Cô giáo Êđê-Bru Vân Kiều ở Đắk Lắk khởi nghiệp, chinh phục thị trường yến sào

Trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế, chị Mó H'Loan ở xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk đã tìm hiểu về các mô hình dẫn dụ chim yến. Không chỉ mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững, mô hình này còn là minh chứng cho sự đổi mới tư duy, khởi nghiệp sáng tạo từ chính vùng đất khó để làm giàu.

Sau hơn 7 năm khởi nghiệp, mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế, hình thành sản phẩm đạt 3 sao OCOP đầu tiên của xã vùng III Ea Hiu, xuất khẩu thành công, tạo thêm việc làm với thu nhập ổn định cho nhiều chị em.

Sau bữa cơm tối, chị H Ninh Êban, ở buôn Tà Đốp, xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk dặn dò các con chuyện bài vở rồi tranh thủ đến xưởng sản xuất yến sào Quế Loan để nhặt tổ yến. Công việc này giúp chị có thêm thu nhập khoảng 6 triệu đồng mỗi tháng, và được khám sức khỏe định kỳ miễn phí 2 lần mỗi năm.

Xưởng sản xuất đã góp phần tạo việc làm với thu nhập ổn định cho nhiều chị em người dân tộc thiểu số tại địa phương

Xưởng sản xuất đã góp phần tạo việc làm với thu nhập ổn định cho nhiều chị em người dân tộc thiểu số tại địa phương

“Tôi làm ở đây được 3 năm rồi, tranh thủ làm thêm ngoài thời gian làm hành chính. So với trước thì thu nhập 3 năm qua ổn định và cao hơn trước, đủ trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình. Công việc này tiện vì mình ở trong mát, không quá vất vả nắng nôi, cũng không quá phức tạp, chỉ cần kiên trì là được”. – Chị H Ninh kể.

Cùng với chị H Ninh, có 3 chị khác cũng tham gia nhặt tổ yến tại xưởng sản xuất yến sào Quế Loan, ở xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc. Dù chỉ làm thêm vào buổi tối hay thời gian rảnh, công việc này cũng đem lại cho các chị nguồn thu nhập ổn định từ 5 - 7 triệu đồng mỗi tháng. Vừa có lương, các chị còn được khám sức khỏe định kỳ và được đóng bảo hiểm xã hội.

Cũng tranh thủ làm thêm tại đây mỗi dịp nghỉ hè, em Lê Bảo Anh Niê, ở buôn Roang Dơng, xã Ea Hiu, mới 16 tuổi nhưng đã có 3 năm “kinh nghiệm” nhặt và xếp tổ yến. Lê Bảo Anh Niê chia sẻ: “Hồi nhỏ thì con nhìn xong được mẹ hướng dẫn thì con học tầm 1 tuần là con nhặt được hết rồi. Nếu mẹ nhặt yến thì con sẽ phụ mẹ nhặt sợi và nhặt vụn yến, cũng được một khoản nhỏ nhỏ để đổ xăng, ăn sáng”.

Cơ sở sản xuất yến sào Quế Loan do vợ chồng chị Mó H’Loan làm chủ. Chị H’Loan sinh năm 1983, hiện đang là giáo viên tại trường tiểu học Nguyễn Đức Cảnh, xã Ea Hiu. Cách đây 7 năm, trong quá trình chăm sóc người thân ốm nặng, chị H’Loan biết đến giá trị dinh dưỡng và kinh tế của yến sào. Sau khi tìm hiểu về các mô hình dẫn dụ chim yến, cuối năm 2018, vợ chồng chị mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư nhà dẫn dụ chim yến và học hỏi kỹ thuật thu hái, chế biến tổ yến tươi.

Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, sản phẩm yến sào Quế Loan được tham gia nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại

Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, sản phẩm yến sào Quế Loan được tham gia nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại

Từng bước xây dựng thương hiệu, tiếp cận thị trường thông qua nhiều kênh quảng bá, xúc tiến thương mại, đến năm 2023 sản phẩm Yến sào Quế Loan đã trở thành sản phẩm đầu tiên của xã vùng III Ea Hiu đạt 3 sao OCOP. Cũng trong năm này, chị H’Loan kết nối với công ty yến sào Thành Dung ở thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc, tham gia liên kết hợp tác xuất khẩu tổ yến chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và đã xuất được lô chính ngạch đầu tiên sang Trung Quốc vào đầu năm 2024.

Ông Trần Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND xã Ea Hiu cho biết: chị H’Loan là một trong những nhân tố người dân tộc thiểu số tiêu biểu, là đảng viên trẻ có nhiều nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế gia đình và tạo việc làm cho lao động tại chỗ ở địa phương.

“Hiện nay cũng có 4-5 chị chú trọng phát triển nông nghiệp bền vững, địa phương rất quan tâm và khuyến khích để bà con chủ động. Xã cũng đã kết nối với huyện, đồng thời hỗ trợ gia đình chị Mó H’Loan thành lập sản phẩm OCOP và đến nay đã có quyết định được công nhận. Động viên khuyến khích chị mở rộng mô hình, hàng năm hàng quý, trong các hội chợ triển lãm của huyện, của tỉnh thì xã cũng làm cầu nối đưa sản phẩm ra thị trường ở cấp ngoài huyện, ngoài tỉnh” - ông Trần Ngọc Dũng cho hay.

Sản phẩm yến sào của cô giáo Mó H'Loan trở thành sản phẩm OCOP 3 sao đầu tiên ở xã vùng III Ea Hiu, Krông Pắc

Sản phẩm yến sào của cô giáo Mó H'Loan trở thành sản phẩm OCOP 3 sao đầu tiên ở xã vùng III Ea Hiu, Krông Pắc

Học tập mô hình của chị H’Loan, hàng chục hộ gia đình tại xã Ea Hiu đã tham gia nuôi và dẫn dụ chim yến. Ngoài nhà yến tại Đắk Lắk, chị H’Loan đã mở thêm 3 nhà yến khác tại huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Chị nhiệt tình chia sẻ kỹ thuật, hỗ trợ đầu ra cho các gia đình làm nhà yến và tạo việc làm thường xuyên cho 4 chị người dân tộc thiểu số.

Chị Mó H’Loan chia sẻ, mang trong mình 2 dòng máu Ê Đê và Bru-Vân Kiều, chị thông thạo cả 2 thứ tiếng nên dễ dàng trò chuyện, trao đổi với các chị em trong quá trình làm việc. Chị tích cực tự học, tìm hiểu các kiến thức trên mạng Internet để vừa áp dụng cho bản thân, vừa hướng dẫn lại cho những ai muốn tìm hiểu. Dù đang công tác tại trong ngành giáo dục, chị vẫn đặt mục tiêu sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất, xây dựng nhà xưởng rộng hơn để có thể tạo thêm việc làm cho nhiều người.

“Mình đang nỗ lực phấn đấu đưa sản phẩm lên 4-5 sao, có thể tạo việc làm cho 12 lao động, cố gắng để sản phẩm tiếp cận thị trường tốt hơn. Mong muốn lãnh đạo địa phương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện kết nối, xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài nhiều hơn” - chị Mó H’Loan bộc bạch.

Mô hình nuôi chim yến mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững trên vùng đất khó Ea Hiu

Mô hình nuôi chim yến mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững trên vùng đất khó Ea Hiu

Hiện tại, mỗi 3 tháng chị H’Loan thu được 12kg yến thô, vừa xuất trực tiếp cho các xưởng chế biến yến tươi ở thành phố Hồ Chí Minh, vừa chế biến thành các sản phẩm sơ chế, tinh chế để bán ra thị trường. Với mức giá 30 triệu đồng/kg yến đã làm sạch, mỗi năm gia đình chị H’Loan thu trên dưới 1 tỷ đồng. Không chỉ mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững, mô hình này còn là minh chứng cho sự đổi mới tư duy, khởi nghiệp sáng tạo từ chính vùng đất khó để làm giàu.

H Xíu/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/co-giao-ede-bru-van-kieu-o-dak-lak-khoi-nghiep-chinh-phuc-thi-truong-yen-sao-post1193691.vov