Cơ hội lớn cho hàng Việt dịp Black Friday

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam tận dụng ngày Black Friday nói riêng cũng như dịp mua sắm cuối năm để thu hút khách hàng, giành thị phần tại thị trường nội địa

Black Friday 2024 hay còn gọi là "Thứ sáu đen tối" sẽ diễn ra vào ngày 29-11. Đây là dịp giảm giá mạnh nhất trong năm cũng là thời điểm khởi động các hoạt động kích cầu tiêu dùng, mua bán sôi động nhất vào cuối năm.

Mua sắm online lấn lướt

Vài ngày qua, tại TP HCM, các cửa hàng kinh doanh thời trang, đồ gia dụng, mỹ phẩm… ở các trung tâm thương mại như Vincom Đồng Khởi (quận 1), Vạn Hạnh Mall (quận 10), Giga Mall (TP Thủ Đức) hoặc trên những tuyến đường sầm uất như Nguyễn Trãi (quận 5), Sư Vạn Hạnh (quận 10) đã dán bảng giảm giá "kịch trần" dịp Black Friday từ 50%-70%; một số nơi hạ giá tới 80%, mua 1 tặng 1 hoặc mua 2 tặng 1. Tuy nhiên, lượng khách hàng vẫn tỏ ra ít quan tâm tới những chương trình này.

Tại Vạn Hạnh Mall, ông Minh Khôi - quản lý cửa hàng quà tặng, phụ kiện thương hiệu T. - cho biết dù đang có chương trình "khủng" như giảm giá 50%, mua 2 tặng 1, áp dụng từ ngày 22-11 đến 2-12 nhưng lượng khách mua sắm khá ảm đạm.

Tại Hà Nội, nhiều tuyến phố thời trang như Cầu Giấy, Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch… cùng các trung tâm thương mại ngập tràn những biển hiệu siêu giảm giá, tặng quà, song khách hàng tới mua trực tiếp khá thưa thớt.

Trong khi đó, khảo sát cho thấy hoạt động mua sắm online diễn ra sôi động. Chị Mai Hạnh (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) cho biết những ngày qua, chị thường xem livestream, mega live để săn sale. Trên mạng xã hội Facebook, nhiều fanpage các nhãn hàng liên tục chạy quảng cáo khuyến mãi rầm rộ trong dịp Black Friday. Chẳng hạn, thương hiệu thời trang J. của Việt Nam thông báo bổ sung hơn 1.000 mã sản phẩm "hot" giá chỉ 110.000 - 333.000 đồng, giảm sâu 70%, giảm thêm 10% khi mua 2 sản phẩm, 15% khi mua từ 3 sản phẩm… áp dụng từ ngày 22 đến 30-11. Thương hiệu đồ gia dụng nổi tiếng B. tung mã giảm giá đến 1,5 triệu đồng và nhiều phần quà may mắn nếu mua đơn hàng có giá trị từ 20-30 triệu đồng trở lên… Theo đó, mỗi bài viết này thu hút hàng trăm lượt tương tác, khá nhiều tài khoản đã để lại thông tin, số điện thoại để cửa hàng liên lạc.

Nhiều nơi khuyến mãi rầm rộ trong dịp Black Friday. Ảnh: LÊ THÚY

Nhiều nơi khuyến mãi rầm rộ trong dịp Black Friday. Ảnh: LÊ THÚY

Đáng chú ý, từ ngày 25-11 đến 1-12, Bộ Công Thương tổ chức Tuần lễ Thương mại điện tử (TMĐT) quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam (Online Friday 2024). Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thông tin điểm đặc biệt của chương trình năm nay là tôn vinh hàng Việt, giúp sản phẩm Việt Nam sánh vai cùng các thương hiệu toàn cầu. Bộ Công Thương sẽ tập trung quảng bá hàng Việt thông qua hợp tác với KOL, KOC (những người có tầm ảnh hưởng) và các sàn TMĐT như Shopee, Lazada, TikTok Shop… để quảng bá.

TikTok Shop công bố sẽ tung ra loạt mã giảm giá lên đến 20%, giá trị từ 20.000 tới 100.000 đồng, áp dụng cho tất cả sản phẩm hàng Việt trên nền tảng. Đặc biệt, vào khung giờ vàng từ 20 giờ 30 phút đến 21 giờ ngày 29-11, người tiêu dùng có cơ hội nhận các voucher 200.000 đồng với số lượng giới hạn.

Trong khi đó, đại diện Shopee phối hợp với Bộ Công Thương triển khai chương trình "Shopee chung tay cùng hàng Việt" từ ngày 29-11 đến 1-12, giới thiệu các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao kèm ưu đãi lớn. Bên cạnh đó, Lazada triển khai chương trình Black Friday kéo dài từ ngày 25-11 đến 2-12 với nhiều ưu đãi nổi bật: giảm giá lên đến 50%, miễn phí vận chuyển hoàn toàn và voucher trị giá tới 400.000 đồng…

Hàng Việt cần nỗ lực hơn

Với hệ thống phân phối hiện đại, bà Nguyễn Thị Hoài Thương, Giám đốc siêu thị WinMart Thăng Long, cho rằng hàng Việt đang được ưu tiên đẩy mạnh tiêu thụ trong dịp cuối năm. Hệ thống siêu thị đã và đang nỗ lực đồng hành với các địa phương, doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã và nông hộ nhằm phát triển nguồn hàng Việt bền vững cho hệ thống trên toàn quốc, với tỉ lệ hàng nội địa luôn duy trì trên 90%.

"Từ việc ký kết thỏa thuận hợp tác dài hạn cho tới việc tổ chức các sự kiện tuần lễ hàng nội địa hay chương trình OCOP, chúng tôi tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp (DN) Việt có cơ hội tiếp cận thị trường lớn hơn, nâng cao khả năng cạnh tranh và khẳng định chỗ đứng của mình trong môi trường bán lẻ hiện đại" - bà Thương khẳng định.

Tuy nhiên, về phía DN sản xuất, ông Trần Đình Thăng, Giám đốc Công ty TNHH Nhật Việt (chủ thương hiệu giày dép Vento Việt Nam), nhìn nhận dù là mùa mua sắm cuối năm song sức tiêu thụ sản phẩm vẫn chưa đạt kỳ vọng trong khi DN phải theo trào lưu giảm giá nhằm giải phóng hàng tồn, chứ chưa dám nghĩ tới kinh doanh có lợi nhuận.

Ông Thăng kỳ vọng thương hiệu Việt sẽ có nhiều cơ hội chiếm lĩnh thị trường hơn, đồng thời DN cần môi trường cạnh tranh bình đẳng với hàng nhập khẩu giá rẻ kết hợp thay đổi chiến lược bán hàng nội địa: Không chỉ giảm giá để tạo sức hút mà tăng giá, tăng chất lượng mới là yếu tố bền vững giúp hàng Việt giữ chân được người Việt.

Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok tại Việt Nam, chỉ ra hàng Việt Nam tuy có tính chất, đặc thù riêng nhưng do quy mô của DN sản xuất rất nhỏ so với toàn cầu nên khó có đủ nguồn lực để theo kịp DN ngoại. Nhiều DN cũng chưa nhìn thấy rủi ro trong việc không hòa mình vào cuộc chuyển đổi số. Nếu DN bỏ qua chuyển đổi số thì sẽ tụt hậu, người tiêu dùng sẽ bỏ đi.

Theo ông Thanh, việc mua sắm đi kèm với giải trí trên không gian mạng đang ngày trở nên phổ biến. Vì vậy, DN phải nắm bắt xu hướng này để chuyển đổi.

Để hỗ trợ hàng Việt, Phó Cục trưởng Lại Việt Anh cho biết giai đoạn cuối năm, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai kích cầu một loạt chương trình giúp DN Việt Nam đưa hàng lên kênh online. Trong 3 năm qua, nhất là sau dịch COVID-19, TMĐT định hình lại mô hình kinh doanh, do vậy muốn tồn tại, cạnh tranh, các DN phải chuyển đổi mạnh mẽ, tham gia vào kênh TMĐT. Bộ Công Thương cam kết hỗ trợ các DN đẩy mạnh đưa hàng lên kênh online thông qua các chương trình tập huấn, kết nối giao thương...

Kiểm soát chặt chất lượng, giá hàng hóa

Với Tuần lễ TMĐT quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng để tăng cường kiểm soát chất lượng, giá hàng hóa trong chương trình giảm giá, tránh tình trạng thổi giá, giảm giá ảo để lừa đảo người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các sàn TMĐT lớn đồng hành trong việc kiểm tra, giám sát nguồn gốc hàng hóa, bảo đảm các chương trình khuyến mãi theo đúng cam kết.

Đẩy mạnh xuất khẩu qua sàn TMĐT

Ngày 26-11, tại Hà Nội, Cục TMĐT và Kinh tế số tổ chức Diễn đàn Kết nối và phát triển TMĐT 2024 với chủ đề "TMĐT xuyên biên giới, cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm Việt".

Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, dẫn số liệu từ báo cáo của Amazon Global Selling Việt Nam cho biết hơn 17 triệu sản phẩm của DN Việt đã được xuất khẩu, tăng 50% về giá trị và tăng 40% về số lượng đối tác bán hàng. Về tổng quan, TMĐT xuyên biên giới đã tăng trưởng 26% so với năm trước.

Những con số này là minh chứng rõ nét cho tiềm năng to lớn và sự nỗ lực không ngừng của các DN Việt Nam trong việc tận dụng nền tảng số để mở rộng thị trường quốc tế. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, bà Oanh nhấn mạnh TMĐT xuyên biên giới trở thành kênh xuất khẩu hàng hóa quan trọng, mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc tiếp cận, triển khai ứng dụng TMĐT xuyên biên giới, như hạn chế về kiến thức và kỹ năng số; năng lực cạnh tranh chưa cao; thiếu thông tin thị trường và các vấn đề khó khăn liên quan đến rào cản pháp lý, thuế quan, logistics, thanh toán...

Bên cạnh đó, những biến động của thị trường quốc tế, các căng thẳng thương mại, cùng các yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn chất lượng đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ phía cộng đồng DN, đặc biệt là các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

LÊ THÚY - LÊ TỈNH - PHƯƠNG AN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/co-hoi-lon-cho-hang-viet-dip-black-friday-196241126210429379.htm