Dám nghĩ, dám làm sẽ thành công

Gắn sao OCOP cho món bánh truyền thống

Trong căn nhà nhỏ, bên nồi bánh gio đang sôi trên bếp tỏa hương thơm dịu, chị Lộc Thị Chanh, Giám đốc HTX bánh gio Bắc Kạn ở xã Nông Thượng (TP. Bắc Kạn) vừa thoăn thoắt gói bánh, vừa kể cho chúng tôi về hành trình khởi nghiệp từ bánh gio của mình. Chị Chanh chia sẻ: "Nhớ ngày còn bé kinh tế gia đình khó khăn, gạo ăn còn không đủ, vì thế muốn được ăn bánh gio thì phải đợi các ngày lễ, Tết truyền thống của dân tộc trong năm mới có cơ hội để thưởng thức. Sau này, nhìn thấy loại bánh này cũng có bán ở chợ, tôi nghĩ tại sao mình không thử làm bánh để bán trên các trang mạng xã hội cho các thực khách trong và ngoài tỉnh, để quảng cáo món bánh đặc sản của dân tộc mình".

Nhận thấy có rất nhiều người yêu thích món bánh truyền thống của địa phương mình và phản hồi của khách hàng về sản phẩm khá tốt, cộng thêm luôn ấp ủ ước mơ trong mình được lập nghiệp và làm giàu trên mảnh đất quê nhà, chị Lộc Thị Chanh đã không ngừng nỗ lực học tập, nghiên cứu, tìm tòi, thử nghiệm nhiều công thức làm bánh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho bản thân, gia đình và người dân địa phương.

 Sản phẩm bánh gio của HTX bánh gio Bắc Kạn đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh từ năm 2022.

Sản phẩm bánh gio của HTX bánh gio Bắc Kạn đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh từ năm 2022.

Do khai thác được lợi thế sẵn có từ nguồn nguyên liệu của địa phương (cây chít mọc khắp nương rẫy, nếp nương có sẵn, nguồn nguyên liệu gio từ các xưởng bóc đốt phần gỗ thừa), truyền thống làm bánh gio của gia đình và chặt chẽ trong các khâu lựa chọn nguyên liệu nên bánh của chị Chanh luôn có độ dẻo, trong, thơm, được người tiêu dùng ưa chuộng.

 Dám nghĩ, dám làm chị Chanh bước đầu đã khởi nghiệp thành công.

Dám nghĩ, dám làm chị Chanh bước đầu đã khởi nghiệp thành công.

Năm 2017, từ cơ sở nhỏ lẻ chị đã thành lập HTX, lượng bánh cũng nhiều hơn. Chị bắt đầu kêu gọi các chị em trong thôn, bản cùng làm và được mọi người tin tưởng đồng hành. Đến năm 2022, chị đã thành công đưa sản phẩm bánh gio của HTX đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình HTX phát triển, chị Lộc Thị Chanh tâm sự: "Khi mới thành lập, tôi không được gia đình ủng hộ, vì nghĩ phương án mở rộng thị trường và vốn để đầu tư vào gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của bản thân, dần dần mọi người đã thay đổi quan niệm và đồng hành cùng tôi".

HTX bánh gio Bắc Kạn hiện có 09 thành viên chủ yếu là người Tày, người Dao, lao động thường xuyên có 12-15 người tùy từng thời điểm, thu nhập bình quân 7-9 triệu đồng/tháng. Trung bình mỗi ngày HTX sản xuất từ 3.000 - 5.000 chiếc bánh gio; vào các dịp lễ, Tết thì số lượng bánh đạt hơn 10.000 chiếc bánh/ngày. Hiện nay, bánh của HTX đã có mặt ở các siêu thị, các cửa hàng thực phẩm, nông sản sạch; thị trường mở rộng từ Bắc vào Nam và nhiều khách hàng đặt bánh mang ra nước ngoài. Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, HTX đã mở thêm chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Doanh thu mỗi năm đạt khoảng 3 tỷ đồng.

Bên cạnh việc sản xuất bánh tại HTX, chị Chanh còn sẵn sàng hỗ trợ cho các hộ gia đình đang muốn phát triển kinh tế theo hướng kinh doanh sản xuất bánh gio; tạo việc làm, tăng thu nhập cho các bạn trẻ...

Nói về HTX Bánh gio Bắc Kạn, anh Vy Văn Giang, Bí thư Đoàn xã Nông Thượng (TP. Bắc Kạn) cho biết: "Đoàn cơ sở đánh giá rất cao tinh thần quyết tâm khởi nghiệp của chị Lộc Thị Chanh. Điều này khẳng định khát vọng vươn lên của nữ thanh niên người dân tộc thiểu số. Mặc dù con đường khởi nghiệp phía trước vẫn còn thử thách, nhưng chị Chanh không ngại khó, ngại khổ vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên mảnh đất quê hương".

Năm 2023, chị Lộc Thị Chanh vinh dự là một trong 420 thanh niên toàn quốc được tuyên dương "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác" toàn quốc lần thứ VII, do Trung ương Đoàn tổ chức.

Cô gái Dao Tiền “vẽ lối đi” trên thổ cẩm

Trong dòng chảy hối hả của cuộc sống, có một cô gái trẻ âm thầm chắt chiu, góp nhặt, gắn bó với nghệ thuật thêu truyền thống để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc. Đó là chị Bàn Thị Hường (sinh năm 1996) ở tiểu khu Tân Ý II, thị trấn Vân Tùng (Ngân Sơn).

Trước hiên ngôi nhà nhỏ, ánh mắt chăm chú, bàn tay khéo léo của của chị Hường và những người phụ nữ người Dao Tiền thêu dệt nên những sản phẩm thổ cẩm đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Như những cô gái Dao Tiền khác, từ lúc 7-8 tuổi, chị Hường đã được mẹ truyền dạy, hướng dẫn cách thêu. Từ đó, tình yêu với nghề thêu của dân tộc đã được nhen nhóm, hình thành. Cô đã tự mình tạo ra những sản phẩm dệt, đặc biệt là tiếp thu, sáng tạo được những hoa văn mới, những mặt hàng thổ cẩm có tính ứng dụng.

Chị Hường chia sẻ: "Bắt đầu từ năm 2016, lúc đang học đại học năm thứ Nhất tôi bắt đầu làm các bản thêu để cung cấp cho các những cơ sở chuyên làm đồ thổ cẩm. Sau đó, tôi nhận thấy nhiều người thích họa tiết thổ cẩm nhưng sản phẩm phải hiện đại và sang trọng, mang tính ứng dụng cao, phù hợp với số tiền họ bỏ ra, nhưng thị trường lại ít có nơi làm được điều đó. Nên tôi quyết định đầu tư máy may và sử dụng hoa văn thêu để tạo các sản phẩm hanmade (làm bằng tay) theo ý tưởng của mình.

Với lợi thế được truyền dạy nghề truyền thống từ nhỏ nên phụ nữ Dao Tiền sử dụng thành thạo các kỹ năng thêu. Một số sản phẩm được cung cấp ra thị trường như: Các loại túi đeo thời trang, bao đựng ipad, laptop, ví mỹ phẩm, khăn quàng, băng đô, thảm trải sàn, vỏ gối, khăn trải bàn… với giá từ 50.000 đồng đến 500.000 nghìn đồng, tùy vào độ khó của sản phẩm. Nét độc đáo của sản phẩm là được sản xuất thủ công với chất liệu sẵn có từ thiên nhiên, được lưu truyền qua bao đời nay.

Các sản phẩm hoàn toàn được thêu tay thủ công, được giới thiệu, quảng bá trên các trang mạng xã hội, như facebook, zalo nên sản phẩm làm ra ngày càng được nhiều người biết đến, được thị trường, khách du lịch ưu chuộng đặt hàng, mang lại nguồn thu nhập để nhóm duy trì nghề truyền thống. Sản phẩm của chị được đặt làm quà gửi đi một số nước ở châu Á, châu Âu. Năm 2023, chị Hường bán được hơn 600 sản phẩm, chủ yếu bán cho các địa điểm du lịch tại các tỉnh Cao Bằng, Lai Châu, Tuyên Quang... Theo chị Hường, hiện nhu cầu mua hàng cao nhưng do cơ sở chưa đáp ứng được số lượng đơn hàng lớn nên từ đầu năm đến nay chị phải từ chối khá nhiều đơn đặt hàng.

Chị Hoàng Thị Minh Thúy, Phó Bí thư Huyện đoàn Ngân Sơn chia sẻ: "Ý tưởng bảo tồn và phát triển các sản phẩm thổ cẩm đặc trưng của người Dao Tiền do chị Bàn Thị Hường triển khai được đánh giá là một trong những mô hình khởi nghiệp ấn tượng. Việc thúc đẩy phát triển mô hình nhằm quảng bá văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Dao Tiền, đồng thời giúp bà con có thêm thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống".

Khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là với nữ thanh niên người dân tộc thiểu số. Nhưng bằng sự quyết tâm, tinh thần kiên trì, chăm chỉ lao động, những nữ thanh niên dân tộc thiểu số như Lộc Thị Chanh, Bàn Thị Hường từng bước gặt hái được thành công. Điểm chung của họ đều là những người trẻ sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám thử thách để thay đổi bản thân, bước ra khỏi "vùng an toàn" để thay đổi cuộc sống. Họ đã và đang lan tỏa tinh thần khởi nghiệp của người trẻ ở vùng cao, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp…/.

Nội dung: Huyền Thương Hình ảnh & Đồ họa: Quý Đôn

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/dam-nghi-dam-lam-se-thanh-cong-post65346.html