Cơ hội 'gỡ gạc' của xe lắp ráp trước tin giảm trước bạ 3 tháng cuối năm 2024
Thông tin có thể giảm thuế trước bạ 3 tháng cuối năm 2024 được cho có thể giúp vực dậy phần nào cho xe lắp ráp trong nước trong một năm bất ổn với doanh số sụt giảm.
Theo một nghiên cứu của SSI Research, bức tranh thị trường ô tô Việt Nam năm 2024 vẫn chưa khởi sắc hơn so với năm 2023, mức tăng trưởng dự kiến khoảng 9%. Tuy nhiên, dự báo này cũng sẽ khó thành hiện thực nếu thị trường tiếp tục giằng co như hiện tại.
Khi thị trường bị kìm xuống, thông tin về thuế trước bạ cho xe lắp ráp trong nước như cơn mưa giải nhiệt. Tuy nhiên, bên cạnh việc có thể là một cú hích lớn dành cho các mẫu xe sản xuất, lắp ráp trong nước thì đến nay việc giảm thuế trước bạ vẫn chưa được ban hành đã dẫn đến hiệu ứng ngược khiến cả thị trường xe ô tô rất khó lường. Các doanh nghiệp lắp ráp xe trong nước là người phải chịu tác động nhiều nhất khi tâm lý người tiêu dùng chờ đợi thuế. Trong khi đó, xe nhập khẩu đang có những bước tiến với doanh số ấn tượng hơn trước sự khó khăn của xe lắp ráp.
Hiện Thường trực Chính phủ đã thống nhất kết luận thực hiện giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời gian 3 tháng thay vì giảm 6 tháng như 3 đợt ưu đãi trước đây. Thường trực Chính phủ giao Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến phát biểu đồng thuận tại cuộc họp và giải trình ý kiến của các thành viên Chính phủ, đồng thời hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trước ngày 18/8. Nhưng đến nay việc giảm thuế hay không vẫn là ẩn số khiến nhiều người tiêu dùng bị “hẫng”.
Thực tế, trong khi chờ chính sách mới, phần lớn các hãng ô tô lắp ráp và sản xuất tại Việt Nam để tồn tại và duy trì doanh số đã tiếp tục phải tung ra các chương trình ưu đãi lớn để thu hút khách hàng trong khi thị trường vẫn đang có những diễn biến khó đoán.
Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số ô tô tiêu thụ toàn thị trường Việt Nam trong tháng 7/2024 vừa qua bất ngờ đạt 28.920 xe, tăng tới 9% so với tháng trước và tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 6 trước đó, doanh số bán của xe lắp ráp trong nước chỉ đạt 12.962 xe, tăng 8% so với tháng trước và doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 13.613 xe, giảm 1% so với tháng trước.
Nguyên nhân có sự tăng trưởng đáng chú ý vào thời điểm tháng 7 được lý giải là do đa số người tiêu dùng quan tâm đến việc Chính phủ có thể giảm lệ phí trước bạ từ 1/8 nên đã tranh thủ mua xe để chớp thời cơ hưởng ưu đãi và song song với đó là việc các doanh nghiệp phân phối tung các ưu đãi lớn để kích cầu.
Cũng theo báo cáo của VAMA, doanh số bán hàng của toàn thị trường trong tháng 7 đạt 28.920 xe, bao gồm xe 22.847 du lịch; 5.857 xe thương mại và 215 xe chuyên dụng. Trong đó, doanh số xe du lịch tăng 15%, xe thương mại giảm 9%, xe chuyên dụng tăng 1% so với tháng trước.
Doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 13.788 xe, tăng 6% so với tháng trước và doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 15.132 xe, tăng 11% so với tháng trước.
Hiện đã bước vào những ngày cuối cùng của tháng 8, những con số tích cực của tháng 7 được cho khó có thể duy trì khi bước sang tháng 8 rơi vào thời điểm tháng Ngâu và tâm lý chờ được giảm của một bộ phận người dân đang có nhu cầu mua xe. Nhưng cũng có thể có một kịch bản khác với doanh số thị trường và xe lắp ráp trong nước với tháng 8, đó là sẽ tăng nhỉnh hơn khi thông tin về thuế khiến người tiêu dùng đổi chiến thuật đi mua xe và chấp nhận “om xe” để hưởng bằng được thuế.
Ở góc độ chuyên môn, giới phân tích cho rằng, thông tin về đợt ưu đãi lệ phí trước bạ đã kéo dài qua những tháng qua cho thấy một tâm lý khó lường của toàn thị trường. Tất cả từ phía các doanh nghiệp đến người tiêu dùng đều đang “dò đáy” khi doanh nghiệp thì đắn đo quyết định tung ưu đãi kéo khách thêm và khách hàng thì toan tính có nên xuống tiền mua xe luôn hay không. Dù bằng hình thức nào thì tổng quan thị trường xe lắp ráp trong nước sẽ vẫn có cơ hội “gỡ” doanh số vào những tháng cuối năm nếu có ưu đãi trước bạ.
Ngay cả những sale xe cũng đang nuôi hi vọng rằng cơ hội tăng doanh số, vượt lên của xe lắp ráp là hoàn toàn có, nhưng “hồi sau sẽ rõ” khi có chính sách giảm thuế. Đây là ý kiến của đa phần các sale xe được PV AutoNews khảo sát lấy ý kiến.
Trước đó, thị trường ô tô Việt Nam từng 3 lần được Chính phủ ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, mỗi lần có hiệu lực 6 tháng và đều có kết quả khả quan.
Lần đầu tiên, áp dụng 6 tháng cuối năm 2020, lượng xe lắp ráp trong nước bán ra tăng kỷ lục, đạt tới 398.177 xe, gấp 2,03 lần so với 6 tháng đầu năm 2020.
Lần 2 áp dụng 6 tháng từ 1/12/2021 - 31/5/2022, lượng xe trong nước bán được tổng cộng 232.192 xe. Trung bình 5 tháng đầu năm 2022, doanh số xe trong nước đạt 33. 690 xe/tháng, cao gấp 1,5 lần so với con số trung bình trong 7 tháng cuối năm 2022.
Lần 3, áp dụng 6 tháng cuối năm 2023, doanh số xe trong nước đạt 176.483 xe, tăng 1,6 lần so với 6 tháng đầu năm 2023.
Mặc dù trung bình mỗi lần áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ cho xe sản xuất và lắp ráp trong nước, nguồn thu ngân sách bị giảm khoảng từ 8.000 - 9.000 tỷ đồng, nhưng trong bối cảnh thị trường như hiện tại, đây là “cú hích” hiệu quả giúp kích cầu tiêu dùng ngành ô tô trong nước và giúp tăng doanh số cho ô tô lắp ráp và sản xuất trong nước.