Cơ hội đưa hàng hóa vào hệ thống bán buôn, bán lẻ toàn cầu

Tại sự kiện kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế vừa diễn ra, nhiều tập đoàn phân phối, bán lẻ quốc tế đang tăng cường tìm nguồn cung ứng hàng hóa từ Việt Nam. Đây là cơ hội cho các đơn vị sản xuất tại Bình Dương.

Bình Dương tạo điều kiện để các doanh nghiệp tại địa phương gặp gỡ, kết nối tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Trong ảnh: Doanh nghiệp trong, ngoài nước trao đổi thông tin tại sự kiện gặp gỡ Hàn Quốc 2024 vừa diễn ra tại Bình Dương

Rộng mở thị trường

Ông Aly Ansari, Tổng Giám đốc Walmart Việt Nam, cho biết: “Việt Nam là một trong những thị trường có nguồn cung ứng quan trọng nhất ở châu Á của Walmart. Đội ngũ tìm nguồn cung ứng của Walmart luôn sẵn sàng hỗ trợ hoạt động xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam ra thị trường toàn cầu như đồ may mặc, điện tử, gỗ... Ngoài ra, Walmart cũng tìm kiếm sản phẩm thuộc các danh mục khác như đồ chơi trẻ em, nông sản, thực phẩm... từ Việt Nam”.

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mexico Lưu Vạn Khang cho biết Việt Nam đang là lựa chọn hàng đầu cho các nhà nhập khẩu của Mexico bởi cùng là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Mexico có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa rất lớn, trong đó nhập 65 triệu đôi giày dép, 200 triệu sản phẩm quần áo/năm. Hiện các DN Mexico đang tìm mua mặt hàng tiêu dùng, lốp xe ô tô từ Việt Nam.

Trưởng phòng Phát triển nhà cung ứng mới của Walmart Nguyễn Đức Trọng, chia sẻ: “Walmart đang tìm các đối tác tại Đồng Nai, Bình Dương cũng như cả nước đủ khả năng cung cấp hàng hóa. Sản phẩm bán vào Walmart không chỉ qua thị trường Mỹ, mà có thể vào được các trung tâm, siêu thị của tập đoàn ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Ngoài các sản phẩm công nghiệp, tập đoàn đang tìm thêm mặt hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ”.

Trong khi đó, ông Akiyama Naoki, Giám đốc Vận hành và Tài chính Uniqlo Việt Nam, cho biết trên thực tế, Fast Retailing (Công ty mẹ của Uniqlo) đã có hơn 20 năm tham gia sản xuất tại Việt Nam. Sản phẩm sản xuất không chỉ có mặt tại 23 cửa hàng trong nước mà còn được phân phối tới hơn 2.400 cửa hàng trong mạng lưới toàn cầu của Uniqlo. “Doanh số bán hàng tăng lên, chúng tôi tiếp tục tối ưu hóa dòng sản phẩm. Thời gian tới, Uniqlo dự định sẽ tiếp tục mở rộng chuỗi giá trị nhằm mang đến những sản phẩm chất lượng cao cho khách hàng. Bằng cách đồng hành cùng nhau, chúng ta có thể mở rộng kinh doanh, phát triển mạnh mẽ hơn nữa”, ông Akiyama Naoki chia sẻ.

Phát huy lợi thế

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương), cho biết: “Lợi thế của Việt Nam là có nhiều hiệp định thương mại tự do đã ký kết, nhiều dòng thuế đã và đang giảm dần về 0%. Do đó, các tập đoàn phân phối, bán lẻ quốc tế đang tăng cường tìm kiếm nguồn cung nhiều loại hàng hóa từ Việt Nam. Đây là dịp để doanh nghiệp (DN) trong nước mở rộng thị trường xuất khẩu”.

Bình Dương là trung tâm sản xuất giày dép, dệt may, sản phẩm gỗ gia dụng, thực phẩm lớn của cả nước, nhiều tập đoàn bán lẻ quốc tế đang muốn tìm đối tác để ký kết hợp đồng mua bán sản phẩm. Tại Bình Dương, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Điều này chứng tỏ nhiều DN đã bắt nhịp được chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế. Hàng hóa của Bình Dương hiện đã xuất khẩu vào hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung ở những thị trường lớn là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu, Hàn Quốc.

Theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương, các DN cần tìm hiểu, mở rộng thị trường xuất khẩu sang nhiều nước, tránh tập trung ở một số thị trường, rủi ro sẽ rất lớn. Mỗi thị trường sẽ có những tiêu chuẩn nhập khẩu hàng hóa riêng và sẽ có những thay đổi về chính sách, xu hướng của người tiêu dùng. DN cần theo dõi, nắm rõ các hàng rào kỹ thuật, chính sách mới, yêu cầu về sản phẩm của người tiêu dùng theo mùa, năm... để có kế hoạch sản xuất phù hợp.

Theo bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh, đến nay mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh đã trở thành xu hướng tất yếu đối với các DN. Khách hàng, nhà đầu tư ngày càng đề cao các yếu tố xã hội, môi trường trong đánh giá sản phẩm, dịch vụ khi lựa chọn đối tác đầu tư, thương mại. Còn theo ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Long (TP.Thuận An), muốn tham gia chuỗi cung ứng quốc tế, doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của nước sở tại. Bên cạnh đó, cần đáp ứng các thông lệ quốc tế như cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới, quy định chống phá rừng để bảo đảm sự phát triển bền vững trên quy mô toàn cầu.

Bí thư Thứ nhất Thương vụ Việt Nam tại Anh Hoàng Lê Hằng cho biết hiện có nhiều DN tại Anh muốn tìm mua cà phê, hàng may mặc, sản phẩm gỗ và thực phẩm từ Việt Nam. Đây là thị trường đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ phải rõ ràng. Những sản phẩm sản xuất theo mô hình xanh, bền vững sẽ được lựa chọn nhiều hơn. DN sản xuất các mặt hàng trên đáp ứng được yêu cầu muốn xuất khẩu vào Anh có thể liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại Anh để được hỗ trợ kết nối.

TIỂU MY

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/co-hoi-dua-hang-hoa-vao-he-thong-ban-buon-ban-le-toan-cau-a324670.html