Có hay không bậc A-la-hán thoái pháp?

NSGN - Căn cứ theo lộ trình tu tập như Phật đã dạy, một Tỳ-kheo khi chưa giải thoát hoàn toàn thì việc thoái thất có thể diễn ra. Tuy nhiên, khi vị ấy đạt đến giải thoát hoàn toàn viên mãn, đã đạt đến bất động, thì không còn bất kỳ một sự thoái thất nào.

Theo kinh Tương ưng bộ (S.23.8-III.193), trong khi Thế Tôn thuyết giảng cho Tôn giả Rādha, Ngài đã định nghĩa về A-la-hán:

Này Rādha, khi nào Tỷ-kheo sau khi như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của năm thủ uẩn này, vị ấy được giải thoát, không có chấp thủ; như vậy, gọi vị Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, đã đoạn tận các lậu hoặc, đã thành tựu phạm hạnh, đã làm những việc phải làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, đã đoạn tận hữu kiết sử, đã giải thoát nhờ chánh trí(1).

Tương tự, trong kinh Tạp A-hàm, kinh số 61, đã ghi nhận rằng:

Này Tỳ-kheo! Nếu đối với giáo pháp này mà thấy như thật với chánh tuệ và chánh kiến, tâm không khởi lậu hoặc, thì gọi là A-la-hán, các lậu hoặc đã dứt sạch, việc cần làm đã làm xong, đã buông bỏ gánh nặng, chính mình được lợi ích, dứt sạch các kiết sử đưa đến tái sinh(2), có chánh trí, tâm được giải thoát(3).

Như vậy, cả hai bản kinh trên đều đồng thời ghi nhận, một bậc A-la-hán thì không còn lậu hoặc. Vậy, trường hợp A-la-hán thoái pháp (退法阿羅漢) cần phải hiểu như thế nào trong trường hợp này.

1. A-la-hán thoái pháp trong kinh điển Bắc truyền

Trong kinh điển Nam truyền không hề có danh xưng A-la-hán thoái pháp (退法阿羅漢, Parihānadhamma Arahant) mà chỉ ghi nhận Tỳ-kheo thoái thất với thiện pháp (parihāyāmi kusalehi dhammehi- S.35.96-IV.78)(4). Tuy nhiên, trong kinh điển Bắc truyền, cụ thể là kinh Trung A-hàm, số 127, có đề cập đến danh xưng này thông qua chín bậc Vô học (九無學人). Kinh ghi:

Thế nào là chín bậc Vô học? Đó là bậc Tư pháp(5), bậc Thăng tấn pháp(6), bậc Bất động pháp(7), bậc Thoái pháp(8), bậc Bất thoái pháp(9), bậc Hộ pháp(10), bậc Thật trụ pháp(11), bậc Tuệ giải thoát(12)bậc Câu giải thoát(13). Đây là chín bậc Vô học(14).

Bậc Vô học cũng được xác định là bậc A-la-hán(15). Trong chín bậc Vô học theo kinh Trung A-hàm nêu trên có bậc Thoái pháp (退法). Và như vậy, bậc Thoái pháp này cũng có thể được gọi là bậc A-la-hán thoái pháp (退法阿羅漢).

Ngoài ra, trong kinh Tọa thiền tam-muội (坐禪三昧經) cũng đề cập đến chín bậc A-la-hán, gồm: Thoái pháp, Bất thoái pháp, Tử pháp, Thủ pháp, Trụ pháp, Tất tri pháp, Bất hoại pháp, Tuệ thoát, Cộng thoát(16). Tuy nhiên, khi khảo sát lại bản kinh này trong tạng Đại chánh, căn cứ vào dòng chú thích của các nhà biên tập, thì đây vốn là một tác phẩm của ngài Tăng-già-la-sát tạo (僧伽羅剎造)(17).

Nếu như trong tạng Kinh chỉ có hai bản kinh nêu trên đề cập đến A-la-hán thoái pháp (退法阿羅漢) thì giai vị này cũng được đề cập khá nhiều trong tạng Luật và Luận, như: Căn bản thuyết Nhất thiết hữu bộ Ni-đà-na-mục-đắc-ca (根本說一切有部尼陀那目得迦)(18), Đại trí độ luận 大智度論(19), A-tỳ-đạt-ma Đại-tỳ-bà-sa luận (阿毘達磨大毘婆沙論)(20), Tôn-bà-tu-mật Bồ-tát sở tập luận (尊婆須蜜菩薩所集論)(21), A-tỳ-đàm tâm luận (阿毘曇心論)(22), A-tỳ-đạt-ma Câu-xá luận (阿毘達磨俱舍論)(23)…

Như vậy, thực tế cho thấy tên gọi A-la-hán thoái pháp đã được ghi nhận trong cả ba tạng kinh điển Bắc truyền. Vậy nguồn gốc của danh từ đó xuất phát từ đâu và thực chất của danh xưng ấy là gì?

2. Nguồn gốc danh xưng A-la-hán thoái pháp

Nguồn gốc của danh xưng A-la-hán thoái pháp theo chúng tôi phát xuất từ sự kiện tự sát của Tôn giả Cù-đê-ca (瞿低迦, Godhika)(24).

Kinh Tạp A-hàm, số 1091 ghi nhận về sự kiện này như sau:

Một thời, Đức Phật ngụ trong hang đá, núi Tỳ-bà-la, rừng Thất Diệp Thọ, thuộc thành Vương Xá.

Bấy giờ, có Tôn giả Cù-đê-ca(25)đang ở trong hang đá đen, bên núi Tiên Nhân(26), thuộc thành Vương Xá.

Cù-đê-catu tập thiền định một mình, sống không buông lung, tự thân được nhiều lợi ích và chứng được nhất thời tâm giải thoát(27)nhưng rồi bị thoái thất tâm ấy nhiều lần(28).Một lần rồi hai, ba, bốn, năm, sáu lần thoái thất, xong lại chứng được nhất thời tâm giải thoát, chứng được rồi lại thoái thất.

Tôn giả Cù-đê-ca suy nghĩ: “Ta sống một mình tu tập thiền định, không hề buông lung,tinh cần tu tập, tự thân được nhiều lợi ích, chứng được nhất thời tâm giải thoát, nhưng rồi bị thoái thất tâm ấy nhiều lần.Một lần… cho đến sáu lần, cứ chứng được rồi lại thoái thất.Nay ta nên dùng dao tự sát(29), chớ để thoái chuyển lần thứ bảy”(30).

Và kết quả là, Tôn giả đã dùng dao tự sát. Kinh Tương ưng bộ (S.4.23-I.120) cũng ghi nhận tương tự như vậy về Tôn giả này:

Một thời Thế Tôn trú ở Rājagaha, Veluvana, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ, Tôn giả Godhika trú ở sườn núi Isigili, tại Kālasilā. Rồi Tôn giả Godhika sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, chứng được nhứt thời tâm giải thoát. Rồi Tôn giả Godhika lại thối thất nhất thời tâm giải thoát ấy.

Lần thứ hai, Tôn giả Godhika sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần và chứng được nhất thời tâm giải thoát. Và lần thứ hai, Tôn giả Godhika lại thối thất nhất thời tâm giải thoát ấy.

Lần thứ ba, Tôn giả Godhika sống… tâm giải thoát ấy.

Lần thứ tư, Tôn giả Godhika sống… tâm giải thoát ấy.

Lần thứ năm, Tôn giả Godhika sống… tâm giải thoát ấy.

Lần thứ sáu, Tôn giả Godhika sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, chứng được nhất thời tâm giải thoát. Lần thứ sáu, Tôn giả Godhika cũng thối thất nhất thời tâm giải thoát ấy.

Lần thứ bảy, Tôn giả Godhika sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, chứng được nhất thời tâm giải thoát.

Rồi Tôn giả Godhika suy nghĩ: “Cho đến lần thứ sáu, ta bị thối thất nhất thời tâm giải thoát. Vậy nay ta hãy đem lại con dao”(31).

Từ sự kiện Tôn giả Cù-đê-ca (瞿 低迦, Godhika) tự sát, được ghi nhận trong hai bản kinh nêu trên và các bộ luận thư đã cho thấy rằng có bậc A-la-hán thoái pháp, qua việc phân chia sáu bậc, hoặc chín bậc A-la-hán.

Vậy thực chất sự kiện Tôn giả Cù-đê-ca tự sát cần được hiểu như thế nào? Tôn giả này có phải là bậc A-la-hán thoái pháp hay không?

3. Tôn giả Cù-đê-ca có phải là bậc A-la-hán thoái pháp hay không

Khảo sát nội dung câu chuyện Tôn giả Cù-đê-ca tự sát, chúng ta thấy rằng, Tôn giả đã chứng được nhất thời tâm giải thoát (sāmayika cetovimutti) tới bảy lần. Vậy nhất thời tâm giải thoát là gì?

Nhất thời tâm giải thoát còn gọi là Thời ái tâm giải thoát (時愛心解脫), Thời giải thoát (時解脫). Hai thuật ngữ này được Câu-xá luận ký (俱舍論記) giải thích:

Do luôn luôn yêu quý và bảo hộ các pháp đã chứng đắc nên gọi là Thời ái (時愛); và do tâm giải thoát khỏi sự trói buộc của phiền não nên gọi là Tâm giải thoát (心解脫). Khi đầy đủ hai ý nghĩa này thì được gọi là Thời ái tâm giải thoát (時愛心解脫). Điều gọi là Thời ái tâm giải thoát, cũng được nói là Thời giải thoát bởi vì cần phải chờ thời điểm mới có thể nhập định và giải thoát khỏi sự trói buộc của phiền não. Do đầy đủ hai ý nghĩa này nên được gọi là Thời giải thoát (時解脫)(32).

Dù được gọi Thời ái tâm giải thoát (時愛心解脫) hoặc Thời giải thoát (時解脫) thì hai trường hợp này đều chỉ cho sự giải thoát tạm thời (暫時解脫), chưa phải là giải thoát rốt ráo. Với sự giải thoát tạm thời, chưa phải là giải thoát rốt ráo, thì có thể nói rằng, thành tựu thời giải thoát thì chưa thể gọi là chứng quả A-la-hán.

Luận Đại trí độ (大智度論) trong khi giải thích các loại giải thoát đã chuyên chở thông tin có liên quan về trường hợp này:

Lại nữa, có năm nghìn A-la-hán đạt được pháp bất thoái, chứng đắc trí vô sanh. Vì lý do đó mà nói rằng: “Tâm được giải thoát hoàn toàn, tuệ được giải thoát hoàn toàn”, vì không còn thoái chuyển. Bậc A-la-hán thoái pháp đạt được giải thoát tạm thời, như Cù-đề-ca và những người khác, tuy được giải thoát nhưng không phải là giải thoát hoàn toàn, do thuộc pháp thoái chuyển(33).

Như vậy, luận Đại trí độ xác định rằng Cù-đề-ca đắc giải thoát tạm thời, do vì tạm thời nên còn thoái chuyển.

Ở đây, có một chi tiết cần lưu ý rằng, đó là danh xưng về A-la-hán. Cũng theo luận Đại trí độ, trong khi giải thích về Bồ-tát còn thoái chuyển và Bồ-tát không còn thoái chuyển, đã làm rõ thêm thông tin về A-la-hán thoái pháp:

Bồ-tát có hai loại: bậc thoái chuyển(34) và không thoái chuyển(35); giống như A-la-hán thoái pháp và bất thoái pháp. Bồ-tát bất thoái chuyển được gọi là thật Bồ-tát; vì có thật Bồ-tát nên các Bồ-tát khác dù thoái chuyển cũng đều được gọi là Bồ-tát. Ví như người chứng đắc bốn Thánh đạo được gọi là thật Tăng; vì có thật Tăng nên những người chưa chứng đạo cũng được gọi là Tăng(36).

Từ lý giải này cho thấy, bậc A-la-hán thoái pháp tuy được gọi là A-la-hán nhưng thực sự chưa đạt đến quả vị A-la-hán.

Đây cũng là điều mà luận thư A-tỳ-đạt-ma Đại Tỳ-bà-sa (阿毘達磨大毘婆沙論) đã lý giải về quá trình chuyển biến tâm thức và cả hành động của vị Tôn giả này, thông qua việc phân định sáu loại A-la-hán:

A-la-hán có sáu loại: Một, thoái pháp. Hai, tư pháp. Ba, hộ pháp. Bốn, an trụ pháp. Năm, kham đạt pháp. Sáu, bất động pháp. Trong sáu loại này, thoái pháp nghĩa là vị ấy chấp nhận thoái thất. Tư pháp nghĩa là, sau khi suy nghĩ, vị ấy cầm dao tự hại. Hộ pháp nghĩa là, vị ấy cẩn trọng và giữ gìn sự giải thoát. An trụ pháp nghĩa là, vị ấy không thoái thất và cũng không tiến lên. Kham đạt pháp nghĩa là, vị ấy có năng lực đạt đến bất động. Bất động pháp nghĩa là, vị ấy vốn đã đạt được tính bất động, hoặc do rèn luyện các căn mà đạt được bất động(37).

Từ sự lý giải này có thể thấy, tuy được gọi là sáu loại A-la-hán nhưng sáu loại này thực chất là sáu trạng thái tâm thức, sáu giai đoạn tu tập của Tỳ-kheo Cù-đê-ca. Cũng theo luận thư vừa nêu, đó là: nương theo tác dụng là kiến lập nên sáu loại danh hiệu A-la-hán (依六作用建立六種阿羅漢名). Và ở đây, một câu hỏi đặt ra là, Tỳ-kheo Cù-đê-ca sau khi đạt đến quả vị bất động, một tên gọi khác của quả vị A-la-hán, thì có còn thoái chuyển nữa không?

Lý giải về điều này, luận thư A-tỳ-đạt-ma Câu-xá thích luận ( 阿毘達磨俱舍釋論), đã giải thích:

[Tỳ-kheo] Tịnh Mạng Cù-đề-kha khi còn ở bậc hữu học, do nhiều lần nếm trải vị thiền định và do căn tánh chậm lụt, đã bị thoái chuyển từ trạng thái Thời giải thoát, sinh tâm đau buồn và hối hận, muốn từ bỏ thân mạng, cầm vũ khí tự hại mình. Vào lúc sắp lâm chung, thầy chứng đắc A-la-hán và lập tức nhập Niết-bàn. Vì vậy, Cù-đề-kha không phải thoái chuyển từ quả vị A-la-hán(38).

Như vậy, qua những nguồn tư liệu từ kinh điển cho đến Luận tạng, có thể khái quát rằng, Tỳ-kheo Cù-đề-kha (瞿提柯), gọi theo luận Câu-xá, hoặc Cù-đê-ca (瞿低迦, Godhika), gọi theo kinh Tạp A-hàm và kinh Tương ưng bộ đã trải qua một quá trình tu tập gồm hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, vị ấy chứng đạt giải thoát trong tạm thời. Do vì giải thoát trong tạm thời nên thỉnh thoảng bị thoái thất. Sau khi chứng đạt giải thoát tạm thời lần thứ bảy, sợ bị thoát thất một lần nữa, vị ấy đã dùng dao tự sát. Ở giai đoạn thứ hai, tức là trong thời khắc lâm chung, cụ thể là trước khi nhập Niết-bàn, Tôn giả đã chứng Thánh quả A-la-hán. Sự kiện ma Ba-tuần tìm kiếm thần thức của Tôn giả nhưng không thấy là một minh chứng cho trường hợp này(39).

Khẳng định này của luận thư cũng giống như điều được ghi nhận ở kinh Đại Bát-niết-bàn:

Lại có Tỳ-kheo tên là Cù-đê thoái chuyển sáu lần, thoái chuyển rồi hổ thẹn, lại tinh tấn tu tập, đến lần thứ bảy thì chứng đắc, chứng đắc rồi sợ mất nên dùng dao tự sát. Ta lại nói có hạng Thời giải thoát, hoặc nói có sáu hạng A-la-hán... Các đệ tử Ta nghe những lời này rồi, không hiểu ý Ta nên bảo rằng: “Như Lai khẳng định có thoái chuyển”.

Này người thiện nam! Trong kinh Ta nói: “Ví như đã cháy thành than thì không thể trở lại làm cây gỗ, cũng như bình đã vỡ thì sẽ không còn công dụng của bình; phiền não cũng vậy, A-la-hán đã đoạn dứt rồi thì chẳng bao giờ sinh khởi trở lại”(40).

4. Nhận định

Có những danh xưng trong Phật giáo mà để hiểu thực chất của chúng thì cần phải đặt trong một ngữ cảnh kinh điển nhất định. Có những sự kiện trong Tăng đoàn mà cách thức lý giải tùy thuộc vào góc độ tiếp cận của mỗi người. Tên gọi A-la-hán thoái pháp là một trong những trường hợp như vậy.

Xuất phát từ sự kiện tự sát của Tôn giả Cù-đê-ca, có lẽ do những trở ngại về thông tin, tư liệu và cũng có thể do chủ kiến của tông phái, nên nhiều bộ kinh điển và luận thư đã triển khai và diễn giảng về sự kiện này theo những khuynh hướng khác biệt. Cụ thể như phân chia ra sáu bậc A-la-hán hoặc chín bậc Vô học, trong đó có bậc A-la-hán thoái pháp.

Khảo từ thực tế kinh, luận cho thấy, sự phân chia đó dễ tạo nên một sự ngộ nhận, vì dựa trên hiện trạng của tâm, mức độ của giải thoát để dựng lập. Mặt khác, việc giải thích không rõ ràng về thuộc tính của tôn hiệu A-la-hán, đúng như tên gọi là Bất sanh (不生, anuppāda)(41), dễ tạo nên một cách hiểu chưa đúng về danh xưng A-la-hán thoái pháp.

Căn cứ theo lộ trình tu tập như Phật đã dạy, một Tỳ-kheo khi chưa giải thoát hoàn toàn thì việc thoái thất có thể diễn ra. Tuy nhiên, khi vị ấy đạt đến giải thoát hoàn toàn viên mãn, đã đạt đến bất động, thì không còn bất kỳ một sự thoái thất nào; như củi đã cháy thành tro than thì không thể khôi phục trở lại thành cây gỗ và cũng như bình đã vỡ thì không còn công dụng của bình.

Do vậy, từ những phân tích và dẫn chứng nêu trên, có thể khẳng định rằng: Không có bậc A-la-hán thoái pháp.

______________

(1)Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, Kinh Tương ưng bộ, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Hồng Đức, 2020, tr.656.

(2)Nguyên tác Hữu kết (有結, Bhavasamyọjana): Phiền não dẫn đến tái sinh, trói buộc vào tái sinh.

(3)Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, Kinh Tạp A-hàm, Trung tâm dịch thuật Trí Tịnh dịch, NXB.Hồng Đức, 2020, tr.70.

(4)Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, Kinh Tương ưng bộ, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Hồng Đức, 2020, tr.777.

(5)Tư pháp (思法): Theo A-tỳ-đàm tâm luận kinh 阿毘曇心論經 (T.028. 1551.3. 0851a03), là bậc trí tuệ và tinh tấn đều yếu, thường chán ghét thân thể, lòng thường mong muốn diệt trừ sự chết, thì sẽ thành tựu Tư pháp (若人軟智軟方T28n1551_p0851a04║便,常厭惡身,念欲壞滅彼死,成就思法).

(6)Thăng tấn pháp (昇進法): Theo A-tỳ-đàm tâm luận kinh 阿毘曇心論經 (T.028. 1551.3. 0851a07), là bậc không có nhiều lợi trí, nhưng rất siêng năng thì sẽ tiến tới Bất động (少利智極精進必能進至不動).

(7)Bất động pháp (不動法): Theo A-tỳ-đàm tâm luận kinh 阿毘曇心論經 (T.028. 1551.3. 0851a07), là bậc có tinh tấn và lợi trí rộng rãi, nên mới đạt được bất động, gọi là Bất động pháp (若T28n1551_p0851a08║利智廣精進,初得不動,是名不動法).

(8)Thoái pháp (退法): Theo Tạp A-Tỳ-đàm tâm luận 雜阿毘曇心論 (T.028. 1552.5. 0913c18), là bậc mới ở giai vị hữu học, không thường xuyên tinh tấn, không nỗ lực toàn diện nên gọi là Thoái pháp (若初學地不常方便不頓方便是名退法).

(9)Bất thoái pháp (不退法): Theo A-tỳ-đàm tâm luận kinh 阿毘曇心論經 (T.028. 1551.3. 0851a05), còn gọi là bậc Trụ pháp. Là bậc với trí tuệ trung bình và tinh tấn ở mức cân bằng, vị ấy ở trong đạo này không tiến không thoái, gọi là Trụ pháp (若中T28n1551_p0851a06║智等精進, 彼住此道不進不退,故名住法).

(10)Hộ pháp (護法): Theo A-tỳ-đàm tâm luận kinh 阿毘曇心論經 (T.028. 1551.3. 0851a04), là bậc tuy trí yếu kém nhưng tinh tấn tăng thượng, dùng sức tinh tấn để tự thủ hộ, gọi là hộ pháp (若軟T28n1551_p0851a05║智增上精進,以精進力自護,是名護法).

(11)Thật trụ pháp (實住法): Theo A-tỳ-đạt-ma Đại Tỳ-bà-sa luận 阿毘達磨大毘婆沙論(T.027. 1545.62. 0319c11), gọi là An trụ pháp, là bậc không thoái thất nhưng cũng không tiến tới (安住法者謂彼不退亦不昇進) .

(12)Tuệ giải thoát (慧解脫 - Pañnã̄vimuttā): Bậc Thánh A-la-hán, nhờ sức trí tuệ đoạn trừ phiền não mà được giải thoát. Tham chiếu M. 070: Thế nào là bậc tuệ giải thoát? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người, sau khi thân không chứng đắc các tịch tịnh giải thoát, vượt khỏi các sắc pháp và vô sắc pháp, và sau khi đã thấy với trí tuệ, các lậu hoặc của vị này được đoạn trừ hoàn toàn. Vị này như vậy được gọi là bậc Tuệ giải thoát. (HT.Thích Minh Châu dịch).

(13)Câu giải thoát (俱解脫 - ubhatobhāgavimuttā). Còn gọi là Câu phần giải thoát. Bậc Thánh A-la-hán. Tham chiếu M.070: Thế nào là bậc Câu phần giải thoát? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người, sau khi thân đã chứng đắc các tịch tịnh giải thoát, vượt khỏi các sắc pháp và vô sắc pháp, và sau khi đã thấy với trí tuệ, các lậu hoặc của vị này được đoạn trừ hoàn toàn. Vị này, này các Tỷ-kheo, được gọi là hạng người Câu phần giải thoát. (HT.Thích Minh Châu dịch).

(14)Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, Kinh Tạp A-hàm, Trung tâm dịch thuật Trí Tịnh dịch, NXB.Hồng Đức, 2020, tr.795.

(15)Xem, A-tỳ-đàm-tỳ-bà-sa luận 阿毘曇毘婆沙論 (T.028. 1546.39. 0289c11): Bậc vô học là A-la-hán và Bích chi Phật (無學人者,阿羅漢、辟支佛).

(16)Tọa thiền tam-muội kinh 坐禪三昧經 (T.015. 0614.2. 0280c06). Nguyên tác: 退法、不退法、死法、守法、住法、必知法、不壞法、慧脫、共脫.

(17)Tạng Đại chánh chú thích: Bản Nguyên, Minh ghi: Tăng-già-la-sát tạo, Pháp sư La Thập dịch vào đời Diêu Tần (僧伽羅剎造姚秦法師羅什譯).

(18)Căn bản thuyết Nhất thiết hữu bộ Ni-đà-na-mục-đắc-ca 根本說一切有部尼陀那目得迦 (T.024. 1452.2. 0422b24).

(19)Đại trí độ luận 大智度論 (T.025. 1509.32. 0301a12).

(20)A-tỳ-đạt-ma Đại Tỳ-bà-sa luận 阿毘達磨大毘婆沙論 (T.027. 1545.62. 0319c08)

(21)Tôn-bà-tu-mật Bồ-tát sở tập luận 尊婆須蜜菩薩所集論 (T.028. 1549.5. 0761b14).

(22)A-tỳ-đàm tâm luận 阿毘曇心論 (T.028. 1550.2. 0819c10).

(23)A-tỳ-đạt-ma câu-xá luận 阿毘達磨俱舍論 (T.029. 1558.25. 0129a24).

(24)Cù-đê-ca (瞿低迦, Godhikā). Xem thêm về vị Tỳ-kheo này tại Tạp. 雜 (T.02. 0099.1091. 0286a02); Biệt Tạp. 别 雜(T.002. 0100.30. 0382c09); kinhTương ưng bộ (S.4.23 - I.120).

(25)Cù-đê-ca (瞿低迦 - Godhika).

(26)Tiên nhân sơn, Hắc thạch thất (仙人山, 黑石室 - Isigili-passa, Kālasilā).

(27)Thời thọ ý giải thoát (時受意解脫 - Sāmayikaṃ cetovimuttiṃ), còn gọi Thời giải thoát (時解脫): Chỉ cho tâm giải thoát nhất thời, giải thoát trong tạm thời, chưa phải là giải thoát hoàn toàn, chưa phải là giải thoát rốt ráo.

(28)Theo, Tạp A-tỳ-đàm tâm luận雜阿毘曇心論 (T.028. 1552.05. 0912a15), bậc A-na-hàm có sáu loại, gồm Thoái pháp chủng tánh, Tư pháp, Hộ pháp, Trụ pháp, Thăng tấn pháp và Bất động pháp chủng tánh (謂退法種性, 思法, 護法, 住法, 昇進法, 不動法種性).

(29)Theo, Thanh tịnh kinh 清淨經 (T.001. 0001.17. 0075b16), một bậc A-la-hán không làm chín việc mà điều đầu tiên là không giết hại (一者不殺). Theo kinh, nếu như Tôn giả Cù-đê-ca tự sát thì trước thời điểm này Tôn giả chưa phài là bậc A-la-hán.

(30)Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, Kinh Tạp A-hàm, Trung tâm dịch thuật Trí Tịnh dịch, NXB.Hồng Đức, 2020, tr.1190.

(31)Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, Kinh Tương ưng bộ, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Hồng Đức, 2020, tr.142-143.

(32)Câu-xá luận ký 俱舍論記 (T.041. 1821.25. 0371c24). Nguyên tác: 恒時愛護所證得法, 故名時愛; 及心解脫煩惱縛故, 名心解脫. 具斯二義, 名時愛心解脫… 此時愛心解脫, 亦說名為時解脫者, 以要待時方能入定及能解脫煩惱縛故, 具此二義名時解脫.

(33)Đại trí độ luận 大智度論 (T.025. 1509.3. 0081a24). Nguyên tác: 復次, 是五千阿羅漢, 應不退法, 得無生智, 以是故言「心得好解脫, 慧得好解脫」, 不退故. 退法阿羅漢得時解脫, 如劬提迦等, 雖得解脫, 非好解脫, 以退法故.

(34)Nguyên tác Tỳ-bạt-trí (鞞跋致), dịch âm từ vivartya, nghĩa là thoái chuyển.

(35)Nguyên tác A-tỳ-bạt-trí (阿鞞跋致), dịch âm từ Vaivartika, nghĩa là không thoái chuyển.

(36)Đại trí độ luận 大智度論 (T.025. 1509.3. 0081a24). Nguyên tác: 是菩提薩埵有兩種: 有鞞跋致, 有阿鞞跋致; 如退法, 不退法阿羅漢. 阿鞞跋致菩提薩埵, 是名實菩薩; 以是實菩薩故, 諸餘退轉菩薩皆名菩薩. 譬如得四道人, 是名實僧; 以實僧故, 諸未得道者皆得名僧.

(37)A-tỳ-đạt-ma Đại Tỳ-bà-sa luận 阿毘達磨大毘婆沙論 (T.027. 1545.62. 0319c08). Nguyên tác: 阿羅漢有六種. 一退法. 二思法. 三護法. 四安住法. 五堪達法. 六不動法. 此中退法者謂彼應退思法者謂彼思已持刀自害. 護法者謂彼殷重守護解脫. 安住法者謂彼不退亦不昇進. 堪達法者謂彼堪能達至不動. 不動法者謂彼本得不動種性. 或由練根而得不動.

(38)A-tỳ-đạt-ma Câu-xá thích luận 阿毘達磨俱舍釋論 (T.029. 1559.18. 0281c03). Nguyên tác: 淨命瞿提柯在學位中, 由數數噉定味故, 由根鈍故, 從依時解脫退墮, 生憂悔心, 欲捨身命, 執仗自害. 於將死時得阿羅漢, 即般涅槃, 是故瞿提柯非退阿羅漢果.

(39)Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, Kinh Tương ưng bộ, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Hồng Đức, 2020, tr. 144: Và này các Tỷ-kheo, thiện nam tử Godhika đã nhập diệt, với thức không an trú ở đâu cả. Trường hợp Tỳ-kheo Vakkali dùng dao tự sát cũng tượng tự như vậy. Xem thêm Kinh Tương ưng bộ, (S.22.87-III.119). Chi tiết tại: Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, Kinh Tương ưng bộ, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Hồng Đức, 2020, tr.601-605: Nhưng này các Tỳ-kheo, với thức không an trú tại một chỗ nào, thiện nam tử Vakkali đa nhập Niết-bàn một cách hoàn toàn.

(40)Đại Bát-niết-bàn kinh 大般涅槃經 (T.012. 0375.31. 0813b06). Nguyên tác: 復有比丘名曰瞿坻, 六返退失; 退已慚愧, 復更進修, 第七即得; 得已恐失, 以刀自害. 我復或說有時解脫, 或說六種阿羅漢等. 我諸弟子聞是說已, 不解我意, 唱言: 如來定說有退. 善男子! 經中復說: 譬如焦炭不還為木, 亦如瓶壞更無瓶用; 煩惱亦爾, 阿羅漢斷, 終不還生.

(41)Đại trí độ luận 大智度論 (T.025. 1509.2. 0071b26) định nghĩa: A, gọi là Bất, La-ha, gọi là sanh, vì vậy gọi là Bất sanh (阿,名不,羅呵, 名生,是名不生).

Chúc Phú/Nguyệt san Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/co-hay-khong-bac-a-la-han-thoai-phap-post74450.html