Giá vàng bỏ xa mốc 100 triệu: Lời khuyên chuyên gia cho người vay vàng

Giá vàng trong nước đang 'neo đậu' ở mức 107 triệu đồng/lượng, thế giới vọt lên hơn 3.217USD/ounce – một kỷ lục lịch sử khiến hàng loạt người vay vàng rơi vào thế khó.

Ảnh minh họa: TB.

Ảnh minh họa: TB.

Trong khi chưa biết khi nào vàng sẽ hạ nhiệt, nhiều hộ gia đình đang thấp thỏm từng ngày mong vàng giảm giá.

Trong bối cảnh lãi suất tiền đồng tăng cao ở giai đoạn 2021–2023, không ít người dân – đặc biệt tại các vùng nông thôn và ven đô thị – đã lựa chọn vay vàng thay vì tiền mặt để xây nhà, sửa nhà hoặc thanh toán nợ. Thay vì vay ngân hàng, họ thường vay từ người thân, hàng xóm hoặc thông qua hình thức "chơi hụi" bằng vàng, với niềm tin rằng giá vàng sẽ giữ ổn định, thậm chí có thể giảm.

Nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược, chỉ trong chưa đầy hai năm, giá vàng đã tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi. Tính đến 15/4/2025, giá vàng miếng SJC trong nước đã vượt mốc 107 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng thế giới cũng thiết lập đỉnh mới ở mức 3.217 USD/ounce – mức cao chưa từng có trong lịch sử.

Nhiều người từng vay vàng với giá khoảng 55–60 triệu đồng/lượng, giờ đang đối mặt với khoản nợ tăng thêm 50–100% giá trị chỉ vì chênh lệch giá. Khi thu nhập không đổi, chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, khoản vay tính bằng vàng trở thành gánh nặng mà không ai ngờ tới.

Chị Hoàng Thị Hoa (45 tuổi, Đan Phượng, Hà Nội) bày tỏ sự lo lắng: “Năm 2022 tôi vay 10 lượng vàng để xây nhà, lúc đó vàng khoảng 56 triệu đồng/lượng. Tính toán kỹ lưỡng lắm rồi, vì lãi suất ngân hàng cao quá. Ai ngờ giờ vàng vượt 100 triệu đồng, tôi thật sự kiệt sức, không biết đến bao giờ mới trả nổi”.

Còn bà Vũ Thị Tâm (58 tuổi, Ninh Bình) chia sẻ: “Tôi vay vàng để lo cho con học đại học. Khi vàng lên 85 triệu đồng/lượng, tôi cứ nghĩ đã chạm đỉnh, chờ vàng xuống để mua trả nợ. Ai dè bây giờ vượt 100 triệu đồng. Vàng tăng bao nhiêu là khoản nợ của gia đình tôi tăng lên bấy nhiêu. Gánh nặng này gia đình tôi chưa biết xoay xở ra sao”.

Những trường hợp như chị Hoa và bà Tâm chỉ là số ít trong rất nhiều người hiện đang trả nợ bằng vàng. Khi vàng tăng giá, giá trị nợ quy đổi sang tiền đồng cũng tăng theo. Trong khi đó, thu nhập của người lao động phần lớn vẫn “dậm chân tại chỗ” – thậm chí có xu hướng giảm do kinh tế khó khăn.

Câu hỏi được nhiều người đặt ra hiện nay là: Bao giờ vàng mới giảm? Và liệu có cơ hội “thoát nợ vàng” trong thời gian tới?

Theo PGS.TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, thị trường vàng hiện nay bị chi phối mạnh bởi các yếu tố địa chính trị và đầu cơ toàn cầu. Khi xung đột ở Trung Đông chưa lắng dịu, và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa bắt đầu cắt giảm lãi suất, thì giá vàng còn có thể tiếp tục lập đỉnh mới.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Trần Phương (Viện Chiến lược Kinh tế LSE) nhận định: “Trong ngắn hạn, kỳ vọng vàng giảm giá là rất thấp. Nếu bất ổn địa chính trị tiếp tục leo thang, vàng hoàn toàn có thể vượt mốc 120 triệu đồng/lượng. Trong dài hạn, khi kinh tế toàn cầu hồi phục và nếu Fed nới lỏng chính sách tiền tệ, giá vàng có thể điều chỉnh về vùng 95–100 triệu đồng/lượng, khó giảm sâu hơn”.

Theo các chuyên gia, đà tăng giá vàng hiện nay đến từ nhiều yếu tố cộng hưởng. Bất ổn địa chính trị, tình hình căng thẳng tại Trung Đông khiến nhà đầu tư toàn cầu lo ngại và tìm đến vàng như tài sản trú ẩn an toàn. Dù Fed vẫn giữ lãi suất ở mức cao, nhưng thị trường kỳ vọng sẽ có điều chỉnh hạ lãi suất trong nửa cuối năm nay, khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn. Nhiều quốc gia tăng cường mua vàng dự trữ, làm cầu tăng mạnh, đẩy giá vàng thế giới đi lên.

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Vũ Anh Thơ, giá vàng lập đỉnh chưa có dấu hiệu giảm giá như mong đợi của nhiều người đang nợ vàng khiến những khoản vay vàng trong quá khứ trở thành “gánh nặng khó lường” đối với nhiều gia đình. Trong khi chưa thể kỳ vọng vàng giảm giá ngay, điều cần thiết lúc này là chủ động quản trị rủi ro tài chính, tỉnh táo trong lựa chọn công cụ vay và tìm kiếm các giải pháp giảm thiểu thiệt hại. Không nên tiếp tục sử dụng vàng làm công cụ vay nợ dân sự, nhất là khi thị trường còn đầy biến động và chịu ảnh hưởng nặng nề từ yếu tố bên ngoài.

“Người vay nên chủ động thương lượng chuyển đổi khoản vay từ vàng sang tiền đồng để cắt đứt rủi ro tăng giá tiếp tục. Gia hạn thời gian trả nợ, chia nhỏ khoản trả thành nhiều kỳ, giảm áp lực tài chính tức thời. Nếu có khả năng, cân nhắc trả nợ sớm từng phần khi giá vàng có nhịp điều chỉnh ngắn hạn. Không tiếp tục vay bằng vàng – tránh rơi vào “vòng xoáy nợ tăng theo giá”, ông Thơ nhấn mạnh.

Giá vàng sáng ngày 15/4 ở mức 1005-107 triệu đồng/ lượng. Cụ thể, công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào vàng miếng SJC 105 triệu đồng, bán ra 107,5 triệu đồng; còn giá vàng nhẫn ở mức 102 triệu đồng chiều mua vào, bán ra 105,1 triệu đồng. Bảo Tín Minh Châu mua vào 102.6 triệu đồng bán ra 105.9 triệu đồng. “Lực bán chốt lời của các nhà đầu tư đang có dấu hiệu gia tăng nên ngày hôm qua và hôm nay giá vàng tạm thời ít biến động. Tuy nhiên trong thời gian tới vàng đang được dự báo lên khoảng 4000 USD/ounce.”, ông Phạm Gia Bảo, chủ hiệu vàng tại Hà Nội nhận định.

Thanh Bình

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/gia-vang-bo-xa-moc-100-trieu-loi-khuyen-chuyen-gia-cho-nguoi-vay-vang-10303661.html