Cơ hội mới, giá trị mới trong phát triển Thủ đô

Bộ Chính trị vừa có Kết luận số 80-KL/TƯ về 2 quy hoạch của Hà Nội. Theo các chuyên gia, với lĩnh vực văn hóa, Kết luận có ý nghĩa to lớn, là cơ hội để Hà Nội có những cơ chế, động lực nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng Thủ đô 'Văn hiến- Văn minh- Hiện đại'.

Phát triển kinh tế đêm

Trong Kết luận số 80-KL/TƯ, Bộ Chính trị cơ bản thống nhất với các quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn và nội dung chủ yếu của các quy hoạch. Trong Kết luận, Bộ Chính trị đã lưu ý, nhấn mạnh 8 nội dung.

Ngày 24/5/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 80-KL/TƯ về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Riêng đối với lĩnh vực văn hóa, theo các chuyên gia, những lưu ý, nhấn mạnh của Bộ Chính trị như “kim chỉ nam” cho quá trình thực hiện sau này, đặc biệt là việc phát triển kinh tế, xã hội phù hợp với điều kiện, đặc điểm, nguồn lực riêng có của Hà Nội.

Trình diễn nghệ thuật 3D mapping hình ảnh các sản phẩm du lịch đêm và các điểm di sản văn hóa, lịch sử của Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Duy Khánh

Trình diễn nghệ thuật 3D mapping hình ảnh các sản phẩm du lịch đêm và các điểm di sản văn hóa, lịch sử của Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Duy Khánh

Theo Chủ tịch Hiệp hội CLB UNESCO TP Hà Nội, Nguyên Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trương Minh Tiến: “Trong Kết luận, Bộ Chính trị nhấn mạnh việc phát triển công nghiệp văn hóa, mô hình kinh tế đêm. Tôi cho rằng, đây là cơ hội để Hà Nội có được cơ chế đặc thù, mang tính đột phá, là động lực để hiện thực hóa khát vọng xây dựng Thủ đô Văn hiến – Văn minh - Hiện đại. Vì vậy, trong giai đoạn này, Hà Nội phải có tầm nhìn mới, tư duy mới mang tính toàn cầu và lấy con người làm trung tâm”.

Về việc phát triển kinh tế đêm, các chuyên gia cho rằng, thời gian qua, Hà Nội đã đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực này, là địa phương xây dựng thành công nhiều sản phẩm du lịch đêm. Mặc dù vậy, TP vẫn cần có cơ chế, chính sách phù hợp, đặc thù cho hoạt động kinh tế đêm. Phát triển kinh tế đêm cần gắn với các không gian văn hóa, đảm bảo hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Trong Kết luận 80-KL/TƯ, Bộ Chính trị đã chỉ đạo, Hà Nội cần nghiên cứu, phát triển các mô hình kinh tế đêm đặc thù đối với từng khu vực, chú trọng hơn nữa việc khai thác lợi thế sông, hồ của Hà Nội, nhất là tiềm năng hồ Tây, sông Hồng, sông Đuống, sông Tô Lịch.

Theo Chủ tịch Hiệp hội CLB UNESCO TP Hà Nội Trương Minh Tiến: "Trong quy hoạch bãi giữa sông Hồng, và trong Luật Thủ đô trình Quốc hội thông qua đã có những nội dung, theo tôi cần tận dụng để phát triển một không gian mới về kinh tế đêm. Ở bãi giữa sông Hồng, khi có cơ chế đặc thù để phát triển kinh tế đêm, phục vụ khách du lịch không phù hợp múi giờ Hà Nội chắc chắn sẽ thu hút du khách, hạn chế được việc hưởng đến đời sống Nhân dân”.

Mặt khác theo các chuyên gia, TP cần quy hoạch một số khu vực đô thị vệ tinh quanh khu vực nội đô như Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh, xa hơn nữa là Ứng Hòa, Phú Xuyên để hoạch định các điểm phát triển kinh tế đêm không làm ảnh hưởng đến dân cư, an ninh trật tự.

Cân bằng giữa kinh tế và văn hóa

Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn trong việc phát triển kinh tế và giữ gìn và phát huy bản sắc, giá trị văn hóa dân tộc. Nhìn về tương lai, những kỳ vọng cho Hà Nội không chỉ là sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế mà còn là sự bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, để Hà Nội xứng đáng là nơi đại diện cho hình ảnh đẹp đẽ nhất về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam; xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.

Di sản văn hóa Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Lại Tấn

Di sản văn hóa Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Lại Tấn

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ: “Văn hóa là một lĩnh vực đặc biệt của Thủ đô khi Hà Nội luôn là ngọn hải đăng, dẫn dắt và điều tiết cho sự phát triển văn hóa của cả đất nước. Chúng ta kỳ vọng Hà Nội sẽ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa quan trọng của Thủ đô cũng như của cả đất nước, như các di tích lịch sử Văn Miếu, Hoàng thành Thăng Long, khu vực Ba Đình, và các công trình kiến trúc cổ. Để bảo tồn không chỉ dừng lại ở việc duy trì hiện trạng mà còn phải phát triển và quảng bá các di sản này một cách sáng tạo để thu hút du khách. Kiến trúc đô thị cũng cần kết hợp hài hòa giữa hiện đại và truyền thống, để không làm mất đi nét đẹp vốn có của TP”.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, tương lai của Hà Nội nằm ở sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn, phát huy bản sắc, giá trị văn hóa dân tộc. Sự kết hợp hài hòa giữa hiện đại hóa và giữ gìn bản sắc văn hóa sẽ giúp Hà Nội không chỉ phát triển về mặt vật chất mà còn trở nên giàu có về tinh thần. Với định hướng đúng đắn của Đảng, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn thể Nhân dân, Hà Nội hoàn toàn có thể trở thành một thành phố đáng sống, phát triển mạnh mẽ và giữ được nét đẹp truyền thống của mình, thực sự xứng đáng là Thủ đô của nước Việt Nam giàu mạnh, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc.

Minh An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/co-hoi-moi-gia-tri-moi-trong-phat-trien-thu-do.html