Cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế trong nửa cuối năm

Nền kinh tế Việt Nam đã trải qua nửa đầu năm 2024 với nhiều diễn biến tích cực. Bước sang nửa cuối năm, dự báo có nhiều yếu tố thuận lợi đan xen thách thức, đòi hỏi cần có những chính sách phù hợp để có thể kỳ vọng đạt mức tăng trưởng từ 6- 6,5%. Đây là chia sẻ của TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư với phóng viên Báo Kiểm toán.

6 tháng đầu năm, tốc độ tăng GDP đạt tới 6,42% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, lạm phát được kiểm soát dưới mục tiêu cả năm với CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,75%.

Thưa bà, nhìn lại nửa đầu năm 2024, bà đánh giá như thế nào về “bức tranh” nền kinh tế Việt Nam?

Việt Nam bước vào năm 2024 với thuận lợi đan xen với khó khăn, thách thức từ bối cảnh quốc tế, song khó khăn, thách thức được đánh giá nhiều hơn so với thuận lợi. Cụ thể, xung đột địa chính trị tiếp diễn ở nhiều khu vực, trong đó có Nga - Ukraine, Trung Đông, Biển Đỏ. Các nền kinh tế chủ chốt giữ lãi suất điều hành ở mức cao nhằm kiềm chế lạm phát. Cạnh tranh chiến lược về khoa học, công nghệ, thương mại giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc, vẫn diễn ra gay gắt, phức tạp. Thời tiết có những diễn biến cực đoan, ảnh hưởng tới tình hình an ninh lương thực và giá cả hàng hóa ở nhiều nước…

Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam đã có không ít diễn biến tích cực. Cụ thể: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,93% trong quý II/2024, cao hơn 1,06 điểm phần trăm so với mức tăng của quý I/2024 và chỉ thấp hơn mức tăng của quý II/2022 trong cùng kỳ giai đoạn 2020-2024. Tính chung 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng GDP đạt tới 6,42% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, lạm phát được kiểm soát dưới mục tiêu cả năm với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,75%.

Về thương mại, tổng giá trị xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, với các mức tăng tương ứng của xuất khẩu và nhập khẩu là 14,5% và 17,0%. Cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư 11,63 tỷ USD. Về đầu tư, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đã tăng cả về số dự án mới (tăng 18,9%), vốn đăng ký mới (tăng 46,9%), tổng vốn đăng ký (tăng 13,1%) và vốn thực hiện (tăng 8,2%), qua đó giúp bổ sung nguồn vốn cho nền kinh tế. Ngoài ra, trong lĩnh vực du lịch, lượng khách quốc tế trong 6 tháng đạt 8,8 triệu lượt người, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước… Như vậy có thể thấy, những kết quả tích cực về xuất nhập khẩu, thu hút FDI, du lịch… đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Bước sang nửa cuối năm, theo bà, nền kinh tế Việt Nam có những điều kiện thuận lợi và những khó khăn, thách thức như thế nào?

Trong nửa cuối năm 2024, Việt Nam có thể có một số thuận lợi cho phát triển kinh tế. Thứ nhất, kinh tế thế giới có thể phục hồi tích cực hơn. Đánh giá cập nhật của các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)… đều cho thấy triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024 có thể cải thiện so với các dự báo trước đó. Thứ hai, cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào triển vọng kinh tế Việt Nam. Thứ ba, các công nghệ mới (công nghệ số, trí tuệ nhân tạo...) tiếp tục có những chuyển biến nhanh, mạnh mẽ, có thể giúp chuyển đổi đáng kể mô hình, hiệu quả kinh tế nếu Việt Nam biết nắm bắt cơ hội. Thứ tư, tư duy và khung chính sách cho các mô hình kinh tế mới (kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ...) có thể được hoàn thiện hơn, qua đó giúp doanh nghiệp (DN) yên tâm với kế hoạch chuyển đổi, khai thác các cơ hội mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, Việt Nam cũng phải lưu tâm, xử lý một số vấn đề, khó khăn trong các tháng tới đây. Trước hết, áp lực lạm phát còn lớn, đáng lưu ý, tác động từ tăng lương cơ sở và tăng lương tối thiểu vùng có thể gây ra lạm phát “chi phí đẩy” nếu không có giải pháp kịp thời, đồng bộ. Bên cạnh đó, khả năng kết nối giữa DN trong nước và DN FDI còn chậm được cải thiện, qua đó ảnh hưởng đến khả năng đóng góp và hưởng lợi từ xuất khẩu của các DN trong nước. Mặt khác, nhận thức và năng lực chuyển đổi của DN để thích ứng với các xu hướng mới (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh) còn tương đối hạn chế. Đặc biệt, quá trình cải cách các quy định, điều kiện kinh doanh còn chưa tương xứng với yêu cầu và kỳ vọng, qua đó có thể ảnh hưởng đến khả năng tận dụng cơ hội kinh tế của cộng đồng DN.

Quốc hội, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6-6,5%, bà đánh giá như thế nào về khả năng này? Để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra, xin bà có thể đưa ra một số khuyến nghị?

Những kết quả kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm rất đáng khích lệ, là cơ sở để Chính phủ và cộng đồng DN gia tăng nỗ lực hơn trong các tháng cuối năm. Trên cơ sở củng cố nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, nỗ lực cải cách thể chế kinh tế để mở rộng không gian phát triển cho cộng đồng DN và cải thiện năng suất lao động, nếu có thêm một chút thuận lợi từ kinh tế thế giới, Việt Nam có thể hoàn thành vượt mức mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024.

Để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra, theo tôi, có một số ưu tiên chính sách nên tập trung trong các tháng cuối năm.

Thứ nhất, tiếp tục theo dõi, đánh giá, dự báo sát tình hình kinh tế thế giới và trong nước với các kịch bản đủ chi tiết, trong đó có tính đến tác động của việc điều chỉnh lương ở khu vực công từ ngày 01/7, rủi ro chiến tranh thương mại, gia tăng phòng vệ ở các thị trường xuất khẩu, xu hướng dịch chuyển đầu tư nước ngoài... Đồng thời, cân nhắc chặt chẽ về lộ trình điều chỉnh giá các hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước quản lý kết hợp với truyền thông chính sách để kiểm soát lạm phát.

Thứ hai, đẩy nhanh cải cách thể chế kinh tế, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính để giảm chi phí sản xuất, kinh doanh cho DN. Song song với đó là rà soát, hoàn thiện khung chính sách để mở rộng không gian phát triển cho các mô hình kinh tế mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo).

Thứ ba, tập trung tháo gỡ các khó khăn về tiếp cận các thị trường xuất khẩu, khuyến khích đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đẩy nhanh tạo thuận lợi thương mại, kể cả thông qua nền tảng số hóa và thử nghiệm phát triển khu thương mại tự do. Rà soát, nâng cao năng lực tận dụng ưu đãi trong các hiệp định thương mại tự do.

Thứ tư, hoàn thiện và triển khai hiệu quả khung chính sách cải thiện năng suất lao động, gắn với tăng kỹ năng và chuyển đổi kỹ năng cho người lao động để thích ứng với các mô hình kinh tế mới; đồng thời thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ DN FDI đối với khu vực DN trong nước.

Xin trân trọng cảm ơn bà!./.

DIỆU THIỆN (thực hiện)

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/co-hoi-va-thach-thuc-doi-voi-nen-kinh-te-trong-nua-cuoi-nam-32834.html