Trung Quốc mở đường cho sầu riêng Lào, Việt Nam phải hành động sớm
Trong khi xuất khẩu sầu riêng Việt sang Trung Quốc đang gặp khó, thị trường này liên tục đa dạng hóa nguồn cung, mở đường cho đối thủ mới như Lào.

Trung Quốc liên tục mở rộng nguồn cung sầu riêng khiến Việt Nam có thêm nhiều đối thủ cạnh tranh. Ảnh: Hoàng Giám.
Trang tin Produce Report trích dữ liệu từ Hải quan Trung Quốc cho biết trong 2 tháng đầu năm, nước này đã nhập khoảng 23.000 tấn sầu riêng, giảm 56,7% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng giá trị nhập khẩu cũng giảm 57,3%, đạt 870 triệu nhân dân tệ (khoảng 119 triệu USD).
Trung Quốc hiện tiêu thụ khoảng 91% tổng lượng sầu riêng toàn cầu, với nguồn cung chủ yếu đến từ Thái Lan và Việt Nam. Ngoài ra, Malaysia và Philippines cũng là nhà cung cấp chính cho thị trường này.
Sầu riêng Lào tiến đến Trung Quốc
Theo thống kê từ Hải quan Trung Quốc, năm 2024, nước này đã chi 7 tỷ USD nhập 1,56 triệu tấn sầu riêng, tăng 9,4% về lượng và tăng 4% về giá trị so với năm 2023. Thị trường sầu riêng tại Trung Quốc dự báo sớm đạt quy mô 10 tỷ USD.
Do đó, Trung Quốc đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung sầu riêng từ các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Lào.

Sầu riêng Việt Nam vừa gặp khó về kiểm soát chất lượng vừa có thêm đối thủ mới là Lào. Ảnh: Hoàng Giám.
Theo Vientiane Times, vừa qua, chính quyền tỉnh Attapeu đã trao quyền khai thác cho 3 công ty Lào, cho phép trồng sầu riêng thương mại trên tổng diện tích hơn 273 ha trong thời hạn 30 năm.
Với Lào, kết quả này là một phần trong chiến lược tăng cường sản xuất trái cây thương mại, đồng thời quốc gia này đang hướng tới mục tiêu trở thành nhà cung cấp sầu riêng quan trọng cho Trung Quốc.
Nhờ vào sự đầu tư của Trung Quốc và nhu cầu tiêu thụ sầu riêng tăng mạnh tại quốc gia này, các đồn điền sầu riêng ở Lào đang mở rộng với tốc độ chóng mặt.
Tháng 10/2024, các công ty Trung Quốc đã có cuộc gặp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Lào để thảo luận về tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực thương mại sầu riêng.
Theo đó, Trung Quốc đã đề xuất Lào thành lập Hiệp hội doanh nghiệp sầu riêng Lào, Hiệp hội đào tạo nghề sầu riêng Lào và một trung tâm nghiên cứu chuyên sâu nhằm giám sát toàn bộ quy trình sản xuất, từ khâu chọn giống, kỹ thuật canh tác, kiểm soát chất lượng, định giá đến logistics.
Các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đặt mục tiêu cải thiện các hoạt động nông nghiệp ở Lào qua các mô hình quản lý, canh tác sáng tạo. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu sầu riêng của Lào sang Trung Quốc trong tương lai.
Ngoài ra, tuyến đường sắt Viêng Chăn - Côn Minh, kết nối thủ đô Lào với thành phố Côn Minh (Trung Quốc), giúp rút ngắn đáng kể thời gian vận chuyển hàng hóa giữa 2 nước.
Lợi thế cạnh tranh của sầu riêng Việt Nam
Ngoài Lào, sầu riêng Việt Nam còn đối mặt với Indonesia tại thị trường tỷ dân, khi tháng trước, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã hoàn tất việc kiểm tra các đồn điền sầu riêng và cơ sở đóng gói tại Indonesia nhằm đánh giá tiềm năng hợp tác xuất khẩu loại trái cây này.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, trước thực trạng sầu riêng Việt Nam có thêm nhiều đối thủ cạnh tranh, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết diện tích trồng sầu riêng của Lào vẫn còn khá khiêm tốn so với Việt Nam và Thái Lan. Do đó, mức độ cạnh tranh chưa thật sự gay gắt.
Hiện, diện tích sầu riêng của nước ta đạt khoảng 169.000 ha với sản lượng khoảng 1,55 triệu tấn. Còn Thái Lan, tính đến năm 2024, diện tích trồng sầu riêng hơn 163.000 ha với sản lượng 1,53 triệu tấn/năm.

Việt Nam có lợi thế về sản lượng sầu riêng dồi dào, diện tích vùng trồng lớn. Ảnh: Phạm Ngôn.
Đối với Indonesia, ông Nguyên nhận định quốc gia này sẽ không dễ dàng chiếm ưu thế thị phần, do khoảng cách địa lý xa Trung Quốc và cũng phải đối mặt với hàng rào kỹ thuật tương tự như Việt Nam, Thái Lan là kiểm soát dư lượng chất vàng O và Cadimi.
Tuy nhiên, trước việc Trung Quốc liên tục mở rộng nguồn cung, các doanh nghiệp sầu riêng Việt Nam không nên chủ quan mà cần nghiêm túc đảm bảo chất lượng, sản lượng, truy xuất nguồn gốc và tuân thủ chặt chẽ quy định về mã số vùng trồng.
"Lợi thế của Lào là được Trung Quốc đầu tư, giám sát, hỗ trợ trồng trọt bài bản, nên trái sầu riêng sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe về dư lượng Cadimi và chất vàng O - 2 yếu tố đang khiến nhiều lô sầu riêng Việt Nam bị tắc đường sang Trung Quốc", ông Nguyên nói.
Từ đầu năm nay, Trung Quốc đã siết chặt kiểm soát chất lượng sầu riêng với tất cả các nước nhập khẩu. Theo đó, toàn bộ lô hàng sầu riêng phải có kết quả kiểm nghiệm không dư lượng Cadimi và chất vàng O, được thực hiện tại các phòng thí nghiệm được Trung Quốc công nhận.
Tuy nhiên, về lợi thế, Việt Nam có diện tích vùng trồng lớn, sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm và kinh nghiệm xuất khẩu. Việc vận chuyển sầu từ vùng trồng ở nước ta sang Trung Quốc chỉ mất khoảng 1,5 ngày, sầu riêng vẫn đảm bảo tươi ngon. Do đó, sầu riêng Việt Nam hoàn toàn tự tin cạnh tranh trên thị trường Trung Quốc.
"Nhưng để sầu riêng Việt Nam giành lại vị thế dẫn đầu trong thị trường Trung Quốc, điều kiện tiên quyết là phải giải quyết triệt để các vấn đề liên quan đến dư lượng chất bảo quản thực vật có trong trái sầu riêng. Đây là thách thức lớn nhất mà thị trường sầu riêng Việt Nam đang gặp phải", ông Nguyên nhấn mạnh.