Cơ hội đưa Bình Dương thành đô thị hiện đại
Ngày 1/10, tại tỉnh Bình Dương, báo Tiền Phong phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương tổ chức hội thảo 'Thị trường Bất động sản Bình Dương: Cơ hội đầu tư mới'.
Hội thảo nhằm tìm giải pháp giúp địa phương trong công tác quy hoạch, quản lý, đồng thời giúp nhà đầu tư, người dân nhận diện rõ cơ hội của thị trường bất động sản tại Bình Dương.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước Trung ương và địa phương, các hiệp hội chuyên ngành, các ngân hàng và doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Bình Dương…
Phát biểu mở đầu hội thảo, nhà báo Lê Xuân Sơn – Tổng Biên tập báo Tiền Phong cho biết, Bình Dương nằm trong top dẫn đầu về đầu tư, có tốc độ phát triển kinh tế xã hội rất cao, trong đó có thị trường bất động sản.
Theo nhà báo Lê Xuân Sơn, tỉnh Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có nhiều đột phá rất mạnh mẽ trong việc phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt tỉnh lại nằm cận kề trung tâm kinh tế lớn nhất đất nước là TPHCM.
"Tỉnh có lợi thế nằm trên các tuyến giao thông đã có; là địa phương đông dân cư, có nhiều lao động chất lượng cao cả về số lượng lẫn chất lượng. Đồng thời, nơi này còn có nhiều chính sách phát triển thị trường bất động sản, thu hút nhiều nhân lực. Đây chính là điều kiện rất thuận lợi để Bình Dương phát triển kinh tế xã hội về mọi mặt, trong đó có cả thị trường bất động sản"- nhà báo Lê Xuân Sơn đánh giá.
Tuy nhiên, theo ông Lê Xuân Sơn, tỉnh Bình Dương vẫn có nhiều vấn đề đặt ra cả đối với chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước cũng như vấn đề đặt ra với doanh nghiệp đang kinh doanh bất động sản tại đây như mặt bằng, giải phóng mặt bằng, chính sách ưu đãi đầu tư, ưu đãi tín dụng…
Hiện thị trường bất động sản của trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là TPHCM đang gặp một số vấn đề. Do đó sự thu hút, hấp dẫn của thị trường Bình Dương ngày càng tăng lên.
“Báo Tiền Phong quyết định chọn tỉnh Bình Dương để tổ chức hội thảo nhằm đánh giá lại những điều đã làm được, những vấn đề còn thắc mắc, những nút thắc sẽ được các chuyên gia phân tích, đưa ra các giải pháp, kiến nghị để Bình Dương hoàn thiện thêm các chính sách để phát triển thị trường bất động sản tỉnh” – Tổng Biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn cho biết.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Bình Dương - ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết: Theo định hướng tỉnh Bình Dương đến năm 2021-2025, nơi đây sẽ tiếp tục xây dựng trở thành đô thị văn minh hiện đại thành một trung tâm hàng đầu của cả nước và khu vực, trong đó chắc chắn có liên quan đến lĩnh vực bất động sản.
“Thời quan qua tỉnh Bình Dương xác định luôn cùng các doanh nghiệp đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất để cùng Bình Dương xây dựng ngày càng hiện đại hơn nữa. Thành quả là đã thu hút đầu tư, an sinh xã hội, đặc biệt là các hoạt động về bất động sản, xây dựng nhà ở có nhiều khởi sắc. Đối với lĩnh vực bất động sản còn nhiều vấn đề để tỉnh Bình Dương tiếp tục quan tâm. Tỉnh luôn lắng nghe những đóng góp của các chuyên gia bất động sản để định hướng tốt hơn trong tương lai” – ông Thanh Trúc khẳng định.
PGS.TS Trần Đình Thiên (nguyên Viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam) cho rằng, tỉnh Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bình Dương là nơi kết nối toàn cầu chứ không chỉ riêng gì ở trong nước. Tuy nhiên, từ trước đến nay tính kết nối của tỉnh chỉ ở mức bình thường nên cần phát huy lợi thế này hơn trong tương lai.
"Cần có cơ chế chính sách thay đổi để tỉnh Bình Dương phát triển hơn nữa. Và đây là thời điểm này cần tạo ra sức mạnh, sức bật cho tỉnh Bình Dương phát triển xứng tầm"- PGS-TS Trần Đình Thiên nêu.
Theo ông Trần Đình Thiên, dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế trên thế giới và trong nước, và phải cần thời gian dài mới có thể hồi phục lại được như trước. Dẫu vậy, điều này đã đưa Việt Nam đứng trước thách thức cũng như cơ hội để tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới khi đã khống chế thành công dịch bệnh COVID-19.
“Chúng ta đang hội nhập tốt để đón các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước…Trong lĩnh vực bất động sản, tỉnh Bình Dương là một ví dụ điển hình trong việc thu hút các nhà đầu tư” - ông Thiên nói và cho biết, tỉnh cần quan tâm hơn về kết nối hạ tầng, cơ chế chính sách hơn nữa để thúc đẩy phát triển.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là 4 tỉnh miền Đông Nam Bộ gồm TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu cần xây dựng “tổ” lớn để đón “đại bàng” đến đầu tư không chỉ trong lĩnh vực bất động sản.
Ông Thiên gợi ý, tỉnh Bình Dương cần tính đến việc xây dựng đô thị ngầm chứ không chỉ phát triển đô thị trên mặt đất, đồng thời tạo một không gian mở để đón các nhà đầu tư đến, nhất là các nhà đầu tư bất động sản đô thị, bất động sản công nghiệp.