Cô giáo viết văn
Mai Thị Hồng Quế, một cô giáo ở Ninh Bình, vừa xuất bản tập truyện ngắn 'Gió thổi trước hiên nhà'. Chị chia sẻ về cuốn sách và chung quanh chuyện viết lách.
Mai Thị Hồng Quế, một cô giáo ở Ninh Bình, vừa xuất bản tập truyện ngắn “Gió thổi trước hiên nhà”. Chị chia sẻ về cuốn sách và chung quanh chuyện viết lách.
Phóng viên (PV): Hơn 40 mới ra mắt tập truyện đầu tay, có phải chị hơi cầu toàn trong chuyện xuất bản sách?
Tác giả Mai Thị Hồng Quế: Tôi tập viết khá lâu rồi nhưng thật sự “viết có trách nhiệm” mới khoảng 5 năm trở lại đây, nên số lượng tác phẩm cũng chưa được nhiều. Có lẽ, tôi cũng hơi cầu toàn trong chuyện xuất bản, vì tôi cũng muốn lựa chọn kỹ càng nhất có thể trong số các tác phẩm của mình và sắp xếp theo một chủ đề tương đối thống nhất.
PV: Trong tập truyện của chị, nhân vật chính phần lớn là phụ nữ, họ có vẻ đẹp từ sâu trong tâm hồn phía sau vẻ bề ngoài mộc mạc hương đồng gió nội và lấm lem bùn đất ruộng vườn, trắc ẩn, kiên cường, bền bỉ. Phải chăng chị đang muốn nói cất tiếng đồng cảm với những thân phận phụ nữ trong thời mình?
Tác giả Mai Thị Hồng Quế: Đề tài phụ nữ luôn là đề tài hấp dẫn với người viết. Với tôi, đó cũng là đề tài tôi am hiểu nhất và tôi muốn bắt đầu công việc viết lách từ những gì tôi am hiểu. Phụ nữ thời trước từng được đồng cảm nhiều trong văn học. Phụ nữ ở thời đại hiện nay, dù đã được bình đẳng, nhưng vẫn có muôn vàn nỗi niềm cần chia sẻ. Khi ra ngoài xã hội, họ cũng rơi vào chằng chịt các mối quan hệ, đòi hỏi phải nhanh nhẹn, tỉnh táo. Trong gia đình, họ vẫn phải làm tròn bổn phận theo quan niệm truyền thống.
Trước sự biến động của xã hội, người phụ nữ càng gặp nhiều thử thách. Đã có bi kịch gia đình, có sự sa ngã trước cám dỗ... nhưng tôi vẫn tin vào những giá trị cốt lõi của giới nữ Việt Nam. Tôi thích những người phụ nữ mạnh mẽ và độc lập. Họ hoàn toàn có thể ghé vai vào gánh nặng gia đình cùng chồng con. Tôi chọn ngôi kể thứ nhất cho nhiều truyện. Khi xưng “tôi”, tôi cảm giác được chia sẻ với nhân vật của mình nhiều hơn. Viết truyện “Tơ giăng khắp chốn”, tôi rơi nước mắt thật sự.
PV: Chung quy lại, những thân phận của chị có cách giải quyết những khủng hoảng đời sống ra sao?
Tác giả Mai Thị Hồng Quế: Họ có cách giải quyết riêng bằng lý trí, kinh nghiệm, sự tỉnh táo của mỗi người. Điều ấy có được do sự từng trải của mỗi người. Có những sự từng trải rất khốn khổ như: Ngoại tình, bị bỏ rơi, nhưng không phải không có bài học từ đó. Có một cách giải quyết tốt hơn, theo tôi đó cũng là ưu thế của phụ nữ, đó là lắng nghe sự mách bảo của bản năng, bản năng làm mẹ, làm vợ. Nhiều nhân vật đã có quyết định bản năng, rất nhanh nhưng rất hợp lý, hợp tình, như: mụ Thiếc, cô Loan, cô Phong...
PV: Hiện nay, có rất nhiều nhà giáo viết văn, đặc biệt là các thầy cô giáo trẻ, làm sinh động văn đàn trẻ. Nhiều người thành danh. Trong đó rất nhiều gương mặt nữ như: Nguyệt Chu, Kim Hòa, Mai Thị Hồng Quế, Nguyễn Thu Hằng, Trần Thúy Lành… Phải chăng, nhà giáo thì có nhiều thời gian và cảm xúc dành cho việc viết?
Tác giả Mai Thị Hồng Quế: Có thể nói, chúng tôi có khá nhiều lợi thế, từ việc bản thân có một chút năng khiếu đến việc tiếp thu các tác phẩm văn học một cách có định hướng và sự am hiểu ở mức độ nào đó những vấn đề lý luận cơ bản.
PV: Chị có thấy nghề giáo là lợi thế?
Tác giả Mai Thị Hồng Quế: Tôi là giáo viên Ngữ văn nên việc đọc nhiều tác phẩm văn học có sự ảnh hưởng rất lớn. Có nhiều khi, sự ảnh hưởng từ các cây bút lớn quá sâu khiến chính tôi cũng giật mình. Tôi cũng cố gắng để tránh điều đó. Sự mô phạm của nghề nghiệp giúp tôi viết thận trọng nhưng đôi khi lại “vo tròn”, hạn chế sự phá cách. Có một điều cực kỳ quan trọng với tôi đó là cảm xúc truyền lại từ học sinh. Bạn sẽ thấy những điều mới mẻ, thú vị, đầy hứng khởi khi được gặp những con người trẻ tuổi, nhiều năng lượng... mỗi ngày. Tôi cố gắng để thành công hơn trong công việc, trong cuộc sống, cũng là xuất phát từ mong muốn được là một nguồn cảm hứng tác động tới các em.
PV: Việc dạy chữ, trồng người và trồng văn có điểm gì tương đồng mật thiết, hoặc bổ sung, hỗ trợ cho nhau hay không?
Tác giả Mai Thị Hồng Quế: Điểm tương đồng lớn nhất là tinh thần trách nhiệm. Người dạy học, người viết văn đều phải rất quan tâm đến “sản phẩm” mình sẽ tạo nên, vì vậy cũng rất cần thận trọng. Ngoài ra, sự chắt lọc vốn tri thức, kỹ năng, để dạy cho phù hợp đối tượng học sinh cũng giống như sự nhào nặn vốn sống và kỹ thuật viết để tạo nên tác phẩm vậy.
Từ khi viết văn, công việc dạy học của tôi cũng có những sự thay đổi. Tôi có thể “quan sát” tác phẩm từ góc độ người viết để đánh giá toàn diện hơn nên cách dạy trên lớp cũng linh hoạt, uyển chuyển hơn. Thói quen tìm hiểu cuộc sống để có vốn viết cũng giúp tôi “vốn” kiến thức, kỹ năng dạy học.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/chan-dung/co-giao-viet-van-629661/