Cơ hội hay rủi ro đối với thương mại toàn cầu?

Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ công bố bước đi được cho là lớn nhất trong chính sách thương mại từ trước đến nay của ông: chính sách thuế đối ứng - quyết định được dự báo tác động không nhỏ đến thương mại và thị trường tài chính toàn cầu.

Thuế quan hai bước

Tuần trước, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ công bố một thông báo thuế quan toàn diện vào ngày 2/4 và xem đây là "Ngày giải phóng" khỏi các đối tác thương mại mà ông từ lâu cáo buộc là "lừa đảo" Mỹ. Ngày này sẽ được đánh dấu bằng việc áp các khoản thuế đối ứng của Washington lên các quốc gia đang áp dụng thuế quan lên hàng hóa Mỹ. Tuy nhiên, đến nay quy mô, phạm vi và phương pháp áp dụng thuế quan đó vẫn dường như chưa được tiết lộ.

Tờ Financial Times mới đây đưa tin, Tổng thống Mỹ đang cân nhắc một cách tiếp cận gồm hai bước cho kế hoạch thuế quan sắp tới. Theo đó, Mỹ sẽ áp dụng mức thuế quan đồng nhất đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào nước này. Sau đó, chính quyền Tổng thống Trump sẽ áp mức thuế suất cao hơn đối với hàng hóa từ các quốc gia có chính sách thương mại bị xem là không công bằng với Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối với ô tô nhập khẩu tại Phòng Bầu dục ở Thủ đô Washington hôm 26/3. Ảnh: Getty

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối với ô tô nhập khẩu tại Phòng Bầu dục ở Thủ đô Washington hôm 26/3. Ảnh: Getty

Mục đích chính của kế hoạch này là nhằm thúc đẩy sản xuất nội địa, giảm phụ thuộc vào hàng nhập khẩu và bảo vệ việc làm cho người lao động Mỹ. Ông Trump và các cố vấn của mình cho rằng việc áp thuế nhập khẩu sẽ tạo động lực cho các DN Mỹ tăng cường sản xuất trong nước, từ đó cải thiện nền kinh tế và giảm thâm hụt thương mại. Kế hoạch này phù hợp với chủ trương "Nước Mỹ trên hết" mà ông Trump từng theo đuổi trong nhiệm kỳ đầu tiên (2017 - 2021).

Ngày 24/3, ông Trump tuyên bố sẽ hạn chế các ngoại lệ đối với chính sách áp thuế của mình. "Tôi biết có một số ngoại lệ và đây vẫn là một cuộc thảo luận đang diễn ra, nhưng sẽ không nhiều đâu, không nhiều ngoại lệ. Không, tôi không muốn có quá nhiều ngoại lệ" - Tổng thống Trump phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Newsmax.

Trong diễn biến mới nhất, phát biểu tại buổi họp báo ở Phòng Bầu dục hôm 26/3, Tổng thống Trump cho biết sẽ áp thuế quan bổ sung 25% với “tất cả ô tô không sản xuất tại Mỹ” có hiệu lực từ ngày 3/4 - chỉ 1 ngày sau khi cơ chế thuế quan đối ứng của ông được công bố. Trợ lý Nhà Trắng của Tổng thống, ông Will Scharf, thông báo, mức thuế quan mới sẽ áp dụng cho “ô tô và xe tải nhẹ sản xuất ở nước ngoài”, đồng thời khẳng định thuế quan này sẽ mang về cho ngân sách Mỹ “hơn 100 tỷ USD mỗi năm”.

Các nhà đầu tư Phố Wall dường như tin rằng mức thuế mới của Mỹ sẽ không quá khắc nghiệt. Minh chứng là phiên giao dịch đầu tuần này, chỉ số S&P 500 tăng gần 2%, đạt mức cao nhất kể từ đầu tháng 3. Dẫn đầu đà tăng là những cổ phiếu từng bị lo ngại "dính đòn" nặng nề bởi chính sách thuế quan, như Tesla nhảy vọt tới 13% và Nvidia cũng tăng mạnh.

Tesla, với Giám đốc điều hành Elon Musk có tiếng nói "có trọng lượng" trong chính quyền Tổng thống Trump, cũng là một trong những công ty đang “chạy đôn chạy đáo” để tránh các mức thuế mới. Tuy nhiên, dù phục hồi mạnh phiên đầu tuần, cổ phiếu Tesla vẫn đang giảm 31% từ đầu năm đến nay.

Đồng USD đã phục hồi 4 phiên liên tiếp khi giới đầu tư tin rằng chính sách thuế của ông Trump sẽ không quá cứng rắn và kỳ vọng vào sự ổn định từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng nhận định rằng áp lực lạm phát từ thuế quan chỉ là tạm thời.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu và đồng euro lại lao dốc do lo ngại bị ảnh hưởng từ các đòn trả đũa thuế quan của ông Trump. Liên minh châu Âu (EU) đã tuyên bố có thể áp thuế trị giá 26 tỷ euro đối với hàng hóa Mỹ vào tháng 4 tới, làm dấy lên nguy cơ chiến tranh thương mại leo thang.

Cảnh báo từ giới chuyên gia

Theo Financial Times, ông Trump đang nhận được sự ủng hộ từ một số cố vấn kinh tế bảo thủ, nhưng cũng đối mặt với nhiều ý kiến trái chiều từ giới chuyên gia tài chính. "Một mức thuế quan toàn diện có thể gây ra hiệu ứng tiêu cực đối với thương mại toàn cầu, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và làm tăng chi phí cho người tiêu dùng Mỹ", ông Adam Posen - Chủ tịch Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nhận định.

Đồng quan điểm trên, ông Chris Turner - Giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu tại ING, chia sẻ với FXStreet: "Nếu Mỹ chính thức áp đặt gói thuế đốt ứng với các đối tác thương mại, chúng ta có thể chứng kiến một làn sóng đáp trả thuế quan từ các nền kinh tế lớn, đặc biệt là Trung Quốc và EU, điều này có thể kéo theo những tác động tiêu cực khó lường”.

Ngoài ra, chiến lược gia trưởng Marc Chandler tại Bannockburn Global Forex, cảnh báo trên ForexLive: "Chính sách thuế quan mới của Mỹ nhiều khả năng sẽ giúp đồng USD mạnh lên trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, điều này có thể làm tổn hại đến xuất khẩu của Mỹ khi các đối tác thương mại tìm cách trả đũa".

Một số chuyên gia khác lại lo ngại rằng các gói thuế mới có thể làm tăng giá hàng hóa tiêu dùng tại Mỹ. Investing.com dẫn lời các nhà phân tích của ForexLive nhận định rằng khi chi phí nhập khẩu tăng lên, người tiêu dùng Mỹ có thể phải đối mặt với lạm phát cao hơn và điều này sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu

Các nhà phân tích cho rằng mức độ ảnh hưởng từ kế hoạch áp thuế đối ứng của Tổng thống Trump không giới hạn trong phạm vi nước Mỹ mà còn ảnh hưởng đến kinh tế thế giới. Theo đó, một số quốc gia có quan hệ thương mại chặt chẽ với Mỹ, như Mexico, Canada và Nhật Bản, có thể phải điều chỉnh chiến lược xuất khẩu để thích ứng với các gói thuế mới.

Các nền kinh tế mới nổi cũng có thể chịu tác động tiêu cực khi chi phí xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng cao, khiến dòng vốn đầu tư bị xáo trộn. Theo Investing.com, việc Mỹ áp thuế cao hơn đối với một số quốc gia có thể làm suy yếu chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến các DN phải tìm kiếm nguồn cung thay thế, từ đó đẩy giá thành sản xuất tăng cao.

Bên cạnh đó, EU và Trung Quốc có thể sẽ trả đũa bằng cách áp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu từ Mỹ, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp chiến lược như nông sản, công nghệ và ô tô. Điều này có thể làm giảm lợi nhuận của các tập đoàn đa quốc gia Mỹ và ảnh hưởng đến thị trường tài chính quốc tế.

Chuyên gia kinh tế trưởng Joseph Brusuelas tại RSM US nói với Business Standard: "Một cuộc chiến thuế quan mở rộng có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào một giai đoạn tăng trưởng chậm lại, trong bối cảnh các nước đang nỗ lực phục hồi tăng trưởng sau những bất ổn tài chính thời gian gần đây".

Mặc dù chưa có tuyên bố chính thức từ phía ông Trump, nhưng kế hoạch thuế quan hai bước đang thu hút sự quan tâm lớn từ giới chính trị và kinh tế toàn cầu. Nếu được thực thi, chính sách này có thể tạo ra những biến động mạnh mẽ trong thương mại quốc tế, đồng thời đặt ra nhiều thách thức cho cả Mỹ và các đối tác thương mại của nước này.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/co-hoi-hay-rui-ro-doi-voi-thuong-mai-toan-cau.html