Cô giáo Pa Kô 11 năm truyền lửa đam mê cho học sinh
Bắt đầu ngày mới với không bữa sáng, áo quần lấm lem bùn đất đến trường, khi đông đến chỉ phong phanh chiếc áo trắng. Thế nhưng, suốt hơn 11 năm qua, cô giáo dân tộc Pa Kô ấy vẫn luôn nỗ lực truyền dạy tri thức cho các em.
A Lưới – vùng cao của Thừa Thiên Huế, nơi đại ngàn của dãy Trường Sơn hùng vĩ, nơi tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại đi qua ghi dấu bao chiến công lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc hào hùng. Nơi mà đặc sản là sương mù và mưa giông, với những con dốc khúc khuỷu, những đoạn đèo quanh co đầy nguy hiểm.
Chính nơi vùng núi khó khăn này đã thôi thúc cô giáo Trương Thị Khánh Hòa (SN 1988) với những khát khao của tuổi trẻ, niềm đam mê mang con chữ tới các em nhỏ vùng núi khó khăn trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Cô Khánh Hòa hiểu rõ hơn ai hết những khó khăn, thiếu thốn của các em học sinh nơi đây khi chính cô là người con dân tộc thiểu số trên mảnh đất A Lưới này.
Ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, cô ước mong sẽ có ngày trở về giảng dạy ở trên quê hương. Năm 2011, cầm quyết định trên tay trong niềm sung sướng và hạnh phúc, cô giáo Trương Thị Khánh Hòa nhận nhiệm vụ công tác tại ngôi trường mang tên: Trường Trung học phổ thông A Lưới, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Bắt đầu ngày mới với không bữa sáng, áo quần lấm lem bùn đất đến trường, khi đông đến chỉ phong phanh chiếc áo trắng. Thế nhưng, suốt hơn 11 năm qua, cô giáo dân tộc Pa Kô ấy vẫn luôn nỗ lực truyền dạy tri thức cho các em. "Có những con đường khó đi không phải bởi sạt lở hay mưa lũ mà đôi khi nó khó đi bởi người không nhìn thấy đích đến – Dạy học ở nơi vùng cao A Lưới cũng vậy, nhưng chính những người trẻ như chúng tôi đã làm thay đổi điều đó" - Cô giáo Hòa bày tỏ.
Cô Khánh Hòa chia sẻ, khó khăn lớn nhất trong công tác giảng dạy nơi đây chính là địa bàn cư trú của đa số học sinh ở các xã, các em có hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong mọi hoạt động giáo dục gặp nhiều khó khăn. Số học sinh thuộc diện nghèo, cận nghèo còn quá nhiều. Nhiều em phải nghỉ học để đi kiếm tiền phụ giúp gia đình, có em nghỉ học để đi làm ăn xa. Các thầy cô giáo như cô Khánh Hòa đều hiểu và thương các em hơn ai hết, cùng các bạn trong lớp đến nhà động viên, nói chuyện với bố mẹ, với các em để các em có thể đến trường. Đi qua bao con suối, nhìn thấy bao nhiêu núi, mới đến nhà các em. Con đường từ nhà đến trường rất xa, nhưng nếu không học cái chữ, thì con đường đi đến ước mơ còn xa hơn nữa.
Cô giáo Trương Thị Khánh Hòa đã mạnh dạn tham mưu với Đảng bộ, BGH nhà trường, Đoàn trường trong việc giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập, nhất là trong đợt dịch Covid 19 vừa qua, nhiều gia đình học sinh vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Đồng thời phát huy tinh thần tình nguyện bằng nhiều cách làm mới, sáng tạo, triển khai có hiệu quả phong trào hành động cách mạng tại trường học.
Và cứ thế, nhiều chương trình thiết thực, có ý nghĩa lần lượt ra đời như: "Tiếp sức đến trường", "Triệu túi an sinh", "Mỗi ngày chủ nhật là một sự san sẻ yêu thương"… để giúp đỡ, động viên phần nào cho các em đến trường. Là một cán bộ đoàn nhiệt huyết, cô Hòa luôn suy nghĩ và hành động để tổ chức Đoàn trong nhà trường thực sự là môi trường lý tưởng rèn luyện ý chí lẫn kỹ năng cho Đoàn viên thanh niên.
Vốn là người đồng bào thiểu số, hiểu rằng các em học sinh ở đây nhiều em kĩ năng sống còn thiếu, các em còn rụt rè, hay mặc cảm. Chính vì thế, cô giáo Khánh Hòa cùng các tổ chức Đoàn, Hội trong trường mạnh dạn tổ chức các cuộc thi, các hoạt động, các buổi sinh hoạt Chi đoàn để giúp các bạn học sinh hòa nhập, tiến bộ, sống có ích và biết yêu thương, san sẻ.
"Bản thân luôn muốn truyền ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học cho các em học sinh trong trường, nhất là các em học sinh dân tộc thiểu số. Định hướng, nhen lên ngọn lửa cho các em, để các em mày mò, sáng tạo ra những sản phẩm mang tính ứng dụng thực tiễn của chính mình. Có nhiều đêm cô trò cùng thức trắng, bát mì tôm úp vội, để hoàn thiện công trình nghiên cứu còn dang dở" - Cô Hòa chia sẻ.
Cô Hòa nói rằng, mình vất vả quen rồi, chỉ tội cho học sinh phải học tập trong điều kiện thiếu thốn, phòng học tạm bợ. Như vậy, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Nhưng trước mọi khó khăn, thầy và trò đều phải khắc phục, cố gắng vượt qua. Việc dạy học ở những nơi "thâm sơn, cùng cốc" dẫu phải đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả, các thầy, cô giáo như cô Hòa vẫn hết mực tận hiến cho sự nghiệp "trồng người", vì mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương.
Với những cống hiến liên tục trong 11 năm 1 tháng, cô giáo Khánh Hòa đã vinh dự nhận được nhiều thành tích như Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh "Đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác giáo dục và đào tạo từ năm 2018 – 2019 đến năm 2020 - 2021" của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế; giấy khen vì đã có thành tích dạy giỏi trong nhiều năm và thành tích xuất sắc trong hoạt động công đoàn… Mới đây nhất cô vinh dự là 1 trong 68 gương giáo viên tiêu biểu được vinh danh trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" 2022 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.