Có gì trong những cuốn sổ tay của Leonardo da Vinci?
Leonardo da Vinci là bậc thầy về hội họa. Bên cạnh những kiệt tác mà mọi người có thể nhìn ngắm, ông còn để lại di sản ở nhiều lĩnh vực.
Năm 1994, tỷ phú Bill Gates tham gia một cuộc đấu giá, chi 30,8 triệu USD để sở hữu Codex Leicester. Đến nay, đây vẫn là cuốn sách đắt nhất thế giới. Codex Leicester là bản thảo (codex - tiền thân sách hiện đại) của Leonardo da Vinci.
Bên cạnh ấn phẩm nổi tiếng đó, danh họa còn để lại cho nhân loại nhiều cuốn sổ tay, bản thảo, trong đó chứa đựng những ghi chép, hình vẽ với đề tài khoa học vượt xa hiểu biết thời kỳ ông sống.
Sách Những cuốn sổ tay của Leonardo da Vinci tập hợp trích đoạn từ các trang viết tay của thiên tài thời Phục Hưng. Học giả Edward MacCurdy - người nghiên cứu về Leonardo da Vinci - đã dịch các ghi chép sang tiếng Anh.
Cuốn sách có hơn 50 hình ảnh minh họa được chụp lại từ các cuốn sổ tay và một số tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhất của ông. Sách cũng trình bày sơ lược nội dung những trang ghi chép mà ông tích lũy, quan sát trên nhiều lĩnh vực. Những cuốn sổ tay của Leonardo da Vinci mang đến cái nhìn về suy nghĩ, ý tưởng, phác thảo của nghệ sĩ tài hoa.
Các trích đoạn sổ tay được xếp thành ba phần, thể hiện ba lĩnh vực chính mà Leonardo da Vinci có nhiều thành tựu: Nghệ thuật, khoa học và thiết kế.
Kinh nghiệm vẽ và chiêm nghiệm nghệ thuật của bậc thầy hội họa
Nói đến Leonardo da Vinci là nhắc tới một danh họa. Các cuốn sổ tay của ông ghi những chiêm nghiệm về nghệ thuật. Leonardo được xem là bậc thầy của giới họa sĩ.
Trong sổ tay Ashburnham, bản thảo 2038, trang 24, ông nói họa sĩ nên coi tấm gương phẳng như kim chỉ nam vì các vật thể trên bề mặt gương có nhiều điểm tương đồng với một bức họa. Cụ thể, bạn nhìn thấy bức tranh được vẽ trên mặt phẳng để mô tả chân thực những đồ vật trong thực tế và tấm gương phẳng cũng tương tự. Bức tranh giống tấm gương ở chỗ chúng đều là bề mặt duy nhất.
“Nếu bạn nắm rõ cách tạo bố cục cho tranh thì hình ảnh vẽ lên chắc chắn sẽ chân thực, y như vật thể được phản chiếu trong tấm gương tuyệt đẹp vậy”, Leonardo viết.
Danh họa cũng viết lại các kỹ thuật vẽ mà mình đúc rút như: Cách ghi nhớ khuôn mặt khi vẽ, phối cảnh trong hội họa, cách họa sĩ rèn luyện bàn tay và khối óc để làm việc hiệu quả, cách vẽ một sự vật tưởng tượng cho sống động như thật, lựa chọn ánh sáng… Ông cũng ghi chép tỉ mỉ các chi tiết nhỏ như cách vẽ nếp vải trên áo choàng, cách vẽ hõm của cổ họng trên cơ thể người...
Người đọc có thể hiểu thêm về những kiệt tác mà Leonardo da Vinci để lại thông qua các ghi chép trong sổ tay. Ví dụ, sổ tay Forster II, trang 62 bên trái và 63 bên phải mô tả hành động, dáng vẻ của các nhân vật trong bức Bữa tối cuối cùng.
Hoặc, ghi chép về cách lựa chọn ánh sáng để vẽ những khuôn mặt đẹp trong sổ tay Ashburnham, bản thảo 2038, trang 20 giúp bạn đọc hiểu hơn cách họa sĩ tạo ra thứ ánh sáng “như khói như sương” trong bức Mona Lisa.
Đặc biệt, Leonardo da Vinci coi nghệ thuật không tách rời khỏi khoa học. Ông nói một họa sĩ khi vẽ người cần phải hiểu về cấu tạo bên trong của cơ thể.
Sổ tay Ashburnham, bản thảo 2038, trang 27 có đoạn: “Họa sĩ nắm được kiến thức về cấu trúc tự nhiên của bắp thịt, cơ và gân sẽ biết được chính xác sự chuyển động của tứ chi, sợi cơ nào và bao nhiêu trong số chúng gây ra chuyển động đó… Do đó, người này sẽ có khả năng thể hiện nhiều vùng cơ khác nhau một cách linh hoạt và phổ quát bằng các tư thế đa dạng của nhân vật”.
Những nghiên cứu khoa học, ý tưởng thiết kế vượt thời đại
Bên cạnh kiệt tác hội họa, Leonardo da Vinci ghi chép nhiều về giải phẫu học, thiên văn học, quang học, địa chất học, kỹ thuật…
Các bản vẽ giải phẫu của ông dựa trên quá trình tự tay mổ tử thi. Điều đó giúp Leonardo có hiểu biết vượt trội so với người đương thời về cơ thể người.
Hình vẽ giải phẫu của Leonardo da Vinci mô tả chi tiết bộ phận bên trong cơ thể người. Trong một tờ giấy về giải phẫu, ông vẽ và mô tả khí quản là nơi tiếng nói đi qua, thực quản để thức ăn đi qua, dây thần kinh là nơi tâm hồn sống động đi qua, xương sống là nơi bắt đầu của những cái xương sườn…
Ông tìm hiểu, ghi chép tỉ mỉ tới từng chi tiết như sự giãn nở của hệ thống mạch máu, lớp màng xương, sự bố trí các dây thần kinh vận động và cảm giác ở chi dưới…
“Các nghiên cứu của ông về xương người, nội tạng, hệ thống thần kinh, hệ thống cơ đã có thể thay đổi nền y học hiện đại; nhưng những nghiên cứu này đã không được phát hiện sớm”, nhà nghiên cứu Edward MacCurdy đánh giá.
Leonardo sử dụng toán học và quan sát thực nghiệm để nghiên cứu các lĩnh vực quang học, thiên văn và hoạt động bay của loài chim. Trong sổ tay Leicester, trang 1, ông chép lại cách khám phá khoảng cách giữa Trái Đất với Mặt Trời, kích thước của Trái Đất. Nhà nghiên cứu Edward MacCurdy viết: “Hiểu theo nhiều cách, da Vinci đã là người thực sự sáng lập nên nền khoa học hiện đại”.
Các nghiên cứu khoa học của Leonardo da Vinci có tính ứng dụng cao. Thiết kế của ông được ghi chép tỉ mỉ trong những cuốn sổ tay gây kinh ngạc cho hậu thế. Ông đưa ra kế hoạch tái thiết thành phố Milan, quy hoạch kiến trúc, máy nạo vét đất, máy thủy lực cho hệ thống kênh đào Milan, bản thiết kế các cỗ máy dùng trong quân sự, thậm chí cả bản vẽ cỗ máy bay…
Ngày nay, hơn 4.000 bản giấy của Leonardo da Vinci được lưu trữ tại các kho và sở hữu tư nhân trên toàn thế giới. Những ghi chép ấy cho thấy phạm vi nghiên cứu rộng lớn của ông, một họa sĩ, kiến trúc sư, nhà nghiên cứu về giải phẫu học, khoa học, âm nhạc, quân sự… Do đó, Leonardo da Vinci không chỉ là một bậc thầy hội họa mà còn được công nhận là một kỹ sư, nhà phát minh lỗi lạc.