Cơ hội tham gia ngành điện tử tiêu dùng bằng nhà máy tiêu chuẩn xanh

Ngành điện tử luôn đóng vai trò quan trọng trong bức tranh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam và đã mở ra cơ hội lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào giá trị chuỗi giá trị toàn cầu.

Ảnh minh họa: Source Of Asia

Ảnh minh họa: Source Of Asia

Bốn tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu nhóm hàng vi tính, điện tử và linh kiện đạt 21,4 tỷ USD, tăng trưởng 33,9% so với cùng kỳ năm trước (YoY) và chiếm tới 17,2% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện cũng đạt 18,1 tỷ USD, tăng 5% YoY và chiếm 14,6% tỷ trọng. Tổng kim ngạch xuất khẩu hai mặt hàng trên đạt 39,5 tỷ USD, chiếm 32% tỷ trọng.

Theo Tổng cục Thống kê, công nghiệp điện tử là ngành sản xuất có vị trí then chốt trong nền kinh tế và tác động lan tỏa mạnh đến các ngành công nghiệp khác. Ngành này của Việt Nam chủ yếu sản xuất sản phẩm như điện thoại các loại, máy tính bảng, bo mạch chủ, màn hình, tivi, camera, thiết bị máy văn phòng và các sản phẩm quang học… Điện tử đang chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp, đưa Việt Nam lọt top 15 quốc gia xuất khẩu điện tử lớn nhất thế giới.

Tại Việt Nam, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này ngày càng tăng. Nhiều hãng điện tử lớn trên thế giới đã đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao ở Việt Nam như Samsung, LG, Foxconn, Fukang Technology, LG Display Hải Phòng…

Nhìn lại bức tranh xuất khẩu 10 năm qua, nhóm hàng điện tử luôn phát triển với tốc độ nhanh, tăng trưởng bền vững. Nếu như năm 2013, mặt hàng vi tính, điện tử và linh kiện chiếm 8% tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thì năm 2023 con số này đã lên 16%.

Trong giai đoạn 2013 – 2023, kết quả kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, điện tử và linh kiện của Việt Nam chưa từng có năm sụt giảm (dao động từ +3% - +38% YoY), đưa tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam tăng từ 10 tỷ USD năm 2013 lên 57 tỷ USD năm 2023.

Nhóm hàng máy vi tính, điện tử và linh kiện cũng ngày càng khẳng định tầm quan trọng khi vượt qua các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Từ năm 2017, mặt hàng này dẫn trước dệt may, đứng vị trí thứ hai về giá trị xuất khẩu.

Đến năm 2023, sau nhiều năm giữ vị trí Top 1, điện thoại và linh kiện phải “nhường bước” để máy vi tính, điện tử và linh kiện trở thành mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất.

Đối với điện thoại và linh kiện, mặt hàng này cũng ghi nhận tăng từ 21,2 tỷ USD năm 2013 lên 52,3 tỷ USD vào năm 2023. Mặc dù không còn giữ vị trí lớn nhất nhưng mặt hàng này vẫn luôn đóng vai trò quan trọng khi chiếm tới 14,7% tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2023.

Doanh nghiệp Việt Nam ở đâu trong chuỗi ngành điện tử?

Nói tới ngành điện tử thì trước hết phải nhắc tới Samsung - tập đoàn đa quốc gia đang vận hành tổng cộng 6 nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP HCM, một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Hà Nội và một công ty thương mại.

Hiện nay 4 nhà máy của Samsung tại Việt Nam đóng góp khoảng 30% doanh thu và 33,5% lợi nhuận cho tập đoàn này trên toàn cầu. Năm 2023, xuất khẩu của Tổ hợp Samsung Việt Nam đạt 55,7 tỷ USD.

Tại buổi tiếp kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 9/5 mới đây, ông Park Hark Kyu, Tổng giám đốc phụ trách tài chính của tập đoàn Samsung cho biết, năm 2023 tập đoàn này đã đầu tư bổ sung 1,2 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 22,4 tỷ USD và sẽ tiếp tục đầu tư thêm 1 tỷ USD mỗi năm.

Việt Nam đang có sức hút mạnh đối với các tập đoàn đa quốc gia lớn trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử. Vai trò của Samsung nói riêng và các doanh nghiệp FDI nói chung trong chuỗi cung ứng ngành điện tử của Việt Nam ngày càng lớn.

Theo ước tính của Fitch Solutions, hiện có khoảng 65% doanh nghiệp điện tử nước ngoài đặt cơ sở sản xuất tại khu vực miền Bắc, 30% ở khu vực miền Nam và một tỷ lệ nhỏ ở các tỉnh miền Trung Việt Nam.

Các khu công nghiệp ở miền Bắc hiện nay là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp điện tử quy mô lớn và nổi tiếng như Fuji Xerox, Compal, Canon, Foxconn, Petragon, Samsung, Meiko, Samsung Display, LG Display, Intel, LG Innotex, Renesas, Wintex, Panasonic, Luxshare, USI, LG Electronic, Hosiden.

Các công ty này đang hoạt động tại các khu công nghiệp ở Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên và Hà Nam ở phía Bắc; Bình Dương, TP HCM và Đồng Nai ở phía Nam.

Nhìn tổng quan toàn ngành, theo nghiên cứu tổng hợp từ CIEM, hiện Việt Nam có khoảng trên 2.000 doanh nghiệp tham gia vào ngành điện tử, trong đó doanh nghiệp trong nước chiếm 54,8% và doanh nghiệp FDI chiếm 45,18%. Tầm ảnh hưởng của các doanh nghiệp FDI trong ngành điện tử còn được thể hiện rõ ở việc tỷ lệ lớn (trên 90%) lao động và doanh thu ngành điện tử cũng thuộc về khu vực doanh nghiệp này chiếm lĩnh.

Tuy nhiên, hiện tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử hiện còn rất thấp. Các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng linh kiện ngoại. Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử dù đã tham gia vào chuỗi giá trị của ngành, nhưng mới cung cấp được các sản phẩm đơn giản, có giá trị hàm lượng công nghệ thấp và ở tỷ lệ khiêm tốn.

Nhìn về nhu cầu của thị trường, cơ hội đối với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tham gia vào giá trị chuỗi trong ngành hàng này là rất lớn nhưng cần thiết phải nâng cao năng lực sản xuất.

Cơ hội sở hữu nhà máy tiêu chuẩn xanh ngành điện tử tiêu dùng

Để nhìn nhận rõ cơ hội và giải pháp thực tiễn hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử vùng Đồng bằng sông Hồng, Liên minh G20 phối hợp với tỉnh Hưng Yên, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), Hưng Yên Group và DTJ Group tổ chức hội thảo “Cơ hội sở hữu nhà máy tiêu chuẩn xanh ngành điện tử tiêu dùng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ”.

Nội dung chuyên đề nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên của VEIA nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận những giải pháp và gói đầu tư nhà máy điện tử tiêu dùng xanh, những chính sách hấp dẫn từ tỉnh Hưng Yên và các nhà phát triển khu công nghiệp cùng những hỗ trợ đầu tư khác…

Chương trình nằm trong chuỗi sự kiện “Khai mở chuỗi cung ứng xanh vùng Đồng bằng sông Hồng”, do Liên minh công nghiệp G20 (Liên minh G20) tổ chức, với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Địa điểm tổ chức: Tầng 3, Tòa nhà văn phòng Vinata, 289 Khuất Duy Tiến, Cầu Giấy, Hà Nội

Thông tin chi tiết và đăng ký tham gia tại https://forms.gle/CoHCk6S3u1hSgg738 (Hotline: 08 8608 8609).

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/co-hoi-tham-gia-nganh-dien-tu-tieu-dung-bang-nha-may-tieu-chuan-xanh-post34887.html