Cô gái Mường và thương hiệu thịt chua nổi danh Phú Thọ
Ở nhiều nơi, các đấng mày râu thường uống bia với cá mực, nem chua hay vài ba hạt lạc.
Nhưng ở Phú Thọ, dân nhậu thường gọi thịt chua, trong đó thương hiệu Trường Foods quen thuộc hơn cả.
Món quen trên bàn nhậu
Anh Nguyễn Tất Đạt (Thanh Sơn, Phú Thọ) đãi 2 người bạn cũ từ Hà Nội về bằng một chầu bia hơi tại quán nhậu nhỏ trên ĐT316, đoạn qua huyện Thanh Sơn.
Trong số các món được giới thiệu là sản vật địa phương như gà đồi, cá sông, hai khách Hà Nội tấm tắc khen món thịt lợn chua Trường Foods.
Anh Đạt cho hay, Phú Thọ có rất nhiều cơ sở làm thịt chua, nhưng anh hay dùng của Trường Foods. Bởi theo anh Đạt, quá trình lên men quyết định đặc trưng của thịt chua.
Khảo sát của PV, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có khoảng 5 thương hiệu thịt chua. Cụ thể: Thịt chua Trường Foods, Thịt chua Đất Tổ, Thịt chua HongchiFoods, Thịt chua Chỉnh Hương (huyện Thanh Sơn); Thịt chua Xứ Mường (huyện Yên Lập). Giá mỗi hộp thịt dao động 50.000-60.000 đồng/hộp 220g. Sản phẩm của Trường Foods được nhiều người ưa chuộng, giá cũng cao hơn mặt bằng chung khoảng 20-30%.
“Thịt chua của Trường Foods, thịt và thính quyện vào nhau, thịt săn, dai, thơm, nom như miếng mứt gừng và có vị bùi bùi. Đến Phú Thọ mà chưa ăn thịt chua Trường Foods thì như chưa đến. Ở đây, chúng tôi có thể ăn thịt chua thay cơm”, anh Đạt nói.
Quả thực, dọc đường lớn nhỏ trên huyện Thanh Sơn, Phú Thọ, đâu đâu cũng quảng bá thịt chua với nhiều thương hiệu khác nhau, nhưng Trường Foods là cái thương hiệu được nhắc nhiều nhất. 30 chiếc bàn nhậu trong quán nhỏ thì có đến 21 bàn sử dụng thịt chua Trường Foods.
Cũng nhờ thế mà trong năm qua, điểm bán của Trường Foods đã tăng lên nhanh chóng.
Năm 2021, Trường Foods mới có 5.000 điểm bán, thì nay đã tăng lên đến 7.000 điểm; Mở thêm 9 cửa hàng và chi nhánh tại Hà Nội, TP.HCM.
Những ngày đầu công ty chỉ có 2 sản phẩm, sản xuất 40 hộp/ngày thì nay đã sản xuất tới 15.000 sản phẩm/ngày với hơn chục mặt hàng khác nhau.
Trường Foods hiện là đối tác của nhiều chuỗi thực phẩm sạch như: Bác Tôm, Siba Foods, Sói Biển... Còn 1 tháng nữa mới hết năm, nhưng đơn vị này cũng đã hoàn thành doanh số của năm 2022.
Cô gái Mường Nguyễn Thị Thu Hoa, 30 tuổi - CEO Trường Foods cũng vừa được nhận bằng khen vì đã có dự án đoạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn 2022 do Trung ương Đoàn tổ chức.
Chắt bóp chi tiêu để lấy vốn kinh doanh
Chia sẻ “bí kíp” để có được thành công như ngày hôm nay, chị Hoa kể, trước đây, thịt chua được làm thủ công theo kinh nghiệm, nắm bằng tay, chính vì thế không để được lâu.
Và công thức, tỷ lệ pha trộn không được đều nên chất lượng không ổn định. Còn công thức pha trộn, lên men như bây giờ, thịt chua có thể để 2 tháng trong tủ lạnh và nhân bản lên hàng nghìn hộp thì chất lượng đều như nhau.
Để có kết quả ấy, chị đã gần 20 lần đổ thịt đi, ủ lại. Bình quân mỗi lần đổ khoảng 30-40kg thịt. Có lần nhiều nhất lên đến 3 tạ thịt. Bởi khi ủ thử 2-3kg thì chất lượng tốt. Nhưng khi ủ đại trà thì không được, đành phải đổ bỏ. Thịt đổ nhiều đến mức, hàng xóm phát chán không thèm lấy về cho vật nuôi ăn.
Sau này, khi trả hết nợ gốc, chị lại đổ ngược khoản lợi nhuận đó để tái đầu tư. Trong suốt 5-10 năm đầu khởi nghiệp, cứ có lợi nhuận là tái đầu tư, cải tiến kỹ thuật. Chính vì thế, trước đây 50 người chỉ sản xuất 2-3 tạ/ngày thì hiện tại có thể sản xuất 3 tấn/ngày.
“Phải nói, giai đoạn đó áp lực kinh khủng. Chi tiêu cũng chắt bóp hết sức. 1 năm chỉ mua 1 bộ quần áo, mặc rách thì thôi. Đôi giày phải đeo mòn đến lộ gót đinh mới bỏ, túi xách cũng vậy. Vì lúc ấy với mình, tiền có thể làm được nhiều điều tốt hơn”, chị Hoa kể.
Trong từng ấy năm xây dựng doanh nghiệp, chị cũng đúc rút cho mình nhiều kinh nghiệm. Theo đó, một start up muốn thành công, trước hết phải bắt tay vào hành động “dám nghĩ, dám làm”, phải là người đi tiên phong, liên tục đổi mới, sáng tạo và kiên trì.
Ngay bản thân chị, khi đi đường, nhận thấy biển bảng quảng cáo, chị đã nghĩ ngay ra kế hoạch truyền thông. Từ đó “nhanh chân” phủ kín biển quảng cáo trên các tuyến đường lớn nhỏ, giúp đẩy mạnh thương hiệu.
Thậm chí, đi xem phim cũng có thể học hỏi tư liệu video truyền thông. Đặc biệt, ngay khi bắt tay làm việc, cần phải xây dựng một thương hiệu, lấy thương hiệu làm tôn chỉ cho hoạt động.
Chị Hoa kể, trước đây, bố mẹ chồng làm thịt chua, quy mô nhỏ, sản phẩm mang nhãn hiệu Nghị Thịnh. Kế thừa cơ nghiệp, chị mất khoảng 4 năm để phát triển nhãn hiệu Nghị Thịnh.
Sau này phát triển mạnh, sản phẩm đòi hỏi cao hơn, chị phải đi đăng ký nhãn hiệu. Nhưng lúc đi đăng ký, chị mới biết nhãn hiệu đã mang tên chị gái chồng, không thể đăng ký tên chị được nữa.
Từ đấy, chị mất thêm 3 năm để chuyển đổi thói quen của khách hàng từ thương hiệu Nghị Thịnh sang Trường Foods. Bắt đầu để chữ Nghị Thịnh to, Trường Foods nhỏ. Tiếp sau đó là Trường Foods to, chữ Nghị Thịnh nhỏ. Đến nay chỉ để Trường Foods là khách hàng đã nhận diện được sản phẩm. Quãng đường tạo thương hiệu kéo dài mất 7 năm.
Do đó, chị chia sẻ, mỗi starup nên tự xây dựng cho mình một nhãn hiệu. Chi phí này rất thấp, chỉ khoảng 3 triệu đồng. Nhưng khởi nghiệp thành công thì nhãn hiệu trở thành thương hiệu.
CEO Nguyễn Thị Thu Hoa, nhà sáng lập Công ty Sản xuất và thương mại Trường Foods được biết nhiều qua Chương trình Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank mùa 5.
Theo thông tin công bố lúc đó, Trường Foods thành lập năm 2015. Sau 8 năm, Trường Foods có gần 5.000 điểm bán thịt chua, chiếm khoảng 40% thị phần thịt chua tại tỉnh Phú Thọ và các tỉnh lân cận.
Tốc độ tăng trưởng doanh thu của công ty từ năm 2015 đến năm 2022 trung bình là 30%/năm. Năm 2021, doanh thu đạt 52 tỷ đồng/năm. Mục tiêu của Trường Foods là đến năm 2025, doanh thu sẽ đạt 420 tỷ đồng và trở thành nhãn hiệu thịt chua số 1 tại Việt Nam.