Cô giáo vùng cao nâng giá trị món ăn của người Xơ Đăng

Xuất phát từ sở thích chế biến và giới thiệu các món ăn truyền thống của dân tộc mình, chị U Thị Bích Liên (sinh năm 1977), người dân tộc Xơ Đăng, giáo viên Trường Tiểu học xã Đăk Rơ Nga (huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) có ý tưởng nâng cao giá trị và thương mại hóa món thịt heo hun khói của người Xơ Đăng. Chị dùng mạng xã hội Facebook để giới thiệu nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của núi rừng Tây Nguyên đến bạn bè gần xa.

 Chị U Thị Bích Liên bên bếp lửa chế biến món thịt heo hun khói.

Chị U Thị Bích Liên bên bếp lửa chế biến món thịt heo hun khói.

Là người con của núi rừng, có niềm đam mê và hơn 3 năm tìm hiểu, nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đóng góp từ khách hàng, chị đã tạo ra mùi vị đặc trưng cho món thịt hun khói của mình và được nhiều khách hàng ưa thích. Năm 2022, chị mạnh dạn đầu tư mở rộng xây dựng cơ sở chăn nuôi để nhân giống heo bản địa với quy mô 100 con giống và đầu tư một bếp sấy bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời liên kết thu mua nguyên liệu tại chỗ, hoàn thiện để đáp ứng các yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo chị Liên, cái khó nhất là việc nêm gia vị. Từ gia vị chính trong món thịt hun khói của người Xơ Đăng chỉ là muối, chị đã bổ sung thêm các loại gia vị cay, thơm như ớt, sả, tiêu rừng, lá gia vị... “Tôi luôn tin tưởng vào con đường khởi nghiệp của mình bởi trong đó có sự bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực của quê hương dân tộc Xơ Đăng”, chị Liên tâm sự.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đăk Tô cho biết: “Chị U Thị Bích Liên là một trong những điển hình phụ nữ dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Với ý tưởng nâng cao giá trị và thương mại hóa món thịt hun khói truyền thống của người Xơ Đăng, chị Liên đã đoạt giải nhất tại Cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp năm 2022” do Hội LHPN tỉnh Kon Tum tổ chức. Từ đó, chị được Hội LHPN huyện, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ 30 triệu đồng từ nguồn vốn Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” với hy vọng sản phẩm của chị ngày càng phát triển, trở thành một đặc sản và thương hiệu của địa phương”.

Bài và ảnh: ÁI VÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/co-giao-vung-cao-nang-gia-tri-mon-an-cua-nguoi-xo-dang-721136