Cơ hội phát triển công nghệ và nguồn nhân lực cho điện gió ngoài khơi
Năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi đang được định hình là một ngành công nghiệp mới, đóng vai trò mũi nhọn trong tương lai. Tuy nhiên, do là lĩnh vực mới cho nên từ chuỗi cung ứng cho đến công nghệ và nhân lực đều còn nhiều hạn chế.
T&T Group là một trong những tập đoàn đa ngành của Việt Nam tiên phong đầu tư vào lĩnh vực năng lượng xanh. Mekong – ASEAN đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T, xoay quanh những vấn đề về công nghệ và nguồn nhân lực cho ngành năng lượng tái tạo Việt Nam
Mekong – ASEAN: Bà nhận định thế nào về tình trạng chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay trong ngành điện gió?
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình: Lĩnh vực điện gió cần sử dụng lao động chuyên môn trong các ngành khác nhau như kỹ sư điện, xây dựng, cầu đường… Hiện nay, các dự án năng lượng tái tạo đã sử dụng nguồn nhân lực của Việt Nam cho nhiều hạng mục xây dựng. Tuy nhiên, một số hạng mục quan trọng đòi hỏi trình độ công nghệ cao như lắp đặt tuabin, vận hành… vẫn phải do chuyên gia nước ngoài đảm nhiệm.
Tuy nhiên, chắc chắn chỉ một thời gian ngắn nữa thôi sẽ diễn ra quá trình chuyển giao công nghệ rất nhanh, trong đó có thông qua hình thức liên doanh tổng thầu EPC (Engineering Procurement and Construction) hoặc liên doanh vận hành và bảo trì, bảo dưỡng O&M (Operation & Maintenance). Trước mắt, các đơn vị cung cấp thiết bị nước ngoài chưa giao cho kỹ sư Việt Nam phụ trách toàn bộ 100% công tác lắp dựng vì còn liên quan đến vấn đề an toàn, độ chính xác, bảo mật thông tin, công nghệ… Nhưng việc tham gia vào quá trình lắp dựng, test vận hành tuabin là cơ hội để các kỹ sư Việt Nam được học hỏi thực tế ngay tại công trường. Từ đó, dần dần các nhà thầu, đơn vị thi công, kỹ sư của Việt Nam sẽ có thể thực hiện được các công đoạn quan trọng của một dự án năng lượng.
Ví dụ như các dự án năng lượng mặt trời, thời gian đầu cũng rất ít nhà thầu trong nước thực hiện được EPC, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều nhà thầu trong nước đã thực hiện được toàn bộ các hạng mục thi công xây dựng dự án . Đối với điện gió cũng vậy, trước đây nhà thầu Việt Nam chỉ thực hiện một số công đoạn, nhưng từ năm 2021 đến nay một số nhà thầu Việt Nam đã có thể đảm nhiệm hợp đồng tổng thầu “chìa khóa trao tay” thực hiện từ A đến Z (EPC turnkey). Đó là do họ đã học hỏi được thông qua quá trình liên doanh hợp tác với các nhà thầu nước ngoài. Thậm chí nhiều nhà thầu Việt Nam còn làm tốt hơn nhà thầu nước ngoài về tiến độ. Do nhà thầu trong nước thông thạo hơn và có kinh nghiệm xây dựng các dự án trong nước. Từ công tác giải phóng mặt bằng, họ sẵn sàng vào cuộc, chia sẻ khó khăn với chủ đầu tư; đến linh hoạt hơn trong xử lý các vấn đề phát sinh, làm việc với các cơ quan nhà nước; và các chi phí như nhân công, nguồn cung nguyên vật liệu cũng đa dạng, phong phú và hợp lý hơn.
Tương tự đối với khâu O&M tuabin điện gió, một số hãng tuabin hiện đang yêu cầu O&M độc quyền của hãng trong vòng 10 năm. Đây là hạng mục chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí đầu tư vận hành dự án. Đến nay, đã có một số đơn vị cung cấp dịch vụ O&M trong nước đang tiếp cận rất nhanh dịch vụ O&M tuabin thông qua hình thức liên doanh hoặc cử kỹ sư trong nước đi đào tạo nghiệp vụ tại nước ngoài. Những động thái này nhằm hướng tới cung cấp dịch vụ O&M tuabin với giá thành phù hợp hơn nhưng vẫn đảm bảo an toàn và chất lượng.
Có thể nêu một ví dụ về đơn vị cung cấp dịch vụ O&M trong nước thuộc top đầu hiện nay là PECC2. T&T đang sử dụng dịch vụ O&M của PECC2 ở một số dự án điện mặt trời. PECC2 liên tục đào tạo và tái đào tạo đội ngũ kỹ sư của mình để hướng tới đi sâu vào thị trường O&M. Đồng thời, họ liên tục cải tiến giải pháp để giảm giá thành dịch vụ, ví dụ vận hành thông qua hình thức Trung tâm điều khiển và giám sát từ xa OCC (Operation Control Center). Theo tôi được biết, PECC2 cũng đang triển khai hình thức liên doanh để tiếp cận thị trường O&M tuabin điện gió tiềm năng và yêu cầu rất lớn của các chủ đầu tư về giảm giá thành dịch vụ.
Hiện nay, khi giá mua điện năng lượng tái tạo có xu hướng ngày càng giảm xuống, chủ đầu tư sẽ phải tiết giảm chi phí và họ sẽ lựa chọn phương án có chi phí rẻ hơn. Nên nếu các nhà thầu trong nước hoặc liên doanh đề xuất các gói dịch vụ rẻ hơn mà vẫn đảm bảo chứng minh được tất cả các yếu tố an toàn cho dự án thì đương nhiên chủ đầu tư sẽ lựa chọn. Vì vậy, đây có thể coi là một “đòn bẩy” để kích thị trường nhân sự phát triển.
Mekong – ASEAN: Vậy đối với Tập đoàn T&T đã có những kế hoạch gì cho lộ trình phát triển năng lượng tái tạo?
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình: Năng lượng tái tạo và đặc biệt là điện gió ngoài khơi sẽ là ngành công nghiệp mũi nhọn trong tương lai. Hiện nay, T&T là một trong những tập đoàn hàng đầu ở Việt Nam đang có sự đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng xanh. Đây vừa nhằm phục vụ nhu cầu của chính tập đoàn, vừa đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
"Tập đoàn nhận thức rõ sự cần thiết của việc phát triển công nghệ hoặc chuyển giao công nghệ cũng như nguồn nhân lực ở Việt Nam bởi người lao động được ví như “mạch máu” của doanh nghiệp, còn công nghệ chính là “chìa khóa” của sự phát triển". Bà Nguyễn Thị Thanh Bình
Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T
Bên cạnh việc tham gia đầu tư kinh doanh năng lượng điện mặt trời, điện gió, điện khí LNG với tổng công suất đã thực hiện đạt gần 3.000MW, chiến lược tới năm 2035 Tập đoàn đặt ra mục tiêu phát triển đạt 30.000MW năng lượng tái tạo. Tập đoàn nhận thức rõ sự cần thiết của việc phát triển công nghệ hoặc chuyển giao công nghệ cũng như nguồn nhân lực ở Việt Nam bởi người lao động được ví như “mạch máu” của doanh nghiệp, còn công nghệ chính là “chìa khóa” của sự phát triển.
T&T đã phối hợp cùng các đối tác nước ngoài và Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đi đến một thỏa thuận hợp tác để hướng tới việc đồng hành cùng phát triển lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực và công nghệ. Chương trình này được chia thành nhiều giai đoạn chuẩn bị phục vụ cho sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo ở Việt Nam.
Mekong – ASEAN: Lĩnh vực điện gió ngoài khơi còn sơ khai ở Việt Nam, việc mở ra một ngành học mới liệu có thu hút được sự quan tâm của giới trẻ?
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình: Phát triển nguồn nhân lực sẽ bao gồm các hoạt động đào tạo các cấp, các trình độ khác nhau theo yêu cầu của ngành năng lượng. Khi đã hoạt động trong ngành chúng tôi hiểu rõ cần tuyển dụng người lao động có những phẩm chất, kỹ năng và trình độ như thế nào. Do đó, chương trình đào tạo sẽ được thiết kế phong phú về môn học, đa dạng về hình thức và có các trình độ khác nhau. Ví dụ như đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu chuyên sâu với hình thức đào tạo tại chỗ, đưa du học sinh ra nước ngoài...
Hiện nay, trong khuôn khổ đầu tiên đó, NIC, T&T và đối tác nước ngoài đã tiến hành thiết lập sự hợp tác giữa các trường đại học, đơn vị nghiên cứu của Việt Nam với các trường đại học, trung tâm nghiên cứu của các nước phát triển đang sở hữu công nghệ cũng như đào tạo nguồn nhân lực hàng đầu về năng lượng tái tạo và điện gió ngoài khơi.
Việc đầu tiên là xây dựng khung chương trình để đưa vào các chương trình đào tạo tại Việt Nam. Ví dụ như tại Đại học Bách khoa, đưa vào giảng dạy các bộ môn theo đúng các tiêu chí, tiêu chuẩn về chất lượng đầu ra của lực lượng kỹ sư và chuẩn hóa chương trình đào tạo. Đây là việc nhanh nhất và dễ nhất có thể làm lúc này bởi vì ở nước ngoài đã có quy trình chuẩn, từ giáo trình đến chương trình đào tạo.
Do đó, chỉ việc đưa khung chương trình chuẩn đó vào các trường đại học như Đại học Bách khoa Hà Nội, Bách khoa TP HCM và một số trường đã có chương trình để mở rộng đối tượng đào tạo. Việc này nhằm mục đích giúp người Việt Nam có thể tiếp cận các chương trình đào tạo tại chỗ với chi phí hợp lý và được cấp bằng, chứng chỉ phù hợp trong lĩnh vực này.
Đối với việc đào tạo nghiên cứu, giảng viên sẽ đưa sang cơ sở đào tạo ở nước ngoài để được tham gia chương trình nâng cao.
Ngoài ra, chương trình còn hướng tới các trung tâm đào tạo hoàn toàn mới chuyên sâu một số lĩnh vực đặc thù cho lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Mekong – ASEAN: Như vậy, làm thế nào để đáp ứng được lực lượng nhân sự về cả số lượng và chất lượng, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình: T&T và đối tác nước ngoài đóng vai trò xây dựng kế hoạch, kết nối các đối tác với nhau và đóng góp một phần tài trợ cho chương trình này. Chúng tôi đồng hành về mặt tài chính và kêu gọi thêm các đối tác khác cùng tham gia. Đây là một chương trình dài hơi và chúng tôi mong muốn ngày càng mở rộng ra để đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Hiện đã có sự hợp tác cụ thể giữa trường đại học Kỹ thuật Đan Mạch (Technical University of Denmark - DTU) và Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau khi ký thỏa thuận hợp tác, hai bên đang tiến hành xây dựng chương trình cụ thể. T&T, đối tác nước ngoài và NIC đóng vai trò bảo trợ để đồng hành cùng chương trình này và sẽ nhân rộng mô hình.
Cuối tháng 4 vừa qua, Trường Điện - Điện tử thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng vừa ký Biên bản ghi nhớ với Công ty Tư vấn Điện gió ngoài khơi OWC (Offshore Wind Consultants, một công ty thuộc Tập đoàn ABL) nhằm hỗ trợ sinh viên trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam có cơ hội thực tập và được tiếp xúc với các dự án thực tế trên khắp thế giới.
Những sự hợp tác thiết thực như thế này sẽ giúp ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi của Việt Nam sớm định hình và tiến nhanh hơn.
Mekong – ASEAN: Đối với bất cứ ngành công nghiệp nào công nghệ luôn là vấn đề cốt lõi. Vậy trong thời gian tới việc hợp tác giữa Tập đoàn T&T và các đối tác có thể giúp Việt Nam đi tắt, đón đầu?
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình: Công nghệ chính là chìa khóa cho sự phát triển của các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp năng lượng tái tạo. Việt Nam đang bị chậm so với nhiều nước, kể cả các nước trong khu vực về việc chủ động sở hữu công nghệ hoặc có các trung tâm nghiên cứu về công nghệ. T&T và đặc biệt là Chủ tịch tập đoàn rất tâm huyết và quan tâm tới công nghệ mới, công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả và phù hợp với điều kiện phát triển tại Việt Nam.
Bước tiếp theo của chương trình hợp tác giữa T&T và các đối tác chính là thành lập một trung tâm R&D nghiên cứu về công nghệ cho lĩnh vực điện gió ngoài khơi ở Việt Nam. Với mục tiêu đưa được các hợp phần nghiên cứu, các đề tài nghiên cứu, đặt hàng nghiên cứu liên quan tới điện gió ngoài khơi đặt tại trung tâm này. Từ đó có thể đưa ra được những công nghệ phù hợp nhất với các điều kiện về thời tiết, khí hậu, địa chất, địa hình ở Việt Nam cũng như một số nước trong khu vực khi đầu tư vào các dự án điện gió ngoài khơi.
Hợp phần này là bước tiếp theo, đòi hỏi kinh phí nhiều hơn cũng như một kế hoạch rất cụ thể. T&T rất mong có thể đóng góp một phần vào việc hiện thực hóa một trung tâm R&D chuyên nghiên cứu công nghệ dành cho năng lượng tái tạo nói chung và điện gió ngoài khơi nói riêng. Và có thể đưa ra các sản phẩm phục vụ cho chính thị trường Việt Nam và hướng tới xuất khẩu sang các nước trong khu vực và thế giới.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã từng chia sẻ, tính đến nay, tại Việt Nam chưa có một doanh nghiệp nước ngoài nào bỏ tiền ra để đầu tư một trung tâm R&D cho Chính phủ Việt Nam mà chỉ có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn xây dựng các trung tâm R&D, như tập đoàn Samsung đã bỏ ra 200 triệu USD để xây dựng trung tâm R&D tại Việt Nam để phục vụ cho nhu cầu phát triển về công nghệ của họ.
Vì vậy, với kế hoạch trên, nếu T&T – Orsted – NIC mà thực hiện được thì đây sẽ là trung tâm R&D đầu tiên do nhà đầu tư nước ngoài đầu tư cho mục đích phát triển chung của Chính phủ Việt Nam.
Bộ trưởng Dũng còn nhấn mạnh: "Nhà đầu tư nước ngoài phải như một con ong vừa đi hút mật, vừa phải thụ phấn cho hoa, như vậy mới là có sự đóng góp để tạo nên sự phát triển bền vững".