Cô giáo chắp bút cho hàng nghìn trẻ ung thư: 'Các em xứng đáng có một tuổi thơ đẹp của riêng mình'
Cô Đinh Thị Kim Phấn đã có hơn 12 năm đồng hành với bệnh nhi ung thư, ngày ngày trao con chữ với mong muốn tạo niềm tin, tuổi thơ trọn vẹn cho các em.
Hơn 12 năm đồng hành cùng trẻ ung thư
Năm 2009, cô Đinh Thị Kim Phấn (65 tuổi, ngụ TP. HCM) nhận được lời mời đến giảng dạy tại lớp học cho trẻ ung thư tại Bệnh viện Ung bướu. Thời điểm đó, cô Phấn đang công tác tại trường tiểu học Lý Tự Trọng (TP. HCM). Mặc dù bận rộn, phải đi đi về về 2 buổi ở trường, tối lại phải soạn giáo án, thế nhưng, cô Phấn ngay lập tức đồng ý.
Cô Đinh Thị Kim Phấn đã có hơn 12 năm đồng hành cùng bệnh nhi ung thư.
Bài liên quan
Phần mềm “học trực tuyến” ngoại không đáp ứng tiêu chuẩn của lớp học online
Phóng viên Thông tấn xã nơi tâm dịch: Nối dài những hành trình thiện nguyện
Đội thiện nguyện TP. HCM: Động lực để tiếp tục hành trình này, chỉ có một chữ ‘thương’
Gia đình 3 thế hệ là “cựu F0”, một thành viên xung phong làm thiện nguyện “trả ơn đời”
Những buổi học đầu tiên tại lớp học dành cho bệnh nhi ung thư bắt đầu vào tháng 9/2009, đó cũng là lúc cô Phấn chính thức bước chân vào giảng đường đặc biệt, nơi biết bao cung bậc cảm xúc mà cô sắp được trải qua.
Cứ mỗi chiều thứ 6 và sáng thứ 7 hàng tuần, cô Phấn lại đến lớp học đặc biệt này. Cô luôn đến sớm hơn 1 tiếng để lau dọn lớp học, chuẩn bị sách vở cho các em. Đối với cô Phấn, cảm xúc khi đến lớp học này luôn khác hẳn với cảm xúc khi cô bước chân vào các lớp học khác trong suốt nhiều năm làm giáo viên.
Cô Phấn xem các học trò như con cháu trong nhà.
“Hầu như sách, vở của các bệnh nhi tôi đều giữ ở lớp nên hôm nào tôi cũng đến sớm để chuẩn bị. Khi các em đến, cứ đọc tên thì tôi đưa vở cho. Trên kệ sách là hàng trăm, hàng nghìn cuốn vở của các em. Mỗi năm có khoảng 300 em đến học, có em qua đời thì năm sau sẽ có em khác thế chỗ, lấp dần từ năm này qua năm khác”, cô Phấn nói.
Hoàn cảnh của các em rất đáng thương, có em đang học nhưng bị bệnh phải nghỉ học giữa chừng, có em bị bệnh từ nhỏ nên con chữ là gì, các em chưa từng được biết. Vì thế, học sinh ở đây rất ngoan và ham học. Các em dù còn nhỏ nhưng tự ý thức được hoàn cảnh của mình, ý thức được thời gian của mình không còn nhiều và ý thức được phải trân trọng từng khoảnh khắc được học con chữ.
Lớp học chữ còn có tiết ngoài giờ lên lớp để các em giao lưu, giải trí.
“Có nhiều em đang học, đến giờ đi ‘vô thuốc’ nên phải rời lớp giữa chừng, em đó khóc dữ lắm, sợ đi rồi lát quay lại thì lớp tan, cô về mất nên chần chừ mãi không muốn đi. Có em còn vừa ngồi học vừa vô thuốc, tôi ghép hai cái bàn hai bên em đó, tay trái thì vô thuốc, tay phải thì cặm cụi viết bài, thương lắm. Nhiều lúc còn có em phải về quê gấp, em đó kêu mẹ ‘mẹ đứng đợi ngoài cửa đi, khi nào con học xong rồi con về”, cô Kim Phấn kể.
Hằng năm các giáo viên, tình nguyện viên còn tổ chức ngày mừng Quốc tế thiếu nhi cho các em.
Cô Phấn chia sẻ, thời gian đầu, cô phải trải qua rất nhiều khó khăn, đã từng đấu tranh với việc ‘đi hay ở lại’. Bởi lẽ, ít có ai chịu đựng nổi cảm giác hay tin học trò của mình lần lượt qua đời vì căn bệnh quái ác. Nhớ nhất là khi một học trò quê Bình Định không qua khỏi, cô đã tức tốc lên máy bay để ra Bình Định dự đám tang của học trò, điều mà từ trước đến nay cô chưa bao giờ làm.
“Tôi đấu tranh dữ lắm, có khoảng thời gian tôi bị trầm cảm. Cứ có tin học sinh mất thì tối đó tôi mất ngủ. Làm giáo viên ở lớp bệnh nhi ung thư, nghe đơn giản, nhưng đâu phải ai cũng làm được. Ngày qua ngày, chứng kiến quá nhiều sự mất mát khiến cho tôi tập làm quen với cảm xúc này hơn. Tôi phải bước tiếp vì những người như tôi là những người đem lại niềm tin cho các em. Làm việc này, tôi không chỉ giúp các em mà tôi còn giúp cho bản thân tôi, thêm trân quý cuộc sống này hơn”, cô Phấn xúc động nói.
Lớp học đặc biệt giữa mùa dịch
Trên kệ sách chứa hàng nghìn cuốn vở, cô Phấn cho biết đó là vở của các bệnh nhi ung thư. Có cuốn của các em đang học, có cuốn của những em đã qua đời. Vở của các em, cô Phấn đều giữ kỹ hoặc trao lại cho gia đình, chứ chưa bỏ một cuốn nào.
Kệ sách hàng nghìn cuốn vở của các học sinh đã và đang học tại đây.
“Những cuốn vở như linh hồn của lớp học. Dù học sinh đã không còn, nhưng những con chữ của các em thì mãi còn ở đó, như một động lực, một phần ký ức của cuộc đời tôi”, cô Kim Phấn nói.
Những ngày đầu khi dịch bệnh bùng phát, lớp học phải tạm dừng. Tuy nhiên, điều này vẫn không ngăn được hành trình dạy và học của cô trò. Gần 3 tháng qua, cứ mỗi tối thứ 4, thứ 7, cô Phấn và các em đều “online” đúng giờ.
Cô Phấn cùng các bệnh nhi học online.
“Chủ yếu là gặp mặt hỏi thăm, nói chuyện với các em rồi cho bài tập để các em tự làm. Hễ có bài nào khó thì các em sẽ hỏi, cô trò cứ thế học online. Các em đâu biết tình hình dịch bệnh thế nào, chỉ muốn được nhanh gặp cô để học thôi. Có một số em không may dương tính với Covid-19 nhưng cũng gọi điện thoại hứa sẽ làm bài đầy đủ, nói ‘cô ơi con vẫn học nhé cô, cô đừng bỏ con nhé’. Nghe vậy thấy thương lắm”, cô Phấn nói.
Nhiều bệnh nhi phải vô thuốc không thể đến lớp, cô Phấn trực tiếp đến động viên, tặng quà cho các em.
Hơn 12 năm đồng hành với lớp học cho bệnh nhi ung thư, “lương” mà cô Phấn nhận được, chính là nụ cười của các em. Cô Kim Phấn cho biết, mỗi khi một buổi học kết thúc, cô và các giáo viên, tình nguyện viên cảm thấy như được giải tỏa những phiền muộn cuộc sống, ai nấy đều nở nụ cười, vẫy tay chào các em.
“Tôi là một giáo viên, người cho con chữ. Các em rất quý trọng con chữ tôi trao, đó là niềm hạnh phúc nhất không chỉ riêng tôi mà đối với tất cả những người làm nghề này. Vậy nên không có lí do nào tôi phải dừng lại hết. Tôi sẽ hỗ trợ các em đến khi nào tôi hết khả năng. Bởi, được đến trường thì mới có được tuổi thơ, bất kỳ đứa trẻ nào cũng xứng đáng có tuổi thơ thật đẹp cho riêng mình, dù thời gian phía trước có còn dài hay không”, cô Kim phấn chia sẻ.