Cơ hội hiếm có, trăm triệu USD từ Nhật đổ vào Việt Nam
Nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản có xu hướng đổ tiền vào các doanh nghiệp Việt, thay vì đầu tư vào mở nhà máy sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM cho biết, cổ đông Nhật Bản ENEOS Corporation đã chi ra khoảng 650 tỷ đồng và mua 13 triệu cổ phiếu Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX) thông qua khớp lệnh với mức giá khoảng 50.000 đồng/cp.
Giao dịch được thực hiện trong khoảng thời gian từ 27/8-14/9.
Trong khi đó, Petrolimex cũng vừa thông báo bán xong 13 triệu cổ phiếu quỹ trong thời gian 27/8-15/9 để giảm lượng sở hữu về 75 triệu đơn vị.
Sau giao dịch, nhóm nhà đầu tư Nhật Bản nắm giữ hơn 116,5 triệu cổ phiếu PLX, tỷ lệ 9% vốn Petrolimex.
ENEOS Corporation là tập đoàn lâu đời tại Nhật Bản, kinh doanh trong lĩnh vực lọc hóa dầu, xuất nhập khẩu khí đốt, cung cấp điện năng… Tập đoàn đứng đầu thị phần bán lẻ xăng dầu ở Nhật Bản với tỷ trọng 50%.
ENEOS mua cổ phiếu PLX trong bối cảnh doanh nghiệp Việt gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19. Petrolimex lỗ ròng hơn 1.100 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020 nhưng vẫn có một lượng tiền mặt khủng, lên tới cả chục nghìn tỷ đồng và có mạng lưới bán lẻ xăng dầu lớn trên phạm vi cả nước.
Petrolimex cũng được xem là có triển vọng trong việc mở rộng sang các lĩnh vực khác. Trong năm 2019, doanh nghiệp này từng có kế hoạch mở chuỗi cửa hàng tiện lợi, tận dụng mạng lưới 5.200 cửa hàng xăng dầu hiện có.
Gần đây, nhiều tập đoàn Nhật Bản đổ tiền vào mua cổ phần doanh nghiệp Việt.
Năm ngoái, Tập đoàn Sumitomo cùng 2 tổ chức đã chi khoảng 37 triệu USD để mua 10% vốn tại Công ty Cổ phần Gemadept (GMD) nhằm nắm bắt nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ logistics nhờ xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam do cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài.
Hồi đầu 2020, Sumitomo Life của Nhật đã đầu tư khoảng 173 triệu USD để mua hơn 41 triệu cổ phần của Tập đoàn Bảo Việt (BVH), tương đương 5,91% vốn điều lệ hiện hành, nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại Bảo Việt lên 22,09%.
Theo nhiều chuyên gia, các nhà đầu tư Nhật đang đứng trước cơ hội vàng nếu đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam đã tham gia 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) và 2 hiệp định đang đàm phán, bao phủ đến hầu hết các lục địa trên thế giới. Điều này khiến Việt Nam trở thành tâm điểm của các dòng chảy thương mại toàn cầu.
Với Hiệp định EVFTA, xuất khẩu của Việt Nam sang EU được dự báo tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 so với không có Hiệp định.
Gần đây, theo JETRO, người Nhật có xu hướng rời Trung Quốc và đầu tư vào Việt Nam, tập trung vào nhiều lĩnh vực như bất động sản, cơ sở hạ tầng, dịch vụ bán lẻ, may mặc, công nghệ cao, năng lượng, hàng không…
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 18/9, chỉ số VN-Index tăng lên gần ngưỡng 900 điểm.
Theo MBS, dù mạch tăng đã lan sang phiên thứ 4 liên tiếp nhưng thị trường vẫn duy trì nhịp dao động trong biên độ hẹp dưới ngưỡng cản 900 điểm. Trong phiên cuối tuần, nhà đầu tư sẽ trở nên thận trọng khi thị trường có nhiều sự kiện đáng chú ý như đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 9, các quỹ ETF reviews cho đến cuộc họp chính sách của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Do vậy, kịch bản khả dĩ lúc này là thị trường tiếp tục dao dộng trong vùng từ 878,53 điểm đến 905 điểm.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/9, VN-Index giảm 3,43 điểm xuống 894,04 điểm; HNX-Index tăng 0,6 điểm lên 128,47 điểm. Upcom-Index tăng 0,11 điểm lên 59,87 điểm. Thanh khoản đạt 7,6 nghìn tỷ đồng.