Cơ hội tốt nhất cho đàm phán Gaza

Vòng đàm phán tiếp theo về thỏa thuận ngừng bắn - thả con tin giữa Israel và nhóm vũ trang Hamas dự kiến diễn ra tại Ai Cập trong tuần này

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 19-8 gọi nỗ lực ngoại giao mới nhất của Washington nhằm đạt thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza có thể là "cơ hội cuối cùng", cũng như thúc giục các bên hoàn tất thỏa thuận này.

Ông Blinken đưa ra nhận định trên trong chuyến thăm Israel từ ngày 18-8. Đây là chuyến công du Trung Đông lần thứ 9 của ông Blinken kể từ khi xung đột giữa Israel và nhóm vũ trang Hamas nổ ra tại Dải Gaza vào tháng 10-2023.

Tại Israel, ông Blinken lần lượt gặp Tổng thống Isaac Herzog, Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant trong ngày 19-8. Phát biểu trước thềm cuộc gặp Tổng thống Herzog tại TP Tel Aviv, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ nêu bật tầm quan trọng của tiến trình đàm phán đang diễn ra liên quan cuộc xung đột nói trên.

Tổng thống Israel Isaac Herzog (phải) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại TP Tel Aviv ngày 19-8 Ảnh: REUTERS

Tổng thống Israel Isaac Herzog (phải) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại TP Tel Aviv ngày 19-8 Ảnh: REUTERS

"Đây là thời điểm quyết định - có lẽ là cơ hội tốt nhất, có thể là cơ hội cuối cùng để đưa các con tin về nhà, đạt được thỏa thuận ngừng bắn và đưa mọi người vào con đường tốt hơn, hướng tới hòa bình và an ninh lâu dài" - ông Blinken nói với giới truyền thông.

Sau Israel, ông Blinken dự kiến đến Ai Cập trong ngày 20-8 nhằm bảo đảm các nhà đàm phán đạt được bước đột phá về lệnh ngừng bắn vào cuối tuần này. Ai Cập là một trong những bên trung gian hòa giải chính cùng với Mỹ và Qatar.

Đài Al Jazeera nhận định chuyến đi lần này của ông Blinken cho thấy Mỹ đang tăng sức ép ngoại giao nhằm đạt được thỏa thuận chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 10 tháng nói trên.

Ngoại trưởng Blinken cũng nói thêm ông đang nỗ lực hạ nhiệt các căng thẳng khác trong khu vực do tác động của cuộc xung đột ở Dải Gaza. Mỹ và các nhà lãnh đạo phương Tây khác kêu gọi Iran và các đồng minh của nước này không tấn công Israel để trả đũa vụ ám sát các thành viên cao cấp của Hamas và phong trào Hezbollah ở Lebanon.

Cộng đồng quốc tế lo ngại một diễn biến như thế sẽ khiến xung đột leo thang và lan rộng tại khu vực. Vì thế, theo ông Blinken, Mỹ đang nỗ lực bảo đảm không có sự khiêu khích và hành động nào có thể làm chệch hướng tiến trình đàm phán hòa bình cho Dải Gaza hoặc khiến xung đột leo thang sang những nơi khác và ở mức độ nghiêm trọng hơn.

Mỹ, Ai Cập và Qatar hiện đóng vai trò trung gian trong một số cuộc đàm phán gián tiếp giữa Israel và Hamas. Tại vòng đàm phán kéo dài 2 ngày ở thủ đô Doha - Qatar vào tuần rồi, Mỹ đã đưa ra đề xuất nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các bên liên quan.

Tuy nhiên, Hamas không cử đại diện đến dự cuộc đàm phán này. Cuộc thương thảo tiếp theo dự kiến diễn ra tại thủ đô Cairo - Ai Cập trong tuần này dù thời điểm cụ thể chưa được ấn định, cũng như chưa rõ liệu các nhà đàm phán của Hamas có tham dự hay không.

Đang thảo luận về kế hoạch 3 giai đoạn

Các nhà trung gian hòa giải vào tuần rồi cho biết Israel và nhóm vũ trang Hamas đang tiến gần hơn việc tạm dừng cuộc xung đột kéo dài hơn 10 tháng qua tại Dải Gaza. Tuy nhiên, phản ứng mới nhất của cả hai bên hôm 18-8 vẫn còn đổ lỗi cho nhau.

Theo trang Bloomberg, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cáo buộc Hamas cản trở tiến trình đi đến thỏa thuận ngừng bắn - thả con tin ở Dải Gaza, đồng thời cho rằng cộng đồng quốc tế nên tăng áp lực lên ông Yahya Sinwar, thủ lĩnh Hamas.

"Chúng tôi đang tiến hành đàm phán chứ không phải là một kịch bản trong đó chúng tôi chỉ nhượng bộ và nhượng bộ" - ông Netanyahu khẳng định. Đáp lại, theo trang Bloomberg, Hamas sau đó ra tuyên bố đề cập chi tiết "các yêu cầu mới" của Israel mà nhóm này nói sẽ cản trở đàm phán về đích. Tuyên bố này cho rằng ông Netanyahu phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Hamas và Israel đang thảo luận về kế hoạch 3 giai đoạn được Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố vào tháng 5. Kế hoạch này kêu gọi tạm dừng hành động thù địch, trao đổi con tin lấy tù nhân Palestine, một số lực lượng Israel rút khỏi Dải Gaza và đưa dân thường trở lại phần phía Bắc dải đất này.

Thủ tướng Netanyahu muốn quân đội Israel phải đồn trú dọc các hành lang chiến lược Philadelphi và Netzarim ở Dải Gaza để ngăn chặn việc buôn lậu vũ khí từ Ai Cập và không cho các tay súng Hamas quay trở lại phía Bắc Gaza cùng với dân thường. Một điểm gây tranh cãi khác là số lượng con tin Israel sẽ được thả trong vòng đầu tiên của cuộc trao đổi tù nhân Palestine.

Trong dấu hiệu có thể cho thấy sự linh hoạt, hành lang Netzarim không được đề cập trong tuyên bố của ông Netanyahu sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Israel. Dù vậy, tuyên bố mới của Hamas gợi ý Israel vẫn tiếp tục đòi hiện diện quân sự tại Netzarim và đặt ra "các điều kiện mới" trong việc trao đổi con tin lấy tù nhân.

Hoàng Phương

Xuân Mai

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/co-hoi-tot-nhat-cho-dam-phan-gaza-196240819205352991.htm