Cơ hội để Việt Nam thu hút đầu tư đổi mới công nghệ

Trong bối cảnh những xung đột về kinh tế, địa chính trị trên thế giới đang diễn ra phức tạp, khó lường; các động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống đang gặp khó khăn; chuỗi cung ứng toàn cầu đối mặt rủi ro đứt gãy, việc chuyển dịch chuỗi cung ứng sang các nước có môi trường kinh doanh ổn định, thuận lợi như Việt Nam đang là xu hướng của nhiều công ty đa quốc gia.

Tham gia và phát triển trong các chuỗi giá trị

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các công ty đa quốc gia có cam kết về môi trường cấp độ toàn cầu, khi đầu tư vào Việt Nam mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước có mô hình kinh doanh bền vững tham gia chuỗi cung ứng, đồng thời cũng thúc đẩy chính các doanh nghiệp trong nước khác đẩy nhanh việc chuyển đổi sang mô hình kinh doanh xanh hơn, bền vững hơn để có thể tiếp cận, tham gia, trụ vững và phát triển trong các chuỗi giá trị.

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra quá trình tái cấu trúc và chuyển dịch, những con số về thu hút và thực hiện vốn đầu tư nước ngoài 6 tháng đầu năm 2024 là khá tích cực (tính đến 20/6/2024, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1%; vốn thực hiện ước đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023). Không chỉ về con số mà theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã có sự cải thiện đáng kể về chất lượng các dự án đầu tư, khi nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic…), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng… đã được đầu tư mới và mở rộng vốn.

Theo đánh giá hiện tại của nhiều tổ chức tài chính trong và ngoài nước, triển vọng thu hút FDI năm nay của Việt Nam sẽ giữ nhịp độ tích cực nhờ 3 yếu tố cốt lõi: Vai trò quan trọng và ngày càng được củng cố của Việt Nam trong chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất đa quốc gia; Tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực hơn trong năm nay; Kinh tế vĩ mô ổn định.

FDI gắn với giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái (FDI xanh) đang được nhiều nước quan tâm. Thu hút được các dự án FDI xanh sẽ có cơ hội đón nhận các công nghệ ít tiêu tốn năng lượng, nhiên liệu, công nghệ thân thiện với môi trường. Điều đó vừa tăng được lợi ích kinh tế quốc gia vừa đảm bảo được môi trường. Với Việt Nam, điều này cũng phù hợp với chủ trương chuyển từ thu hút FDI theo “chiều rộng” sang thu hút theo “chiều sâu”, như tinh thần tại Nghị quyết số 50-NQ/TW/2019 của Bộ Chính trị (về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030) và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050 (Quyết định số 1658/QĐ-TTg).

Cần ưu tiên thu hút các dự án FDI sử dụng công nghệ cao, công nghệ nguồn

Cần ưu tiên thu hút các dự án FDI sử dụng công nghệ cao, công nghệ nguồn

Để làm được điều này, PGS.TS. Tạ Văn Lợi, Hiệu trưởng Trường Kinh doanh, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, một mặt cần sớm hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng ưu tiên thu hút các dự án FDI sử dụng công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ thân thiện với môi trường có giá trị gia tăng tính chuyển giao công nghệ cao, đồng thời có tính lan tỏa, kết nối với các khu vực kinh tế trong nước, chuỗi sản xuất và cung ứng khu vực, toàn cầu. Mặt khác, cần tiếp tục sửa đổi cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút FDI có chọn lọc vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là điện tử, bán dẫn, năng lượng tái tạo và lĩnh vực công nghệ cao. Việc sửa đổi các cơ chế chính sách này phải đảm bảo không trái với các quy định và cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích giữa các nhà đầu tư và Nhà nước, và đối xử công bằng giữa các nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài.

Cần khắc phục những điểm nghẽn

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Việt Nam phải tích cực khắc phục một số điểm nghẽn hiện nay, trong đó có việc rà soát các thủ tục để đơn giản hóa hơn và rút ngắn thời gian xử lý, nhất là các thủ tục sau cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Khẩn trương chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao; Khắc phục tình trạng thiếu điện cục bộ tại một số địa phương tập trung nhiều dự án công nghiệp điện tử…

Trong nỗ lực hoàn thiện cơ chế chính sách, một trong những quy định được đánh giá cao gần đây là cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (Nghị định số 80/2024/NĐ-CP ngày 3/7/2024). Theo Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, chính sách mới này sẽ cho phép các doanh nghiệp ở Việt Nam mua điện trực tiếp từ các công ty tư nhân sản xuất năng lượng tái tạo, giúp họ có thể sử dụng 100% năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu hoạt động của doanh nghiệp. Điều này giúp Việt Nam thu hút đầu tư tư nhân vào năng lượng tái tạo, đồng thời đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp đang tìm kiếm giải pháp đưa năng lượng tái tạo vào sử dụng cho hoạt động của doanh nghiệp và đạt được các mục tiêu giảm phát thải.

Nhân lực cũng là vấn đề rất quan trọng bởi hiện nay, việc thu hút đầu tư nước ngoài bằng việc miễn giảm thuế không còn hiệu quả khi thuế tối thiểu toàn cầu 15% đã được áp dụng. Cùng với đó, lợi thế tận dụng lao động rẻ và thời kỳ dân số vàng cũng sớm qua đi rất nhanh. “Nên chú trọng thu hút FDI bằng nhân lực chất lượng cao, bằng sự minh bạch, công bằng sẽ đảm bảo cải thiện vị thế tham gia của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, PGS.TS. Tạ Văn Lợi nhận định.

Cũng theo PGS.TS. Tạ Văn Lợi, điều này có thể được thực hiện thông qua việc tạo điều kiện để các khóa học ngắn hạn có cấp chứng chỉ được chấp nhận chính thức và phổ biến rộng rãi. Hiện nay nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới (Meta, Google…) đã chấp nhận những khóa học ngắn hạn có cấp chứng chỉ do chính các trường đại học hay tập đoàn lớn tổ chức. Đây là giải pháp hữu hiệu để giải quyết nhu cầu nhân lực cấp thiết trong ngắn hạn. Hiện nay ở thị trường Việt Nam nhiều công ty công nghệ cũng đã bắt đầu tuyển dụng nhân sự dựa trên những chứng chỉ ngắn hạn cho một vài ngành nghề đặc thù như marketing, phát triển phần mềm, phân tích xử lý dữ liệu. Các khóa học ngắn hạn cũng giúp học sinh, sinh viên hiểu rõ hơn về ngành nghề trước khi có sự đầu tư dài hạn.

Dài hạn hơn, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cần bám sát chiến lược phát triển kinh tế toàn diện với tầm nhìn dài hạn để đạt được sự phát triển bền vững. Đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi đặc thù cho đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghệ cao, đặc biệt là ngành công nghiệp bán dẫn, công nghiệp năng lượng, công nghiệp sinh học, công nghiệp vật liệu mới và nano, công nghiệp chế tạo và tự động hóa. Trong đó, cần tạo sự đột phá về chính sách đãi ngộ, tiền lương linh hoạt theo tiêu chí tài năng và hiệu quả đóng góp cho xã hội; tạo môi trường làm việc thuận lợi và cơ hội thăng tiến, tôn vinh những tài năng, dám nghĩ, dám làm và dám đổi mới.

Đỗ Lê

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/co-hoi-de-viet-nam-thu-hut-dau-tu-doi-moi-cong-nghe-153518.html