Cơ hội lớn cho cổ phiếu xây dựng
Dư địa tăng trưởng của cổ phiếu ngành xây dựng vẫn còn lớn khi mà nhiều doanh nghiệp nhà thầu xây dựng đang đứng trước cơ hội cải thiện 'sức khỏe' với khối lượng công việc đang có chiều hướng gia tăng.
Trong 2 tháng đầu năm 2025, khoảng 60% cổ phiếu ngành xây dựng niêm yết trên HoSE và HNX đã tăng giá. Tỷ suất sinh lời bình quân khoảng 9%, vượt trội hơn nhiều so với mức 2,3% của VN-Index, nhờ thông tin đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công. Mặc dù sau đó có nhiều phiên “rung lắc” nhưng một số cổ phiếu trong nhóm vẫn tăng giá, điển hình như cổ phiếu CTD (Coteccons), VCG (Vinaconex)…
Tự tin với kế hoạch
"Đẩy mạnh đầu tư công đã tạo ra tâm lý tích cực cho nhóm cổ phiếu xây dựng hạ tầng, bởi nhà đầu tư đang kỳ vọng vào khả năng tăng doanh thu, lợi nhuận từ các dự án lớn. Dòng tiền vào nhóm này đã tạo đáy cuối tháng 10/2024, phục hồi từ nửa cuối tháng 12 và chính thức bứt tốc từ đầu năm nay", ông Nguyễn Đại Hiệp, Giám đốc tư vấn khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định.
Thực tế, ngay từ năm 2024, ngành xây dựng đã có sự phục hồi nhất định, nhờ các động lực như: làn sóng đầu tư công, thị trường bất động sản khởi sắc, du lịch sôi động trở lại… Đến năm 2025, sự phục hồi của ngành xây dựng càng rõ nét hơn, chắc chắn hơn. Nhiều doanh nghiệp nhà thầu xây dựng bắt đầu bận rộn hơn khi khối lượng công việc gia tăng.

Nhiều doanh nghiệp nhà thầu xây dựng bắt đầu bận rộn hơn khi khối lượng công việc gia tăng.
Theo Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình Lê Viết Hải, trong nửa đầu năm 2024, do các chỉ số tài chính chưa tốt, Hòa Bình rất khó tiếp cận các gói thầu lớn. Song, từ sau khi công bố báo cáo soát xét bán niên 2024 với sự cải thiện vượt bậc ở các chỉ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu, lợi nhuận sau thuế…, tập đoàn đã bắt đầu giành được các dự án lớn.
Từ tháng 8/2024 đến tháng 4/2025, Hòa Bình đã trúng thầu tới 14 dự án với tổng giá trị trên 8.500 tỷ đồng, như: Eaton Park (1.900 tỷ đồng), H2 Hoang Huy Commerce (1.500 tỷ đồng), NewTown Diamond (900 tỷ đồng)…
Năm 2025, Hòa Bình đặt mục tiêu ký mới thêm hàng nghìn tỷ đồng, tạo nguồn việc ổn định cho năm nay và năm tiếp theo, bảo đảm hoàn thành mục tiêu kinh doanh đã đề ra.
Tại Fecon (FCN), ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT cho biết, đứng trước các cơ hội lớn khi chủ trương của Đảng và Nhà nước là đẩy mạnh đầu tư công, các loại dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị và hạ tầng năng lượng sẽ được triển khai hàng loạt trong giai đoạn 2025 - 2030, Fecon tự tin vào kết quả kinh doanh khởi sắc trong giai đoạn tới.
Năm 2025, Fecon trình ĐHĐCĐ kế hoạch đạt doanh thu hợp nhất 5.000 tỷ đồng, tăng trưởng 48% và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 200 tỷ đồng, tăng trưởng 565%, chi trả cổ tức tỷ lệ 5%.
ĐHĐCĐ CTCP Tập đoàn Cienco4 (C4G) cũng đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu đạt doanh thu 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 200 tỷ đồng, lần lượt tăng 19% và 11% so với mức thực hiện năm ngoái.
Đứng trước cơ hội lớn, bản thân các doanh nghiệp cũng đang lên kế hoạch, tập trung nguồn lực để đáp ứng.
Chẳng hạn, tại ĐHĐCĐ, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã thông qua phương án chào bán tối đa 347 triệu cổ phiếu, tổng giá trị dự kiến 3.470 tỷ đồng. Số vốn huy động sẽ được phân bổ 60% để thanh toán nợ vay ngân hàng và 40% để phục vụ các hợp đồng thi công, thanh toán cho nhà cung cấp. Doanh nghiệp cho biết, đây là bước đi chiến lược nhằm giảm áp lực tài chính, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để triển khai chiến lược kinh doanh đã đề ra. Công ty tin tưởng có thể khôi phục vị thế và bứt phá mạnh mẽ trong 3 năm tới.
Dư địa tăng còn lớn
Theo ông Nguyễn Đại Hiệp, dư địa tăng trưởng của cổ phiếu ngành xây dựng hạ tầng vẫn còn lớn bởi khi thông qua mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8%, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ đẩy nhanh các dự án hạ tầng chiến lược và khơi thông dòng vốn đầu tư công. Cụm từ "cải thiện tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công" liên tục được lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh trong các hội nghị gần đây, bởi một đồng vốn đầu tư công được giải ngân sẽ kéo theo 2 đồng vốn cho đầu tư xã hội.
Năm ngoái, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công bị chậm do Luật Đất đai 2024 có hiệu lực làm tăng chi phí giải phóng mặt bằng và tạm dừng một số dự án để điều chỉnh. Ngoài ra, thiếu vật liệu xây dựng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giải ngân vốn.
Tuy nhiên, theo ACBS, vai trò của động lực này trong năm nay còn lớn hơn khi tiêu dùng nội địa hồi phục chậm và đầu tư kinh tế tư nhân có xu hướng giảm. Hơn nữa, đây là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 nên Chính phủ đang cho thấy quyết tâm rất cao.
Ông Trịnh Hà, chuyên gia tài chính độc lập nhận định, cổ phiếu xây dựng dân dụng, nhà thầu không nằm trong nhóm chịu tác động trực tiếp của biến động chính sách thuế quan và đang có cơ hội tốt từ triển vọng tích cực của thị trường bất động sản, nhà đầu tư có thể xem xét lựa chọn, ưu tiên cổ phiếu của doanh nghiệp có năng lực tài chính, nhiều dự án.
Nhìn về dài hạn, VCBS kỳ vọng lĩnh vực xây dựng dân dụng sẽ hồi phục tốt trong giai đoạn 2025 - 2026 nhờ 3 yếu tố gồm khung pháp lý hoàn thiện, năng lực tài chính của doanh nghiệp phát triển bất động sản được cải thiện sau giai đoạn tái cấu trúc và tâm lý người mua nhà tích cực hơn. Từ năm 2025, thị trường bất động sản sẽ được thúc đẩy một phần nhờ yếu tố nhân khẩu học, khi thế hệ sinh vào khoảng năm 1990 - nhóm dân số bùng nổ mạnh nhất và chiếm tỷ trọng lớn trong tầng lớp trung lưu dự kiến bước vào giai đoạn tăng tốc mua nhà. Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cũng được kỳ vọng phục hồi trong các năm tới. Bên cạnh đó, dư địa phát triển khu công nghiệp còn lớn là động lực cho doanh nghiệp xây dựng công nghiệp.
Chứng khoán SSI nhận định, với viễn cảnh thị trường bất động sản nhà ở và đầu tư công khởi sắc, dự báo doanh thu và lợi nhuận của nhóm công ty xây dựng sẽ tăng mạnh, đặc biệt với các công ty có backlog cao và các công ty tham gia vào các dự án đầu tư công lớn như Coteccons, Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV), Vinaconex. Tuy nhiên, biên lợi nhuận mỏng vẫn sẽ là một thách thức đối với nhóm ngành này.
Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//co-phieu/co-hoi-lon-cho-co-phieu-xay-dung-1106671.html