Cơ hội để giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu ''đang nhanh chóng đóng lại''
Thế giới đang chệch hướng trong việc giảm hiện tượng nóng lên toàn cầu là cảnh báo của Liên hợp quốc hôm 8-9, đồng thời kêu gọi hành động nhiều hơn để loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015 .
Trong Báo cáo kiểm kê toàn cầu đầu tiên, tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh cho biết: “Thỏa thuận Paris đã thúc đẩy hành động khí hậu gần như toàn cầu bằng cách đặt ra các mục tiêu và gửi tín hiệu tới thế giới về tính cấp thiết của việc ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu. Trong khi, hành động cần nhiều nỗ lực hơn nữa trên tất cả các mặt trận”.
Cơ quan này cho biết thêm: “Cánh cửa cơ hội để đảm bảo một tương lai đáng sống và bền vững cho tất cả mọi người đang nhanh chóng đóng lại”.
Gần 200 quốc gia đã nhất trí trong hội nghị thượng đỉnh Paris năm 2015 để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức không quá 2 độ C so với mức tiền công nghiệp, đồng thời cam kết phấn đấu hạn chế mức tăng ở 1,5 độ C.
Tuy nhiên, Liên hợp quốc nhận định, các cam kết hiện tại nhằm cắt giảm lượng khí thải do đốt nhiên liệu hóa thạch là không đủ để hạn chế sự nóng lên toàn cầu và nêu rõ cần phải giảm thêm hơn 20 tỷ tấn khí thải carbon trong thập kỷ này.
Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cam kết loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, kêu gọi các nước cắt giảm 67-92% sử dụng than vào năm 2030.
Báo cáo là kết quả đánh giá kéo dài 2 năm về các mục tiêu của Thỏa thuận Paris, sẽ là cơ sở cho các cuộc đàm phán tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai (UAE) vào cuối năm nay.
Liên hợp quốc cũng kêu gọi đặt ra các mục tiêu đến năm 2030 để mở rộng năng lượng tái tạo và đảm bảo rằng, hệ thống tài chính có thể tài trợ cho các hành động về khí hậu cũng như hỗ trợ thích ứng và khắc phục thiệt hại.
Giám đốc khí hậu của Liên hợp quốc Simon Stiell cho biết: “Chúng tôi biết rằng, gánh nặng ứng phó thuộc về 20 quốc gia”, đề cập đến các quốc gia thuộc Nhóm 20 chiếm khoảng 80% lượng khí thải toàn cầu. Trong đó, Trung Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu và Ấn Độ đóng góp hơn một nửa tổng lượng khí thải.