Cơ hội để Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo y dược toàn cầu

Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo y dược toàn cầu hay không? Đó là câu hỏi được đặt ra tại Hội thảo 'Đổi mới sáng tạo: Liều thuốc phát triển bền vững ngành y dược' do Báo Đầu tư tổ chức mới đây.

Những năm gần đây, cùng với quá trình phát triển kinh tế xã hội, quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành Dược Việt Nam đã và đang diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ. ngành Dược Việt Nam đã có những bước tiến nhất định, đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Cụ thể, thị trường dược phẩm Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh với tổng giá trị từ 3,4 tỷ USD trong năm 2015 lên đến 7,2 tỷ USD vào năm 2023, sản xuất trong nước chiếm khoảng 50% tổng giá trị tiền thuốc điều trị.

Tiền thuốc bình quân đầu người năm 2021 đạt mức 73 USD, tăng 66.3 USD so với năm 2002, tăng 50.75 USD so với năm 2010, năm 2022 là 70 USD và năm 2023 là 72 USD.

Với mức tăng trưởng nhanh chóng trong sản xuất thuốc nội địa cho thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực xuất khẩu dược phẩm và trở thành trung tâm dược phẩm của khu vực.

Ngoài ra, hiện nay thu nhập bình quân GDP theo đầu người ngày càng cao, nhu cầu sử dụng thuốc trong nhân dân ngày càng tăng cả theo số lượng và chất lượng, đồng thời việc hòa hợp và hòa nhập việc phát triển ngành công nghiệp dược cũng mở ra cơ hội rất lớn cho việc giao thương, tham gia thị trường dược phẩm quốc tế.

Nhận định thị trường dược phẩm Việt Nam, bà Bùi Thị Việt Lâm, đại diện quốc gia, USABC Việt Nam cho rằng, chúng ta có tiềm năng lớn với tốc độ tăng trưởng bình quân hai chữ số hàng năm cùng thu nhập trên đầu người tăng lên.

Các diễn giả tham dự Hội thảo do Báo Đầu tư tổ chức.

Các diễn giả tham dự Hội thảo do Báo Đầu tư tổ chức.

Một số thành viên trong USABC Việt Nam đã thành lập cơ sở sản xuất, hợp tác với các đối tác trong nước để chuyển giao công nghệ, đồng hành với các nhà hoạch định chính sách trong nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ về y dược.

Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược 2016 đang được các doanh nghiệp ngành dược đặc biệt quan tâm. Trong đó, bà Việt Lâm cho rằng nếu giải quyết được các nút thắt sẽ tạo ra thu hút hút đầu tư lớn của dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam, xem xét mở các cơ sở sản xuất tại Việt Nam.

Câu chuyện chính sách là vấn đề đầu tiên được doanh nghiệp đề cập tại Hội thảo. Theo đó, doanh nghiệp kỳ vọng có chính sách nhất quán, có thể dự đoán được bởi đầu tư ngành y dược là khoản đầu tư trung và dài hạn, sự nhất quán này giúp doanh nghiệp yên tâm ổn định đầu tư.

Việt Nam xác định môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút đầu tư, tư duy đó cần được thể hiện trong các thông tư, nghị định hướng dẫn cụ thể.

Doanh nghiệp kỳ vọng Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dược 2016 cởi bỏ được ba nút thắt cho doanh nghiệp là tiếp cận thị trường, thủ tục hành chính và chính sách ưu đãi.

Với vấn đề tiếp cận thị trường, hiện nay để một sản phẩm thuốc mới vào thị trường cần mất 3 năm, để vào nhóm thuốc dành cho bệnh nhân bảo hiểm y tế cần thêm 3-4 năm, như vậy trung bình mất gần 7 năm để người dân tiếp cận 1 thuốc mới. Vòng đời để sản xuất, thử nghiệm đưa vào thị trường quá lâu ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp.

Đồng thời, đại diện USABC Việt Nam nhấn mạnh thêm, các ưu đãi đặc thù phải rõ ràng, kích thích doanh nghiệp sản xuất. Theo đó, khi xác định một tầm nhìn, một tham vọng, thu hút đầu tư của các hãng tiên tiến trên thế giới, Việt Nam phải hành động bằng chính sách cụ thể bởi không ai chờ ai, xu hướng mới thường xuất hiện nhanh và các nước không ngồi im chờ Việt Nam.

Trong khu vực hiện các nước như Malaysia, Indonesia đã rất tăng tốc trong việc đưa ra cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư và y dược. Khi xây dựng các chính sách cần nhìn những gì Việt Nam đang làm đã đủ hấp dẫn nhà đầu tư hay chưa để có chiến lược rõ ràng hơn.

Chia sẻ về câu hỏi “liệu Việt Nam có cơ hội để trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo y dược toàn cầu hay không?", bà Việt Lâm, cho rằng Việt Nam hoàn toàn có khả năng nhưng có đột phá chính sách hay không và nguồn lực ở Việt Nam đã sẵn sàng hay chưa?

Ngoài yếu tố chính sách cần chú ý đến nguồn nhân lực, năng suất lao động cao nhất, sẽ phải đồng bộ chính sách để xây dựng Luật, chúng ta có chính sách ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực tài năng ở nước ngoài, thu hút người Việt Nam về làm việc.

Còn ông Lê Minh Sang, chuyên gia y tế cấp cao Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, có một số điều kiện cần và đủ để một quốc gia thành công trong đổi mới y dược.

Đó là việc phải thiết lập môi trường thuận lợi cho những người đổi mới công nghệ thông tin và những người áp dụng công nghệ thông tin.

Cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo công nghệ số để giải quyết các ưu tiên về y tế công cộng. Cần tăng cường sự tham gia và tiếp nhận của người dùng đối với các ứng dụng y tế số. Cần duy trì các ứng dụng y tế số, như khả năng tương tác và tích hợp; cơ chế tài chính và hệ thống bồi hoàn; giám sát và đánh giá.

Hiện nay, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam đang phát triển và có một số bài học mà Việt Nam cần tham khảo từ các quốc gia khác.

Thứ nhất, cần tiếp tục phát triển các tiêu chuẩn dữ liệu và khả năng tương tác để hỗ trợ các luồng thông tin y tế rộng hơn và sâu hơn; đảm bảo việc áp dụng rộng rãi các tiêu chuẩn của các nhà cung cấp công nghệ thông tin y tế.

Thứ hai, cần tận dụng các nguồn dữ liệu y tế mới nổi để hỗ trợ lập kế hoạch, quản lý, giám sát y tế công cộng. Thứ ba, cần tạo động lực để tích hợp y tế số vào các dịch vụ y tế cốt lõi.

Ngoài ra, cũng cần phải đáp ứng kỳ vọng của các công dân/bệnh nhân về các dịch vụ hiệu quả, hiệu suất và cá nhân hóa hơn.

Cuối cùng là cần phải thực hiện đánh giá và giám sát để bảo đảm rằng y tế số mang lại hiệu quả theo các ưu tiên về sức khỏe của người dân.

Ông Luke Treloar, Trưởng Khối Cơ sở Hạ tầng, Chính phủ & Y tế (IGH), KPMG Việt Nam cho rằng, mục tiêu đạt giá trị 20 tỷ USD của ngành Dược vào năm 2045 có thể đạt được, song phụ thuộc nhiều vào các quyết định, chính sách của Việt Nam.

Việt Nam sẽ có biện pháp gì để bảo hộ đầu tư, thiết lập một môi trường kinh doanh thân thiện như thế nào để thu hút những khoản đầu tư phù hợp. Đó sẽ là những yếu tố giúp Việt Nam có thể phát triển cả đầu và cuối chuỗi cung ứng. Việt Nam đang trên hành trình này.

Có rất nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á cũng muốn có được loại tài sản trí tuệ và lợi nhuận đầu tư trong ngành dược, nhưng Việt Nam có những đặc điểm riêng để hiện thực hóa mục tiêu của mình.

"Tôi nghĩ rằng, 20 tỷ USD đóng góp cho nền kinh tế trong 15 năm tới là một con số khá thực tế. Việt Nam có nhiều cơ hội để học hỏi từ các thị trường khác, áp dụng công nghệ để đối phó với gian lận trong quá trình sản xuất thông thường", ông Luke Treloar nói.

Trong lĩnh vực sản xuất, có thể bắt đầu phát triển một số sản phẩm tại địa phương, rồi chuyển giao công nghệ để cùng phát triển công nghệ toàn cầu. Sau đó là bước vào giai đoạn nghiên cứu và phát triển (R&D), thử nghiệm lâm sàng, và tạo ra tài sản trí tuệ.

Theo ông Luke Treloar, mục tiêu cuối cùng của một thị trường là đạt đến giai đoạn cuối cùng, nơi mà bạn tạo ra các sản phẩm phụ và tài sản trí tuệ mang lại cổ tức lớn hơn so với khoản đầu tư ban đầu.

Bên cạnh đó, Việt Nam có cơ hội học hỏi từ các thị trường khác, xem các trường hợp nghiên cứu nếu muốn, để biết cách rút ngắn chu kỳ đó và thực hiện nhiều bước cùng lúc.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/co-hoi-de-viet-nam-tro-thanh-trung-tam-doi-moi-sang-tao-y-duoc-toan-cau-d225940.html