Cơ hội tái cấu trúc xuất khẩu Thành phố Hồ Chí Minh sau vụ Mỹ áp thuế đối ứng
Trước bối cảnh tình hình thương mại quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là xu hướng gia tăng các rào cản kỹ thuật và thuế quan từ các thị trường lớn, Thành phố Hồ Chí Minh – trung tâm kinh tế năng động hàng đầu cả nước – đang đứng trước yêu cầu cấp thiết phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hướng tới phát triển xuất khẩu bền vững, có chiều sâu và có khả năng thích ứng cao với những thay đổi từ bên ngoài.

Bốc xếp hàng hóa tại Tân cảng Cát Lái.
Việc Chính phủ Hoa Kỳ áp thuế đối ứng đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gỗ, dệt may, da giày, linh kiện điện tử... với mức thuế có thể lên tới 46%, là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ đối với mô hình tăng trưởng phụ thuộc vào gia công và thị trường truyền thống.
Tuy nhiên, thách thức này cũng đặt ra cơ hội để Thành phố tái cơ cấu lại mô hình xuất khẩu theo hướng chủ động hơn, sáng tạo hơn, phát huy nội lực và bản sắc kinh tế địa phương, đóng góp tích cực vào quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trong ngắn hạn, yêu cầu đặt ra là cần nhanh chóng củng cố năng lực điều hành chính sách kinh tế đối ngoại. Thành phố cần sớm thành lập Tổ công tác liên ngành về ứng phó thương mại quốc tế, do Ủy ban nhân dân Thành phố trực tiếp chỉ đạo, với sự tham gia của các sở, ngành liên quan như Sở Công thương, Sở Tài chính, Cục Hải quan, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC), Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp (HEPZA)... nhằm xây dựng kênh đối thoại hiệu quả giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp, kịp thời đề xuất các giải pháp cụ thể lên Thành phố và Trung ương. Đồng thời, cần chủ động phối hợp với các cơ quan Trung ương như Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao để kích hoạt các cơ chế hợp tác song phương như Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA), nhóm công tác Việt Nam-Hoa Kỳ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam thông qua các kênh hợp tác chính thức.
Về lâu dài, Thành phố cần rà soát và định vị lại chiến lược thị trường xuất khẩu. Việc xây dựng bản đồ rủi ro thương mại, phân tích mức độ phụ thuộc của từng ngành hàng vào các thị trường chủ lực cần được tiến hành sớm, làm cơ sở để điều chỉnh định hướng xúc tiến thương mại từ đại trà sang chiều sâu. Các thị trường có ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, UAE... cần được khai thác mạnh mẽ hơn, thông qua việc đẩy mạnh thương mại số và xây dựng nền tảng xúc tiến thương mại thông minh, tích hợp cơ sở dữ liệu, dự báo xu hướng và kết nối doanh nghiệp nội địa với các đối tác nước ngoài một cách trực tiếp, hiệu quả.
Song song đó, vấn đề truy xuất nguồn gốc và minh bạch hồ sơ xuất xứ cần được đặt lên hàng đầu. Thành phố có thể thí điểm ứng dụng công nghệ blockchain trong chuỗi cung ứng các mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ cao như gỗ, dệt may, thủy sản... nhằm nâng cao độ tin cậy và giảm thiểu rủi ro bị áp thuế phân biệt. Hệ thống hậu kiểm thông minh do Sở Công thương và Cục Hải quan phối hợp triển khai có thể trở thành công cụ hiệu quả trong việc giám sát chuỗi cung ứng theo thời gian thực, tăng cường tính minh bạch và bảo vệ thương hiệu “Made in Vietnam”.
Một hướng đi đáng chú ý là xây dựng các liên minh doanh nghiệp phòng vệ thương mại theo ngành hàng hoặc chuỗi giá trị. Mô hình này sẽ giúp chia sẻ nguồn lực pháp lý, dữ liệu và chiến lược ứng phó trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá hay gian lận thương mại. Với vai trò là đơn vị xúc tiến chủ lực, Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư thành phố có thể phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp thành phố để triển khai thí điểm mô hình tại các ngành đang chịu ảnh hưởng như gỗ và dệt may.
Trên hết, cú sốc thuế quan là dịp để Thành phố nhìn lại mô hình tăng trưởng dựa trên lao động giá rẻ, gia công và nhập khẩu nguyên liệu. Cần mạnh dạn chuyển sang mô hình “xuất khẩu có bản sắc”, đề cao tính sáng tạo, công nghệ, thương hiệu và nội địa hóa. Các cơ quan như Sở Tài chính, HEPZA và Ban Quản lý Khu công nghệ cao cần ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư có năng lực R&D, có chiến lược thương hiệu bài bản và cam kết đóng góp giá trị gia tăng cho kinh tế nội địa.
Một đề xuất mang tính chiến lược là phát triển “Khu công nghiệp số – phi thuế quan mềm” tại Thành phố Thủ Đức, nơi tích hợp các chức năng R&D, thương mại điện tử, logistics, truy xuất nguồn gốc và sản xuất thông minh, tạo môi trường thử nghiệm cho mô hình sản xuất xuất khẩu thế hệ mới, tự động hóa, số hóa và sẵn sàng hội nhập sâu.
Trước yêu cầu ngày càng cao về phát triển bền vững, Thành phố cần đi đầu trong việc khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi xanh. Những dòng sản phẩm “zero carbon – zero dispute” không chỉ đáp ứng các rào cản kỹ thuật mới như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU hay thuế carbon của Hoa Kỳ, mà còn góp phần thực hiện cam kết quốc gia về giảm phát thải. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương cần phối hợp triển khai hệ thống tư vấn, kiểm toán carbon và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng xanh.
Về lâu dài, việc thành lập Trung tâm Kinh tế thông minh là yêu cầu cấp thiết. Đây sẽ là nơi phân tích dữ liệu thương mại, thị trường, xuất nhập khẩu và cung cấp cảnh báo sớm về nguy cơ rủi ro từ các thị trường xuất khẩu lớn. Trung tâm cũng có thể đóng vai trò đầu mối chuẩn hóa hồ sơ xuất khẩu, tích hợp dữ liệu truy xuất và pháp lý, góp phần nâng cao năng lực tự vệ thương mại của doanh nghiệp Thành phố.
Thành phố Hồ Chí Minh – với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước – đã nhiều lần đi đầu trong cải cách và hội nhập. Trước cú sốc thuế quan lần này, nếu phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, Thành phố hoàn toàn có thể biến thách thức thành cơ hội, không chỉ bảo vệ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực mà còn tiên phong xây dựng hệ sinh thái xuất khẩu thông minh, xanh, bền vững và có bản sắc riêng, góp phần củng cố vị thế kinh tế Việt Nam trên bản đồ thương mại toàn cầu.