Cơ hội nâng hạng thị trường Việt Nam trong năm 2025 vẫn còn nếu kịp thời cải thiện các điểm nghẽn
Dù Việt Nam chưa được nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 theo đánh giá của FTSE Russell, nhưng Việt Nam đang cho thấy những nỗ lực trong cải thiện hệ thống theo hướng chuẩn quốc tế. Nếu tiến độ cải cách được duy trì, cơ hội trong năm 2025 vẫn còn nguyên.
Cơ hội nâng hạng chưa khép lại
Trong kỳ đánh giá mới đây của FTSE Russell, thị trường Việt Nam tiếp tục chưa được nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2, một phần vì vẫn còn những tiêu chí chưa đáp ứng đầy đủ. Tuy nhiên, theo ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng SSI, đánh giá lần này đã có những điểm tích cực khi FTSE thể hiện sự quan tâm sâu sắc hơn đến quá trình triển khai các giải pháp mới của Việt Nam, thay vì chỉ dừng lại ở những nhận định khái quát như các kỳ trước.
Cụ thể, FTSE Russell ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc áp dụng giải pháp giao dịch không cần ký quỹ trước cho nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Dù mới chỉ được triển khai trong vòng 5 tháng, nhưng hiệu quả ban đầu là khá rõ ràng.

Nếu kịp thời cải thiện các điểm nghẽn, cơ hội nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2025 vẫn còn. Ảnh: T.L
Tuy nhiên, để tiếp tục tiến tới nâng hạng, Việt Nam vẫn cần hoàn thiện thêm nhiều yếu tố. Một trong những vấn đề nổi bật được FTSE nhấn mạnh là thủ tục mở tài khoản giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn phức tạp, tốn thời gian.
Trong bối cảnh các nhà đầu tư tổ chức lớn - những đối tượng chủ yếu sẽ quan tâm đến thị trường sau khi nâng hạng thường không có nhiều thời gian dành cho các thủ tục hành chính, đây là một điểm nghẽn cần được cải thiện sớm.
Theo ông Phạm Lưu Hưng, hiện nay, một số giao dịch thất bại đã xuất hiện nhưng quy mô vẫn nhỏ và không gây thiệt hại đáng kể. Tuy nhiên, điều cần quan tâm là quy trình xử lý những tình huống này có thực sự hợp lý và phù hợp với thông lệ quốc tế hay không. Trong đó, có những điểm cần điều chỉnh, như việc công bố thông tin - tránh để lộ danh tính quá chi tiết của các nhà đầu tư, đặc biệt là tổ chức nước ngoài.
Một trở ngại khác là vấn đề về room sở hữu nước ngoài. Nếu các công ty niêm yết không minh bạch trong việc công bố tỷ lệ sở hữu và không mở đủ không gian cho nhà đầu tư nước ngoài, họ sẽ khó tiếp cận, từ đó ảnh hưởng đến khả năng Việt Nam lọt vào các rổ chỉ số lớn.
Ông Hưng nhận định rằng, nếu tỷ trọng của Việt Nam trong các rổ chỉ số chỉ đạt mức quá thấp, ví dụ 0,3%, thì nhiều nhà đầu tư có thể sẽ không quan tâm.
Về phía các cơ quan chức năng, theo ông Phạm Lưu Hưng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành kế hoạch hành động từ tháng 3 đến tháng 9 với 8 đến 9 đầu việc cụ thể, phần lớn tập trung vào việc khắc phục những tiêu chí chưa đạt để chuẩn bị cho kỳ đánh giá vào tháng 9.
Một trong những nội dung quan trọng là hoàn thiện quy trình xử lý giao dịch thất bại - một khái niệm còn khá mới tại Việt Nam. Đây là yếu tố được FTSE đề cập trong báo cáo lần này.
Về triển vọng nâng hạng trong kỳ đánh giá tháng 9 tới, ông Hưng cho rằng, chặng đường còn lại tuy ngắn nhưng rất quan trọng. Những chuyển biến tích cực đã bắt đầu xuất hiện và nếu các đầu việc được triển khai đúng tiến độ, khả năng đạt được mục tiêu nâng hạng trong năm 2025 là hoàn toàn có cơ sở.
Sắc đỏ bao trùm thị trường
Về diễn biến trên sàn chứng khoán, trong những phiên giao dịch gần đây, thị trường chứng khoán chìm trong sắc đỏ, chủ yếu do lo ngại về làn sóng áp thuế mới từ Mỹ. Dưới góc nhìn đầu tư, theo ông Lê Thành Trung - Giám đốc Tư vấn Đầu tư Khách hàng cao cấp, Công ty CP Chứng khoán Smart Invest (AAS), các chính sách thương mại đối ứng của Mỹ đang gây sức ép lớn lên các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Trong 3 đến 4 năm qua, Mỹ liên tục rà soát và áp thuế lên nhiều mặt hàng, khiến Việt Nam trở thành một trong những thị trường bị kiểm soát gắt gao nhất, chỉ sau Trung Quốc.

Chỉ số VN-Index tiếp tục giảm 38,48 điểm xuống còn 1.094,3 điểm trong phiên ngày 9/4.
Ở tầm khu vực, không chỉ Việt Nam gặp khó. Các nước như Thái Lan hay Malaysia cũng chịu áp lực tương tự trong các ngành cao su và nông sản. Đây thực chất là một cuộc đua giành lợi thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu - nơi Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn và có sức ảnh hưởng mạnh.
Theo chuyên gia từ AAS, những doanh nghiệp có tỷ lệ xuất khẩu thấp hoặc gần như không phụ thuộc vào Mỹ, chẳng hạn trong lĩnh vực nước sạch, năng lượng hay tiện ích, lại đang giữ được sự ổn định tương đối và có thể trở thành “nơi trú ẩn” an toàn trong giai đoạn nhiều biến động.
Với nhà đầu tư, ông Trung cho rằng cần đặc biệt chú ý đến những cổ phiếu có tỷ trọng xuất khẩu cao vào Mỹ, bởi đây là nhóm chịu rủi ro lớn nhất.
Một số ngành đang phụ thuộc đáng kể vào thị trường này như dệt may, thực phẩm, đặc biệt là cá tra, tôm hay thép, gỗ... đều đang đối mặt với áp lực thuế gia tăng.
Về chiến lược đầu tư, ông Trung khuyến nghị nên tập trung vào các doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng bởi thương mại quốc tế, đặc biệt là thuế nhập khẩu từ Mỹ. Những doanh nghiệp có thị trường tiêu thụ đa dạng, sức khỏe tài chính tốt và nội lực đủ mạnh sẽ có khả năng trụ vững hơn trước các cú sốc toàn cầu.
Dù trước mắt còn nhiều thận trọng, nhưng về dài hạn, khi chính sách quốc tế ổn định trở lại và thị trường điều chỉnh đủ sâu, dòng tiền đầu tư sẽ quay lại. Khi đó, cổ phiếu của các doanh nghiệp có nền tảng vững chắc và ít bị tác động bởi các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ là lựa chọn hấp dẫn trong danh mục đầu tư dài hạn./.