Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu

Có khoảng 200 đoàn quốc tế từ 30 quốc gia, vùng lãnh thổ sẽ đến Việt Nam tham dự sự kiện 'Vietnam International Sourcing 2023' được tổ chức vào trung tuần tháng 9 tới. Đó là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu Việt Nam được gặp trực tiếp các nhà nhập khẩu, đại diện các kênh phân phối lớn của thế giới, để chào bán sản phẩm của mình.

Hệ thống doanh nghiệp bán lẻ đang phát triển nhanh. Ảnh: Quang Vinh.

Hệ thống doanh nghiệp bán lẻ đang phát triển nhanh. Ảnh: Quang Vinh.

Cơ hội tiếp cận với các “ông lớn” ngành bán lẻ

Theo thông tin từ Bộ Công thương, có khoảng 200 đoàn quốc tế từ 30 quốc gia, vùng lãnh thổ sẽ đến sự kiện “Vietnam International Sourcing 2023”, để thu mua, tìm bạn hàng, đối tác, đơn hàng. Dự kiến các đơn vị bán lẻ hàng đầu thế giới như Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Walmart, Amazon, Boeing, AES (Hoa Kỳ); Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico)... sẽ có mặt tại Việt Nam để tìm kiếm nguồn hàng. Như vậy sự kiện sắp tới là “cơ hội vàng” để các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu Việt Nam được gặp trực tiếp các nhà nhập khẩu, đại diện các kênh phân phối lớn của thế giới, để chào bán sản phẩm của mình.

Trong những năm gần đây, với sự hỗ trợ của các tập đoàn phân phối bán lẻ hàng đầu thế giới, các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam, từ nông sản, thực phẩm tới đồ gia dụng, nội thất, dệt may,…đã tới tay hàng triệu người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối trải khắp trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, theo lời khuyên của chính các đơn vị bán lẻ hàng đầu này, để doanh nghiệp (DN) Việt Nam có thể gia nhập vào chuỗi giá trị trị giá hàng tỷ USD, DN cần xây dựng chiến lược với mục tiêu dài hạn, giải pháp cho chuỗi cung ứng và logistics, năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm.

Đại diện của Walmart cũng chia sẻ những yếu tố quan trọng nhất khi đánh giá nhà cung cấp tại Việt Nam đó chính là năng lực, khả năng cung ứng, sự ổn định về tài chính, phát triển bền vững và tuân thủ cam kết về môi trường.

Hay như đại diện Aeon cho biết, một số lĩnh vực mà Aeon mong muốn tìm đối tác bao gồm: nông sản (bao gồm hàng tươi, sấy, hàng đông lạnh, hàng chế biến); các chế phẩm từ giấy (giấy vệ sinh, giấy ăn, giấy lau...); đồ dùng nhà bếp sản xuất từ nhựa; dép đi trong nhà... Mục tiêu chính của đoàn thu mua là tìm kiếm các DN sản xuất tại Việt Nam có năng lực và đáp ứng các tiêu chí, quy chuẩn của Aeon để trở thành đối tác cung ứng bền vững không chỉ tại Việt Nam mà còn trong hệ thống Aeon TopValu toàn cầu. Đoàn cũng sẽ có các hoạt động đi thăm vùng nguyên liệu, vùng trồng, nhà máy sản xuất...

Một điều tích cực dễ nhận thấy là, qua các nhà phân phối bán lẻ lớn nhất như Walmart, Aeon, Central Retail, Mega Market... tỷ lệ hàng Việt Nam được bán tại các nước ngày càng nâng lên, cho thấy Việt Nam là nguồn cung quan trọng cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặt trong bối cảnh xuất khẩu có chiều hướng chững lại, thì việc xuất khẩu hàng Việt qua các kênh bán lẻ là cách tiếp cận mới để tham gia sân chơi quốc tế.

Nâng cao tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu

Theo nhìn nhận từ giới chuyên gia, từ nhiều năm nay, xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối hiện đại được coi là hình thức xuất khẩu hiệu quả, bền vững được nhiều DN theo đuổi. Tuy nhiên, để các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam thâm nhập được vào hệ thống phân phối của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, từ đó phục vụ người tiêu dùng trong nước cũng như có thể xuất khẩu ra nước ngoài, trước hết phải đảm bảo về chất lượng, mẫu mã cũng như thị hiếu.

Chính vì vậy, DN xuất khẩu cần phối hợp rất kỹ với các tập đoàn phân phối có thể mở những vùng nguyên liệu đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng. Đồng thời phải đáp ứng được yêu cầu của các thị trường mà DN xuất khẩu Việt Nam đang muốn nhắm tới.

Để giúp các DN Việt Nam chủ động nắm bắt cơ hội, đón đầu làn sóng chuyển dịch thu mua hàng hóa của các nhà nhập khẩu quốc tế trong thời gian tới, ông Trần Ngọc Quân - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ đưa ra lời khuyên xu hướng chung của các nhà nhập khẩu tại châu Âu, dù là thực phẩm chế biến, nông, thủy sản hay hàng may mặc, da giày… thì đều ngày càng hướng đến các tiêu chuẩn của châu Âu, như các chương trình xanh hóa, sản phẩm thân thiện môi trường, giảm phát thải; tăng cường trách nhiệm xã hội, trách nhiệm môi trường…

“Điều này đã tác động tới xu hướng thu mua của các nhà nhập khẩu. Họ không còn đơn thuần đi mua hàng như trước, mà bắt đầu đồng hành với DN sản xuất để tạo một chuỗi, đáp ứng các tiêu chuẩn của EU, đảm bảo có một chuỗi sản xuất và cung ứng bền vững” - ông Quân nói.

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cũng cho rằng các thị trường xuất khẩu ngày càng nâng cao tiêu chuẩn xanh. DN xuất khẩu cần nhanh chóng đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh này để có được lợi thế cạnh tranh, trước khi các quốc gia xuất khẩu khác vượt lên trước.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng ngoài việc sản phẩm cần có chất lượng, thì DN tham gia cung ứng hàng cho các tập đoàn bán lẻ lớn còn cần yếu tố bổ trợ như ổn định trong sản xuất, an toàn trong chế biến lưu thông, chữ tín trong cam kết. Có các yếu tố này, DN sẽ thuận lợi trong đàm phán và giữ đối tác lâu dài. Do đó, các DN cần dành thời gian nghiên cứu, phân tích thị trường chuỗi bán lẻ ở các thị trường mình hướng tới để xác định rõ sản phẩm hướng tới phân khúc tiêu dùng nào, sản phẩm cần đạt tiêu chuẩn kỹ thuật tại thị trường.

H.Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/co-hoi-day-manh-xuat-khau-5725804.html