Cơ hội để du lịch Nam Định 'cất cánh'

Nằm ở khu vực trung tâm phía Nam vùng đồng bằng sông Hồng, Nam Định là địa phương có nhiều lợi thế trong việc phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, có tính liên hoàn, kết nối nhiều hình thức vận tải gồm: đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển, đường sắt, tạo điều kiện thuận lợi để liên kết phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch đặc thù.

Du khách quốc tế tham quan, trải nghiệm các gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm văn hóa đặc sắc vùng miền tại Nam Định.

Du khách quốc tế tham quan, trải nghiệm các gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm văn hóa đặc sắc vùng miền tại Nam Định.

Những năm gần đây, tỉnh đã hoàn thành, đưa vào khai thác một số công trình trọng điểm như: tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn I); cụm công trình kênh Nghĩa Hưng (Đáy - Ninh Cơ); tỉnh lộ 487B, 488C... Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án: xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển; xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn II); xây dựng cầu qua sông Đào; xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định; xây dựng đường trục phía Nam thành phố Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B)...; hoàn thiện các quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng: Dự án xây dựng tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua các tỉnh: Nam Định, Thái Bình. Những dự án giao thông đang được khẩn trương triển khai, những “cung đường mùa xuân” đã mang đến luồng sinh khí mới, niềm vui mới khi diện mạo quê hương ngày càng khởi sắc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và thu hút khách du lịch.

Thực tế cho thấy, việc đưa vào sử dụng các dự án giao thông huyết mạch có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Nam Định, tăng tính kết nối giữa các vùng kinh tế trong tỉnh và các địa phương trong khu vực. Giao thông được ví như “mạch máu” của nền kinh tế và là một phần không thể thiếu của ngành Du lịch; là “sợi dây” kết nối các hoạt động du lịch. Hệ thống giao thông thuận tiện, đồng bộ, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại là “đòn bẩy” để du lịch phát triển bền vững. Các tuyến đường được xây dựng, nâng cấp, mở rộng, đã tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, phát huy hiệu quả các dự án du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, mở ra các tuyến du lịch mới hấp dẫn du khách.

Tỉnh đã xác định phát triển các tuyến du lịch theo các hành lang kinh tế của tỉnh gồm: tuyến dọc theo Quốc lộ 10 kết nối các điểm đến du lịch, tiêu biểu là Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Trần - Chùa Phổ Minh (thành phố Nam Định) - Quần thể di tích Phủ Dầy (Vụ Bản) - làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên, đúc đồng Tống Xá, sơn mài Cát Đằng (Ý Yên); tuyến dọc theo Quốc lộ 21 tham quan các điểm đến du lịch như Bảo tàng tỉnh, Cột cờ Nam Định, Công viên Vị Xuyên, Tượng đài Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định) - làng nghề cây cảnh Vị Khê, múa rối nước làng Rạch (Nam Trực) - Chùa Cổ Lễ (Trực Ninh) - Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh (Xuân Trường). Bên cạnh đó, một số tuyến du lịch mới đang dần được hình thành khi những dự án hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng, hoàn thành gồm: tuyến theo hành lang đường bộ ven biển kết nối các điểm đến du lịch biển Rạng Đông (Nghĩa Hưng) - biển Thịnh Long (Hải Hậu) - Vườn quốc gia Xuân Thủy, biển Quất Lâm (Giao Thủy) và hệ thống các nhà thờ độc đáo tại các huyện ven biển; tuyến dọc theo hành lang Cao Bồ - Rạng Đông tham quan các điểm đến du lịch làng nghề sơn mài Cát Đằng (Ý Yên) - làng nghề làm nón Nghĩa Châu, biển Rạng Đông (Nghĩa Hưng); tuyến dọc theo cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình kết nối một số điểm đến du lịch Chùa Cổ Lễ, làng ươm tơ Cổ Chất (Trực Ninh) - Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh, di tích quốc gia đặc biệt Chùa Keo Hành Thiện, hệ thống các nhà thờ (Xuân Trường) - Bảo tàng Đồng quê (Giao Thủy); tuyến du lịch đường thủy nội địa dọc theo sông Hồng, sông Đáy, sông Đào, sông Ninh Cơ; tuyến du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn gắn với tham quan các xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Không chỉ kết nối du lịch nội tỉnh, hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ còn là “chìa khóa” kết nối các tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng từ Nam Định - Hà Nội - các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng, vùng duyên hải Bắc Bộ, cả nước và quốc tế theo các tuyến đường bộ, đường thủy, đường sắt... Một số tuyến du lịch liên tỉnh tiêu biểu như: tuyến Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình; tuyến Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh; tuyến du lịch lễ hội - tâm linh: Chùa Hương (Hà Nội) - Chùa Tam Chúc, Đền Trần Thương (Hà Nam) - Chùa Bái Đính (Ninh Bình) - Đền Trần, Phủ Dầy (Nam Định) - Đền Trần, Chùa Keo (Thái Bình) - Khu du lịch Yên Tử (Quảng Ninh); tuyến du lịch tham quan, tìm hiểu di tích lịch sử - văn hóa theo các triều đại lịch sử Việt Nam: Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn; tuyến du lịch tham quan các làng nghề, làng Việt cổ; tuyến du lịch, du khảo, trải nghiệm đồng quê; tuyến du lịch tham quan phố cổ Hà Nội - Hải Phòng - Nam Định; tuyến du lịch biển, đảo ở các tỉnh ven biển; tuyến du lịch khám phá vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển: Vườn quốc gia Cát Bà (Hải Phòng) - Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) - Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà (Hải Phòng) - Khu dự trữ sinh quyển vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Với những hiệu ứng tích cực từ sự quan tâm, đầu tư xây dựng hệ thống giao thông tạo điều kiện phát triển kinh tế du lịch, năm 2024, tỉnh đón khoảng 1,865 triệu lượt khách, tăng 5,2% so với năm 2023. Doanh thu xã hội từ hoạt động du lịch dịch vụ ước đạt 560 tỷ đồng, tăng 4,7% so với năm 2023. Đặc biệt, trong năm 2024, lần đầu tiên tỉnh Nam Định tham gia và tổ chức thành công gian hàng xúc tiến du lịch tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế tham quan. Hoạt động nhằm quảng bá hình ảnh, giới thiệu điểm đến du lịch, những giá trị di sản văn hóa, sản phẩm làng nghề truyền thống, trưng bày, giới thiệu một số đặc sản tiêu biểu, sản phẩm OCOP đặc sắc của quê hương; trưng bày các ấn phẩm, tờ rơi, tập gấp du lịch Nam Định; hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch của tỉnh quảng bá sản phẩm; cung cấp thông tin về thị trường du lịch Nam Định cho các doanh nghiệp đầu tư trong nước, quốc tế.

Thời gian tới, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên địa bàn tỉnh Nam Định đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Phủ Lý (Hà Nam) - Nam Định, cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng. Quy hoạch mạng lưới quốc lộ trên cơ sở rà soát và kế thừa các quy hoạch đã được phê duyệt và triển khai gồm các Quốc lộ 10, 21, 21B, 37B, 38B, 37C, 39B. Quy hoạch các tuyến đường tỉnh đến năm 2030 gồm 14 tuyến. Đề xuất xây dựng các tuyến đường mới: Tỉnh lộ 484 (tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển); đường ra Trạm kiểm soát biên phòng Cồn Lu, Đồn Biên phòng Ba Lạt… Ngoài ra, đề xuất nâng cấp một số đường huyện lên đường tỉnh; xây dựng 3 đường vành đai thành phố Nam Định và xây dựng hệ thống đường huyện, quy hoạch bến, bãi đỗ xe. Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định phương án phát triển các cảng thủy nội địa tỉnh thời kỳ 2021-2030; trong đó có 7 cảng hành khách trên sông Hồng, sông Đào, sông Vọp với công suất dự kiến từ 30-100 nghìn hành khách/năm. Chú trọng xây dựng, nâng cấp các tuyến đường sắt Bắc - Nam; nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt ven biển Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh…

Hạ tầng giao thông và cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, khang trang, những hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được tích cực triển khai đã từng bước định vị du lịch Nam Định trên bản đồ du lịch Việt Nam. Đây là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy giao lưu, hợp tác phát triển du lịch ngày càng mở ra cơ hội để du lịch Nam Định “cất cánh”.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202502/co-hoi-de-du-lich-nam-dinh-cat-canh-7be571a/