Cơ hội nào cho giáo viên hợp đồng ở Thanh Hóa?

Hàng nghìn giáo viên hợp đồng theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang bất an...

Thầy giáo Chá Văn Pó và học sinh ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa).

Thầy giáo Chá Văn Pó và học sinh ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa).

Họ bất an khi thời hạn hợp đồng lao động sẽ kết thúc vào ngày 31/5 và không biết có được tiếp tục ký.

Giáo viên hợp đồng bất an

Cô Hà Thị Hương - giáo viên hợp đồng theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 (gọi tắt giáo viên hợp đồng 111 - PV) đang dạy ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trung Lý, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) được tuyển dụng đầu tháng 1/2025. Thời hạn hợp đồng đến ngày 31/5 sẽ kết thúc nên cô Hương có tâm trạng khá bất an vì không biết sau đó có được tiếp tục ký hợp đồng hay không?

Cô Hà Thị Hương tốt nghiệp Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) từ năm 2014, nhưng không xin được việc làm, phải làm công nhân ở tỉnh Bắc Ninh. Sau 10 năm làm công nhân, cô Hương quay về làm đơn xét tuyển làm giáo viên hợp đồng 111 ở huyện Mường Lát. Hoàn cảnh gia đình cô Hương khá vất vả khi con gái học lớp 3 và phải nhờ ông bà nội ở thị trấn Lang Chánh (Thanh Hóa) nuôi dạy, chăm sóc; chồng cô làm công nhân tại Bắc Ninh.

“Nguyện vọng của chúng tôi là được ký lại hợp đồng, tiếp tục công tác ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trung Lý và chờ có đợt tuyển dụng viên chức, sẽ tham gia dự tuyển vào ngành Giáo dục”, cô Hương tâm sự.

Ông Nguyễn Duy Thủy - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trung Lý cho biết, trường có 14 lớp nhưng mới có 18 giáo viên, trong đó 2 giáo viên hợp đồng 111. Hiện tại, nếu tính theo chỉ tiêu biên chế của UBND huyện giao thì thiếu 2 giáo viên. Nhưng tính theo Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT, ngày 30/10/2023 của Bộ GD&ĐT, trường thiếu tới 15 giáo viên.

“Sau khi có 2 giáo viên hợp đồng 111, UBND huyện giao nhà trường ký hợp đồng và sử dụng lao động. Tuy nhiên, nhà trường phải trích kinh phí hoạt động của đơn vị để trả lương hằng tháng cho giáo viên, vì cấp trên chưa cấp ngân sách về trường”, ông Thủy thông tin.

Tương tự cô Hà Thị Hương, thầy Chá Văn Pó - giáo viên hợp đồng 111 ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) cũng “phấp phỏng” lo âu khi thời hạn hợp đồng sắp kết thúc.

Ông Nguyễn Văn Quý - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thầy Chá Văn Pó (31 tuổi), quê ở xã Pù Nhi (Mường Lát, Thanh Hóa), dạy môn Địa lý. Thầy tốt nghiệp chuyên ngành Đại học Sư phạm Địa lý, Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) năm 2016 nhưng không xin được việc. Đến đầu năm 2025, thầy Pó được UBND huyện Mường Lát xét tuyển vào diện hợp đồng 111”.

Dù là giáo viên hợp đồng nhưng thầy giáo Chá Văn Pó có trình độ chuyên môn vững vàng, nhiệt huyết với nghề và thương yêu học sinh. “Hoàn cảnh gia đình thầy Chá Văn Pó cũng khó khăn. Vợ thầy không có công ăn việc làm ổn định và nuôi hai con nhỏ, nên mọi chi phí cho sinh hoạt gia đình đều trông vào đồng lương hằng tháng của thầy Pó”, ông Quý chia sẻ.

Năm 2016, tốt nghiệp đại học nhưng không xin được việc làm, thầy Chá Văn Pó vào miền Nam làm công nhân, sau đó ra Hà Nội làm thuê đến khi được UBND huyện Mường Lát xét tuyển vào hợp đồng 111.

“Tốt nghiệp đại học gần chục năm trời, trải qua nhiều gian nan, vất vả tôi mới được huyện xét vào hợp đồng 111. Vì thế, tôi và đồng nghiệp thuộc diện hợp đồng rất lo lắng khi thời hạn sắp kết thúc. Chúng tôi rất mong được cấp trên quan tâm, tạo điều kiện cho tái ký hợp đồng và nâng thời hạn theo từng năm để yên tâm công tác”, thầy Chá Văn Pó tâm sự.

 Cô giáo Hà Thị Hương (giáo viên hợp đồng 111) dạy học tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa).

Cô giáo Hà Thị Hương (giáo viên hợp đồng 111) dạy học tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa).

Đề nghị ký hợp đồng 12 tháng cho giáo viên

Quyết định 5273/QĐ-UBND ngày 31/12/2024, của UBND tỉnh Thanh Hóa quy định, thời gian thực hiện hợp đồng giáo viên theo Nghị định 111 từ ngày 1/1/2025 đến ngày 31/5/2025, nghĩa là hợp đồng với giáo viên có thời hạn không quá ngày 31/5/2025 (thời điểm kết thúc năm học 2024 - 2025).

Do đến ngày 31/5 sẽ hết thời hạn hợp đồng và không biết có được tiếp tục ký liền mạch từ tháng 6 hay không, nên hơn 3.800 giáo viên hợp đồng 111 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang rất lo lắng.

Trường hợp nếu không được ký hợp đồng trong thời gian nghỉ hè (2 tháng) khiến giáo viên hợp đồng 111 không có thu nhập; các loại bảo hiểm cũng bị gián đoạn và làm ảnh hưởng đến cuộc sống.

Trước thực trạng trên, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa ký hợp đồng giáo viên theo Nghị định 111 kéo dài cả năm (12 tháng) để đảm bảo quyền lợi người lao động và phù hợp với đặc thù nghề giáo viên.

Ông Tạ Hồng Lựu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, cho biết, việc quyết định ký hợp đồng với giáo viên theo Nghị định 111 trong thời gian diễn ra năm học (9 tháng) hay cả năm (12 tháng), tới đây sẽ được HĐND tỉnh Thanh Hóa xem xét quyết nghị và UBND tỉnh có quyết định cụ thể.

“Ngành Giáo dục có đặc thù riêng, thời gian nghỉ hè là những tháng diễn ra các kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh và nhiều chương trình bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên. Hơn nữa, khi ký hợp đồng đủ 12 tháng, thì mới ổn định đội ngũ, đảm bảo cuộc sống cho người lao động, từ đó nâng cao chất lượng dạy và học”, ông Tạ Hồng Lựu chia sẻ.

Ông Đầu Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết, hiện các cơ quan liên quan thực hiện tham mưu để có quyết định phù hợp về số lượng giáo viên cũng như thời gian hợp đồng.

“Trong thời gian tới, các sở, ngành liên quan tổng hợp nhu cầu số lượng giáo viên hợp đồng cụ thể từng trường, cấp cho năm học 2025 - 2026. Về thời điểm, thời gian hợp đồng, Sở Nội vụ sẽ phối hợp với sở GD&ĐT, sở Tài chính tổng hợp, tham mưu trình cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết sao cho phù hợp với tình hình thực tế”, ông Đầu Thanh Tùng thông tin.

“Nếu không ký hợp đồng liền mạch những tháng nghỉ hè, mà thực hiện ký lại hợp đồng vào đầu năm học sẽ vướng mắc về pháp lý, không tránh khỏi khó khăn về nguồn lao động. Bởi nếu ngắt quãng thời gian như vậy, giáo viên có thể bỏ nghề để làm các công việc khác”. - Ông Tạ Hồng Lựu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa

Thế Lượng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/co-hoi-nao-cho-giao-vien-hop-dong-o-thanh-hoa-post729911.html