Cô giáo người Mông vượt khó, gắn bó với trẻ
Vượt qua vô vàn khó khăn trong cuộc sống, những cô giao trẻ người Mông, ngày qua ngày, vững vàng bám trụ nơi có những điểm trường '4 không' ở huyện Mù Cang Chải (Yên Bái).
“Càng gắn bó với học sinh vùng cao, cô càng thấy yêu nghề, mến trẻ và muốn cống hiến nhiều hơn nữa cho giáo dục miền núi”, đó là tâm sự của cô giáo Chang Thị Giàng và Cứ Thị Pàng Dinh tại 2 điểm trường khó khăn của huyện Mù Cang Chải (Yên Bái).
Bắt đầu nghề cô giáo mầm non từ năm 2011, tại điểm trường Xéo Mả Pán (xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải) cách điểm trường chính 8 km, cô giáo Chang Thị Giàng đối diện với nhiều khó khăn, thiếu thốn. Bởi ở đây chưa có điện, dân trí thấp, việc huy động học sinh ra lớp rất vất vả. Khiến cô giáo trẻ thường xuyên phải đi bộ đến từng nhà vận động các em đi học từ sáng sớm.
Suốt 9 năm làm nghề, đã có rất nhiều thế hệ học sinh được cô Giàng vận động, giúp đỡ để đến trường và học cái chữ. “Có những hôm đi bộ chùn cả chân, có những lúc khóc một mình và rất nhiều lúc bản thân thấy nản chí. Nhưng rồi hình ảnh các em thiếu thốn lại khiến mình có thêm quyết tâm, nghị lực để tiếp tục công việc”, Giàng chia sẻ.
Và trong suốt 9 năm qua trong nghề cô giáo mầm non ở vùng cao, Chang Thị Giàng luôn tâm niệm lời dạy của Bác: “Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt”. Những lúc khó khăn, lời dạy ấy giúp cô giáo trẻ người Mông thêm động lực với mong muốn được góp sức nhỏ bé của mình vào việc trồng những “cây non” trên vùng cao này, để chính những em nhỏ người dân tộc Mông như Giàng có được thêm những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Hay như tại Trường Mầm non Hoa Hồng (xã Nậm Có) là một trong điểm trường khó khăn nhất nhì của huyện Mù Cang Chải. Bởi nhiều điểm trường lẻ, cách xa xã, không có điện, không sóng điện thoại... Được biết, từ năm 2015 khi nhận công tác tại đây, cô giáo Cứ Thị Pàng Dinh (35 tuổi) được phân đứng lớp ở các điểm lẻ.
Vì đường xá xa xôi, không thuận tiện, cô đều phải ở lại bản. Thời gian đứng lớp ở bản Mú Cái Hồ, thương hai em học sinh trong lớp nhà xa trường, cô Dinh ở cùng và chăm sóc cho hai em, một em lớp 4, một em lớp 5, trong điều kiện cuộc sống rất nhiều khó khăn. “Đêm đến chỉ có ánh sáng từ chiếc đèn pin. Thức ăn không đủ cho cả tuần, chủ yếu phải ăn rau… Những ngày cuối tuần mưa gió, ba cô trò phải dắt xe đi bộ về nhà vừa ướt, vừa bùn bẩn khắp người”, cô Dinh nhớ lại những ngày cắm bản ấy.
Biết dạy học trên bản nhiều vất vả, đường đến trường xa, những hơn 30 cây số, vừa khó khăn, thậm chí là rất nguy hiểm trong những ngày mưa to, gió lớn, nhưng năm học 2019 - 2020, cô Dinh vẫn quyết tâm gửi lại đứa con nhỏ, để tình nguyện lên đứng lớp ở điểm trường Lùng Cúng “4 không”: không điện, không sóng điện thoại, không nước sạch, không trạm y tế.
Khó khăn, gian khổ là vậy, nhưng Dinh vẫn kiên cường, bám điểm trường, cùng đồng nghiệp động viên nhau vượt qua, bằng cách tự tìm nguồn nước sạch để kéo nước về, tự làm vườn trồng rau cỏ, làm đồ chơi ngoài trời như bập bênh, xích đu, ống chui... cho các em.
Để các em đi học, cô Dinh cùng đồng nghiệp không những phải đến tận từng nhà vận động mà còn phải tự tay lo thủ tục giấy tờ cho các em. “Thậm chí nhiều gia đình ở đây giấy tờ thiếu đủ thứ như chưa có giấy đăng kí kết hôn, chưa có sổ hộ khẩu hay chưa có giấy khai sinh cho con… Gặp những trường hợp đó, mình lại phải vận động họ và đưa xuống xã để làm thủ tục, giấy tờ luôn”, cô Dinh chia sẻ.
Dinh bảo, ám ảnh nhất và xót thương nhất với cô, là những này đông giá rét, có khi có băng tuyết mà những em nhỏ không có áo ấm, chân không giầy dép. Cũng bởi vậy mà cô Dinh càng thương lũ nhỏ nhiều hơn, muốn làm được nhiều điều hơn cho chúng. Bởi vậy khiến cô yêu nghề hơn, yêu thương những đứa trẻ ở những bản làng vùng cao xa xôi này hơn.
Nhờ vượt qua từng đó khó khăn mà hai cô giáo Cứ Thị Pàng Dinh và Chang Thị Giàng là đại diện của tỉnh Yên Bái trong số 63 giáo viên toàn quốc được tuyên dương tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức vào trung tuần tháng 11/2020.
Đây là chương trình nhằm tôn vinh và tri ân những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ của các giáo viên người dân tộc thiểu số. Đặc biệt là những dân tộc có quy mô dân số dưới 10.000 người, đang trực tiếp dạy học cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/co-giao-nguoi-mong-vuot-kho-gan-bo-voi-tre-552883.html