỏa món thịt chua, mà tôi muốn lan tỏa những văn hóa ẩm thực của dân tộc Mường. Vì khi làm sản phẩm, tôi đam mê và thực sự muốn hiểu về nó. Tôi tìm hiểu thêm các nét đẹp văn hóa, các món ăn liên quan đến dân tộc Mường mới thấy có rất nhiều điều hay, thú vị và mong muốn có thể giới thiệu tới người dân ở mọi miền.

Nếu để đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ về việc khởi nghiệp, chị sẽ nhắn nhủ điều gì?

-Tôi hay chia sẻ với mọi người rằng khi chúng ta tập trung vào cái gì đó thì việc đầu tiên là hãy hành động đi.

Bản thân tôi từ khi khởi nghiệp, tôi không có kiến thức, không kinh nghiệm, không nguồn lực, nhưng tôi gây dựng được sự nghiệp như ngày hôm nay là do tôi hành động, nghĩa là khi nghĩ được điều gì mới mẻ, tôi làm luôn mà không chần chừ. Sai thì có bài học, mà đúng thì có kết quả. Đây cũng là slogan (châm ngôn) được treo ở công ty, trở thành văn hóa của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó là luôn đổi mới, sáng tạo trong quá trình làm, phải chọn ra sự khác biệt cho mình. Tiếp theo là cần kiên trì, quyết tâm làm đến cùng. Ví dụ như thịt chua có rất nhiều nguồn cung cấp trên thị trường, hay như thịt chua người Mường có từ hàng trăm năm rồi nhưng chỉ là một sản phẩm đơn giản, nhưng tôi đã cải tiến sáng tạo, thương mại hóa như ngày hôm nay.

Huyền Anh (thực hiện)

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viec-lam/co-gai-muong-dot-pha-dua-dac-san-que-huong-vuon-xa-1097837.html