Cô gái nôn ra máu sau khi ăn lẩu, chuyên gia chỉ cách ăn lẩu an toàn ngày Tết để không tự hại thân
Món lẩu là món khoái khẩu được nhiều người chọn ăn vào ngày Tết, nhưng ăn thế nào cho đúng cách, không gây hại tới sức khỏe thì không phải ai cũng biết.
Trong ngày Tết, nhiều người thường chọn ăn lẩu để tiết kiệm thời gian chuẩn bị, lại ăn được nhiều đồ tươi hơn cùng như ăn được nhiều rau xanh hơn để chống ngán. Tiểu Trương (29 tuổi, sống ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) cũng là một “tín đồ” của món lẩu. Tuy nhiên, cách đây không lâu cô đã phải nhập viện vì bị nôn ra máu sau khi ăn lẩu.
Theo đó, Tiểu Trương đã cùng hội bạn bè đi ăn lẩu tại một nhà hàng. Khi đang ăn, cô cảm thấy khó chịu, đau rát ở cổ họng và cảm giác như có gì đó mắc kẹt trong cổ họng khi nuốt, nhưng cô cũng không chú ý nhiều, chỉ uống một cốc nước để làm dịu cơn đau rồi ăn tiếp.
Không ngờ rằng, đến sáng hôm sau, khi đang đánh răng, Tiểu Trương lại phát hiện thấy cổ họng mình đang chảy máu. Quá sợ hãi, Tiểu Trương vội vã tới Bệnh viện số 1 Hàng Châu để kiểm tra.
Qua kiểm tra, bác sĩ Trần Hạo – trưởng Khoa Tai mũi họng của Bệnh viện số 1 Hàng Châu - phát hiện thực quản của Tiểu Trương có vết loét rất lớn, dài 22cm. Cô được chẩn đoán bị loét thực quản, viêm dạ dày không teo mạn tính, trào ngược dịch mật. May mắn thay, Tiểu Trương được điều trị kịp thời nên sức khỏe không còn đáng ngại.
Sau khi tìm hiểu, bác sĩ Trần Hạo phán đoán cách ăn lẩu của Tiểu Trương chính là nguyên nhân khiến cô bị bệnh. Hóa ra, Tiểu Trương thích cảm giác nóng hổi khi ăn lẩu nên thức ăn vớt ra từ nồi lẩu chưa kịp nguội hẳn thì cô đã đưa vào miệng, khiến các mạch máu ở phần cổ họng bị hỏng, gây chảy máu.
Không chỉ vậy, ăn lẩu kiểu này trong thời gian dài cũng có thể dẫn đến ung thư thực quản. Vì vậy, bác sĩ Trần Hạo kiến nghị không nên ăn lẩu quá nhanh, nên để thực phẩm nguội bớt rồi mới được ăn để tránh gây hại cho sức khỏe.
Những cách ăn lẩu cực kỳ nguy hiểm với sức khỏe
1. Ăn lẩu quá lâu và quá nhiều
Ăn lẩu suốt mấy tiếng khiến dạ dày của bạn phải làm việc liên tục hết công suất, dễ gây rối loạn tiêu hóa, đau bụng. Không chỉ vậy, ăn lẩu quá lâu còn làm tăng lượng cholesterol trong máu.
Hơn nữa, thực phẩm khi đun lâu cũng có thể khiến hàm lượng nitric tăng lên, vitamin bị phân hủy, biến chất, gây hại cho sức khỏe. Vì vậy, trong quá trình ăn lẩu, cứ 60 phút thì bạn nên thay nước lẩu một lần.
2. Ăn lẩu quá nóng, quá cay
Theo nghiên cứu, đồ ăn vừa được gặp ra từ nồi lẩu có nhiệt độ hơn 100 độ C có thể nóng tới 50-60 độ C. Mức nhiệt này có thể làm tổn thương khoang miệng, dạ dày và thực quản.
Ngoài ra, gia vị cay nóng kèm với nhiệt độ cao của nước lẩu sẽ gây kích thích đường tiêu hóa, gây hại cho sức khỏe. Vì vậy, bạn nên gắp đồ ăn từ nồi lẩu ra bát và để nguội bớt rồi mới thưởng thức.
3. Ăn lẩu tái
Nhiều người thích ăn lẩu tái vì cho rằng đồ ăn sẽ ngọt hơn, các chất dinh dưỡng được bảo toàn. Nhưng trên thực tế, đây lại là một thói quen cực kỳ nguy hại cho hệ tiêu hóa, dễ bị nhiễm vi khuẩn và kí sinh trùng từ đồ ăn tái, sống. Vì vậy, bạn nên để thức ăn chín kỹ rồi mới thưởng thức, đặc biệt là các loại nội tạng động vật.