Các nước gấp rút vận chuyển ô tô sang Mỹ trước khi thuế tăng

Các nhà sản xuất ô tô toàn cầu đang tăng tốc vận chuyển xe sang Mỹ trước khi thuế mới dự kiến có hiệu lực vào 2-4.

Theo chính sách thuế đối ứng của chính quyền ông Trump, dự kiến có hiệu lực từ ngày 2-4, thuế nhập khẩu đối với ô tô từ các quốc gia ngoài Mỹ sẽ tăng lên thành 25%. Hiện tại, mức thuế này là 2,5% đối với ô tô con và 25% đối với xe bán tải. Ngoài ra, việc áp thuế mới này cũng đồng nghĩa với việc chấm dứt 30 ngày hoãn áp thuế quan bổ sung 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và Canada.

Theo các quan chức trong ngành vận tải biển, hàng loạt tàu chở xe đã được điều động để chuyên chở hơn hàng nghìn chiếc ô tô (nhiều hơn bình thường) từ châu Á và châu Âu đến Mỹ. Lasse Kristoffersen, Giám đốc điều hành hãng vận tải Wallenius Wilhelmsen, cho biết nhu cầu từ châu Á đang vượt xa khả năng vận chuyển của công ty.

Trước nguy cơ thuế suất gia tăng, các nhà sản xuất ô tô từ Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc (Hyundai và Kia), đẩy mạnh vận chuyển xe sang Mỹ. Các hãng xe châu Âu cũng không đứng ngoài cuộc. Đại diện từ một nhà sản xuất ô tô Đức xác nhận rằng công ty này đang tăng cường xuất khẩu sang Mỹ.

Ông Stian Omli, phó chủ tịch cấp cao của nền tảng theo dõi tàu chở ô tô Esgian, nhận định số lượng tàu vận chuyển ô tô từ châu Âu đến Mỹ đang gia tăng đáng kể. Tổng cộng 33 tàu RoRo (roll-on/roll-off, loại tàu chuyên chở hàng hóa có bánh xe) với chủ yếu ô tô mới đã rời châu Âu đến Mỹ trong tháng 2 năm nay, tăng 28 tàu so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả, số lượng ô tô xuất khẩu từ EU sang Mỹ trong tháng 2 đã tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, trong khi Nhật Bản ghi nhận mức tăng 14% và Hàn Quốc đạt 15%.

Thêm vào đó, ông Stian cũng dự đoán số lượng tàu từ Đông Á cũng sẽ sớm gia tăng trong những tuần tới.

Không chỉ các hãng xe, các công ty sản xuất linh kiện tại Mexico và Canada cũng đang gấp rút điều chỉnh chiến lược. Honda đã tăng tốc vận chuyển hàng từ hai quốc gia này vào Mỹ, trong khi Stellantis – công ty mẹ của Chrysler và Jeep – đang tích trữ nguồn cung tại các nhà máy ở Mỹ và đẩy mạnh sản xuất.

Doug Ostermann, giám đốc tài chính của Stellantis, cho biết công ty hiện có lượng hàng tồn kho đủ cung cấp cho hệ thống đại lý trong khoảng 70-80 ngày. Các nhà sản xuất linh kiện điện tử cho ô tô cũng đang tìm cách dự trữ thêm hàng tại Mỹ để tránh bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế mới.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng tham gia vào cuộc chạy đua này. Toyota khẳng định hãng không gia tăng nhập khẩu xe vào Mỹ từ Nhật Bản hoặc các nước khác để đối phó với thuế quan. Theo báo cáo từ hai công ty vận tải Nhật Bản, hiện không nhận có sự thay đổi đáng kể về nhu cầu.

Dù thời gian ân hạn giúp các hãng xe có thêm cơ hội để điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, câu hỏi lớn nhất vẫn là mức thuế này sẽ kéo dài bao lâu và áp dụng theo cơ chế nào. Cody Lusk, Giám đốc điều hành Hiệp hội Các đại lý ô tô quốc tế Mỹ, bày tỏ sự lo ngại về tác động lâu dài của chính sách này đối với thị trường.

“Chúng tôi đều đang chờ đợi, liệu mỗi quốc gia có bị đối xử khác nhau hay tất cả đều chịu chung một mức thuế?”, Lusk nói.

Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng sự bất ổn về chính sách thuế có thể ảnh hưởng lớn đến thương mại ô tô trong dài hạn. Khách hàng đang rất bối rối và không biết thị trường sẽ đi theo hướng nào.

Theo Financial Times, Reuters

Thu Trà

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://sgtt.thesaigontimes.vn/cac-nuoc-gap-rut-van-chuyen-o-to-sang-my-truoc-khi-thue-tang/