Cô gái vẽ tranh bằng… miệng
Bị bại liệt bẩm sinh và chưa một ngày được đến trường, nhưng Bùi Thị Thơm (SN 2001) đã nỗ lực vượt lên, tập ngậm bút, vẽ tranh bằng miệng.

Thơm tìm thấy ánh sáng của cuộc đời qua đam mê hội họa.
Thơm miệt mài theo đuổi ước mơ trở thành họa sĩ để biến nó thành hiện thực.
Số phận nghiệt ngã
Giờ nghỉ trưa, tại Cô nhi viện Thánh An Bùi Chu (huyện Xuân Trường, Nam Định), trong căn phòng nhỏ, nơi ở dành cho người khuyết tật, Thơm nằm trên chiếc xe đẩy tự chế, nghiêng đầu, miệng cắn chặt cây cọ, miệt mài vẽ tranh. Từng nét cọ chậm chạp, khó nhọc của Thơm, khiến ai chứng kiến cũng lặng người.
Thơm bị bại liệt và bị bỏ rơi ở Cô nhi viện Thánh An khi mới 2 tuổi. Từ ngày ấy, Thơm lớn lên bằng sự đùm bọc, tình yêu thương của linh mục Giuse Phạm Ngọc Oanh - Giám đốc Cô nhi viện Thánh An Bùi Chu, các sơ và những nhà hảo tâm.
Linh mục Giuse Phạm Ngọc Oanh xúc động chia sẻ: “Mỗi đứa trẻ ở đây đều là một câu chuyện buồn nhưng cũng là một tia hy vọng. Chúng tôi không chỉ nuôi dưỡng các con bằng cơm áo, mà còn bằng tình thương và niềm tin vào cuộc sống”.
Sơ Phạm Thị Tươi, phụ trách văn phòng Cô nhi viện Thánh An Bùi Chu cho biết, Cô nhi viện Thánh An là nơi nuôi dưỡng, cưu mang những trẻ em mồ côi, khuyết tật, không nơi nương tựa ở khắp mọi miền đất nước. Nơi đây đang nuôi dưỡng hơn 100 em nhỏ có hoàn cảnh, số phận đáng thương.
Trong số đó, có hơn 20 em bị khuyết tật. Ở đây, các em khuyết tật được sinh hoạt tại một khu riêng. Ngoài việc được chăm sóc y tế chu đáo, các em luôn được các sơ theo sát để đảm bảo an toàn.
Đối với các em có sức khỏe và tâm lý bình thường, cô nhi viện tạo điều kiện cho đi học văn hóa, học nghề nhằm giúp các em tự lập và hòa nhập với cộng đồng. Lớn lên, các em có thể lập gia đình.
Nhắc đến Thơm, sơ Tươi cho biết, hồi mới được đưa vào cô nhi viện nhìn Thơm rất tội nghiệp. Người em bé xíu, tay chân co quắp như hình số 8. Các sơ phải kiên trì nắn bóp từng ngày để phục hồi chức năng. Mãi sau này, tay chân em ấy mới duỗi ra được như bây giờ.
Bị bại liệt cả chân, tay, ngồi dậy cũng là điều không tưởng nên tuổi thơ của Thơm là những ngày dài nằm trên chiếc giường trong căn phòng nhỏ. Mọi sinh hoạt hằng ngày của em từ ăn uống đến vệ sinh cá nhân như đánh răng, rửa mặt… đều phải nhờ vào sự giúp đỡ của người khác.
Khi những người bạn cùng trang lứa chạy nhảy, nô đùa khắp sân, em chỉ có thể nằm yên, lặng lẽ dõi theo. Có những ngày tủi thân, em chỉ biết quay mặt vào tường, giấu những giọt nước mắt lặng lẽ chảy xuống gối. Mãi sau này, Thơm mới có thể tự di chuyển xung quanh bằng chiếc xe đẩy tự chế như chiếc ván trượt.
Thơm tâm sự: “Nhiều lúc suy nghĩ vu vơ em lại cảm thấy buồn. Em sợ mình trở thành gánh nặng của người khác. Nhưng đó chỉ là cảm xúc thoáng qua thôi vì em luôn được “bố” (linh mục Giuse Phạm Ngọc Oanh) và các “chị” (các sơ ở cô nhi viện) yêu thương, động viên phải hướng đến những điều tích cực”.
“Từ nhỏ Thơm đã rất ngoan ngoãn và biết nghĩ cho người khác. Thơm từng nói rằng, em ấy không muốn ăn nhiều vì sợ mình nặng hơn, khiến các sơ vất vả hơn khi bế em lên để vệ sinh cá nhân. Nghe câu đó mà tôi không kìm được nước mắt”, sơ Tươi nghẹn giọng nói.

Bị bại liệt bẩm sinh, chân tay Thơm teo nhỏ, nên mọi sinh hoạt phải có người giúp đỡ.
Hành trình chạm đến ước mơ
Tuy cơ thể khiếm khuyết nhưng bù lại Thơm rất thông minh. Sơ Tươi chia sẻ: “Từ khi còn nhỏ Thơm đã là cô bé biết quan sát mọi thứ xung quanh rồi đặt các câu hỏi. Nhìn vào ánh mắt của Thơm, tôi cảm nhận được cô bé này sẽ làm nên điều gì đó đặc biệt”.
Đến tuổi đi học, dù được các sơ khuyến khích, động viên đến trường nhưng Thơm bày tỏ mong muốn được học tại nhà vì em không thể ngồi, mọi sinh hoạt đều cần người giúp nên em sợ mình đi học sẽ phiền đến nhiều người.
Vậy là năm Thơm 6 tuổi, sơ Tươi trở thành cô giáo đầu tiên của em ngay tại cô nhi viện. Những ngày đầu, em nằm sấp trên thảm để tập ngậm bút, khó nhọc viết từng nét thẳng lên vở.
“Thơm kiên trì và ham học lắm. Hành trình tập viết bằng miệng của em ấy gian nan vô cùng nhưng em chưa từng than vãn, cũng chưa từng có ý định bỏ cuộc. Thời gian đầu tập viết, do mỏi cổ, mỏi hàm, bút rơi liên tục. Mỗi lần như thế, em nhờ tôi nhặt bút, lau sạch, đặt vào miệng để em bắt đầu lại từ đầu”, sơ Tươi kể.
Từng chút một, bằng sự kiên trì và nghị lực phi thường, dần dần, Thơm không những thành thạo viết chữ bằng miệng, em còn học rất tốt, đặc biệt là môn Toán. Chỉ những bài khó mới cần sơ giảng thêm. Khi đã thuần thục viết chữ bằng miệng, những lúc rảnh rỗi em thường lấy giấy ra tập vẽ tranh.
Năm 10 tuổi, Thơm bộc lộ rõ đam mê hội họa nên dành nhiều thời gian để tập vẽ hơn. Em tự mày mò cách pha mực, phối màu rồi tập vẽ theo cách riêng của mình.
Người bình thường dùng tay để vẽ đã chẳng dễ dàng, huống chi với một người bị tật nguyền phải dùng miệng để điều khiển bút vẽ. Vì thế, Thơm đã phải cố gắng gấp nhiều lần so với người khác.
Lần đầu tiên hoàn thành một bức tranh, Thơm vui sướng đến mức mất ngủ cả đêm. “Đó chỉ là bức vẽ một bông hoa đơn giản, nhưng em rất hạnh phúc. Khoảnh khắc ấy em nhận ra rằng, dù đôi tay không thể cầm cọ, em vẫn có thể tạo ra cái đẹp theo cách riêng của mình”, Thơm tâm sự.
Ban đầu việc tập vẽ đối với em rất khó, vì mọi thứ đều do em tự mày mò, tự học. Thời gian để em hoàn thành một tác phẩm rất lâu, nhưng vẽ mãi rồi cũng thành thuần thục. Với suy nghĩ không để giới hạn cơ thể làm rào cản, Thơm đã vượt qua được tất cả.
Từ những bông hoa, ngôi nhà đơn giản, em dần thử sức với những bức tranh phong cảnh. Mỗi lần vẽ, em đều say mê quên cả thời gian. Có ngày, em mải miết vẽ đến khi cổ mỏi nhừ, cơ hàm tê cứng mới chịu dừng lại.
Những lần được các sơ đưa ra ngoài tham quan, em đều tranh thủ quan sát thật kỹ mọi thứ, từ bầu trời xanh thẳm, đến những nhành cây, ngọn cỏ ven đường. Tất cả những hình ảnh ấy, em đều ghi nhớ để làm chất liệu đưa vào tranh vẽ. Sau gần 10 năm miệt mài tập vẽ tranh bằng miệng, đến năm 2020, Thơm đã có thể vẽ những bức tranh phong cảnh rất có “hồn”.

Ngắm các bức tranh đa dạng màu sắc của mình, Thơm cảm thấy thêm yêu đời hơn.
Thơm bảo, vẽ tranh cũng là cách để em được tự do “đi lại” trong thế giới của riêng mình. Em muốn được học bài bản để trở thành một họa sĩ thực sự. Em cũng muốn bước ra thế giới rộng lớn ngoài kia, được giao tiếp với nhiều người. Thế nên, ngoài vẽ tranh, em còn rất thích được học tiếng Anh.
Năm 2021, bước ngoặt mở ra khi có một bác sĩ về Cô nhi viện Thánh An làm thiện nguyện và tình cờ xem được những bức tranh Thơm vẽ. Xúc động trước nghị lực và tài năng của cô gái nhỏ, bác sĩ đó đã quyết định mang tranh của em đi triển lãm. Bất ngờ thay, những bức tranh ấy đã lay động trái tim nhiều người.
Buổi triển lãm đầu tiên ấy mở ra một cánh cửa mới cho cuộc đời em. Từ đó, Thơm bắt đầu được nhiều người biết đến. Họ không chỉ yêu thích tranh của em, mà còn cảm phục nội lực mạnh mẽ ẩn sau từng nét vẽ.
Một số người đã đặt mua tranh của em, như một cách động viên và ủng hộ hành trình đầy nghị lực ấy. Đó là động lực rất lớn đối với Thơm, bởi em cảm nhận được dù cơ thể bị giới hạn rất nhiều nhưng mình vẫn có thể tạo nên giá trị, mình vẫn sống có ích.
Gần đây, có một vài họa sĩ đã tìm đến cô nhi viện, trực tiếp hướng dẫn Thơm cách pha màu và những kỹ thuật mới, giúp em từng bước chạm vào ước mơ của mình. Tuy thời gian ngắn ngủi nhưng mỗi buổi học quý giá đó, Thơm đều tiếp thu bằng cả trái tim.
Với khát khao trở thành họa sĩ chuyên nghiệp, Thơm luôn kiên trì tập luyện, không ngừng học hỏi. Em muốn dùng những bức tranh của chính mình để truyền cảm hứng, động lực cho những người đồng cảnh ngộ.
“Tuy không tự mình làm được mọi thứ, nhưng em muốn chứng minh rằng ai cũng có thể theo đuổi đam mê, miễn là mình không từ bỏ. Thông qua những bức tranh và câu chuyện của mình, em mong muốn những người trong hoàn cảnh éo le có thêm niềm tin vào cuộc sống, có thêm động lực để vượt qua giới hạn của bản thân, bởi cuộc đời nghiệt ngã đến đâu, chỉ cần mình không ngừng mơ ước và cố gắng, thì mọi thứ đều có thể trở nên tốt đẹp”, Thơm nói.

Thơm vẫn từng ngày kiên trì học hỏi để sớm chạm đến ước mơ. Ảnh: Vân Anh
Chính khát khao ấy đã trở thành ngọn lửa âm ỉ trong tim Thơm, thúc giục em từng ngày vượt khó để tiếp tục vẽ, tiếp tục ước mơ. Cuộc sống của Thơm vẫn xoay quanh chiếc xe đẩy tự chế, vẫn cần người giúp đỡ từng bữa ăn, giấc ngủ, sinh hoạt hàng ngày. Nhưng tâm hồn em thì chưa bao giờ ngừng bay xa.
Sơ Tươi xúc động nói: “Thơm là ngôi sao sáng của cô nhi viện. Tranh của em không chỉ đẹp ở hình thức, mà còn đẹp ở nội lực, ở sự cố gắng phi thường”.
Mỗi bức vẽ của Thơm không chỉ đơn giản là vẽ về thế giới tươi đẹp ngoài kia, những bông hoa, bầu trời, cánh chim tự do, mà còn ẩn chứa trong đó là câu chuyện về chính em, một cô gái bại liệt nhưng chưa bao giờ khuất phục trước số phận.
Tranh của em luôn đưa người xem vào không gian tươi sáng, để thêm yêu, hi vọng vào một tương lai tốt đẹp. Thơm đã gửi tranh tham dự Cuộc thi “Thế giới xung quanh tôi” và xuất sắc lọt vào vòng 2.
Giờ đây, không chỉ vẽ tranh phong cảnh, Thơm đang tập vẽ chân dung và những bức tranh khó hơn. Rồi một ngày không xa, bằng nghị lực phi thường và trái tim không biết đầu hàng trước số phận, chắc hẳn em sẽ chạm tới ước mơ, vẽ nên một tương lai rực rỡ cho chính mình.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/co-gai-ve-tranh-bang-mieng-post732265.html