Cơ hội nâng tầm cho sản phẩm OCOP
Sau khi hợp nhất địa giới hành chính, tỉnh An Giang đã mở ra không gian phát triển rộng lớn cho Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đây là cơ hội vàng để nâng tầm sản phẩm đặc trưng địa phương, từ vùng nguyên liệu đến thương mại hóa sản phẩm, gắn với du lịch và kinh tế xanh.
Mở rộng vùng nguyên liệu
Ông Lê Hữu Toàn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, sau hơn 5 năm triển khai, toàn tỉnh có 582 sản phẩm OCOP được công nhận tại 102 đơn vị hành chính cấp xã, bình quân đạt 5,7 sản phẩm/đơn vị. Riêng hai năm 2023 và 2024, mỗi năm có hơn 150 sản phẩm mới đạt chuẩn. Sản phẩm OCOP chủ yếu tập trung ở nhóm thực phẩm (506 sản phẩm), tiếp đến là thủ công mỹ nghệ, đồ uống, dược liệu, sinh vật cảnh và dịch vụ du lịch. Nhiều sản phẩm khẳng định được thương hiệu như: Gạo thơm đặc sản, nước mắm Phú Quốc, mật thốt nốt, bắp non đóng hộp... Năm 2025, tỉnh có 14 sản phẩm đạt 5 sao và 1 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao. Đây là minh chứng cho nỗ lực cải tiến chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bao bì và tiêu chuẩn quốc tế.

Bà Lê Thị Bê cùng con gái kiểm tra sản phẩm mắm cá đồng
Để phát triển OCOP hiệu quả, An Giang xác định vùng nguyên liệu là nền tảng then chốt. Nhiều mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ đã hình thành: Sầu riêng Vĩnh Hòa, xoài keo Cù Lao Giêng, bắp non Antesco, với vùng trồng hơn 7.000ha... giúp nông dân ổn định đầu ra, nâng chuẩn chất lượng sản phẩm. Địa bàn mở rộng tạo điều kiện hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, kết nối sản xuất - chế biến - thương mại. Đây là bước đệm để sản phẩm OCOP mang tính đặc trưng địa phương, nhưng vẫn có sức cạnh tranh trên thị trường.
Ngồi bên khạp mắm tỏa mùi thơm nồng, bà Lê Thị Bê (72 tuổi), ngụ ấp Ngã Cạy, xã An Biên, chủ thể sản phẩm OCOP 3 sao “Mắm cá đồng tập tàng” cho biết: “Tỉnh nhập lại, tôi không còn lo thiếu nguyên liệu làm mắm như trước nữa”. Mỗi năm, bà Bê sản xuất 200 - 300kg mắm, thu lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng. Trước đây, nguồn cá thiên nhiên khan hiếm khiến nghề làm mắm của gia đình bà gặp khó khăn. Nay có thêm địa bàn khai thác cá đồng, bà dự định mở rộng sản xuất.
Tăng cường hỗ trợ
Chị Đỗ Thị Bích Trân - chủ cửa hàng đặc sản Nắng Kiên Giang cho biết: “Du khách rất chuộng cốm gạo An Giang, kẹo khóm, thốt nốt sấy dẻo, nước mắm Phú Quốc... vì hương vị riêng và chất lượng ngày càng tốt. Nhiều sản phẩm OCOP đã thành “đặc sản quốc dân”, được nhiều du khách tin dùng. Tuy nhiên, một số sản phẩm chưa được chủ thể OCOP đầu tư mẫu mã. Có món tôi phải đóng lọ đẹp lại mới bán được. Có lúc còn bị đứt nguồn hàng, khó giữ khách quen”.
Dù đạt nhiều kết quả tích cực, việc thương mại hóa sản phẩm OCOP vẫn còn vướng mắc. Một số chủ thể OCOP sản xuất nhỏ lẻ, đầu tư chưa bài bản, bao bì thiếu chuyên nghiệp, liên kết thị trường yếu; sản phẩm không duy trì được sau công nhận. Qua tìm hiểu từ các chủ thể OCOP, phần đông họ gặp khó khăn về vốn đầu tư bao bì, mẫu mã, cải tiến quy trình sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu. Để góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn này, theo ông Lê Hữu Toàn, thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh hỗ trợ chủ thể OCOP tiếp cận vốn tín dụng, kỹ thuật lẫn năng lực quản lý.

Khách du lịch tham quan, mua sắm sản phẩm OCOP tại cửa hàng đặc sản Nắng Kiên Giang
Chi cục Phát triển nông thôn và Quản lý chất lượng được giao tổ chức tập huấn, hỗ trợ hồ sơ, tem nhãn, bao bì và kinh phí xây dựng sản phẩm đạt chuẩn. Tỉnh cũng định hướng xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái tại địa phương có tiềm năng, sử dụng nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. “Năm 2025, An Giang sẽ phát triển mạnh dòng sản phẩm OCOP dịch vụ, nhất là du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, phấn đấu mỗi xã có ít nhất một điểm giới thiệu sản phẩm OCOP”, ông Lê Hữu Toàn cho biết.
Với quy mô mở rộng, định hướng rõ ràng và sự quyết tâm từ lãnh đạo tỉnh đến các chủ thể sản xuất, chương trình OCOP tại An Giang đang từng bước trở thành động lực phát triển kinh tế nông thôn, là niềm tự hào trong thời kỳ mới sau sáp nhập.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/co-hoi-nang-tam-cho-san-pham-ocop-a424870.html