Cơ hội và thách thức phát triển Trung Á

Khu vực Trung Á có nhiều lợi thế về địa lý, cũng như sở hữu trữ lượng tài nguyên thiên nhiên khổng lồ. Đây là những nền tảng quan trọng tạo ra nhiều cơ hội phát triển vượt bậc cho các quốc gia trong khu vực.

Hội nghị tham vấn lần thứ 6 giữa nguyên thủ các quốc gia Trung Á diễn ra tại Thủ đô Astana, Kazakhstan. Ảnh: Akorda

Hội nghị tham vấn lần thứ 6 giữa nguyên thủ các quốc gia Trung Á diễn ra tại Thủ đô Astana, Kazakhstan. Ảnh: Akorda

Nỗ lực gắn kết nội bộ

Trong những năm gần đây, các quốc gia ở khu vực Trung Á ngày càng thể hiện rõ nét các nỗ lực tăng cường hợp tác nội khối. Cùng với đó, các quốc gia Trung Á cũng ngày càng đạt được nhiều tiến bộ trong cách tiếp cận chung để đương đầu với những thách thức. Đây là những động lực căn bản nhất để thúc đẩy sự thịnh vượng không chỉ của từng quốc gia, mà còn cả của toàn khu vực.

Theo bình luận của giới quan sát, những tiến bộ của khu vực Trung Á trong thời gian gần đây được thúc đẩy mạnh mẽ từ tháng 3/2018, sau hội nghị tham vấn đầu tiên giữa các nguyên thủ của 5 quốc gia tại khu vực, gồm: Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Turkmenistan. Sự kiện này là nền tảng mang tính xây dựng cho hợp tác và phát triển khu vực. Đồng thời đặt nền móng cho các quốc gia Trung Á tiến hành hội nghị thượng đỉnh thường niên.

Nhìn lại những kết quả nổi bật trong hợp tác của các quốc gia Trung Á trong thời gian gần đây, giới quan sát nêu bật kết quả từ hội nghị thượng đỉnh lần thứ 4 ở thành phố Cholpon-Ata, Kyrgyzstan. Tại hội nghị này, tổng thống của 5 quốc gia Trung Á đã xem xét Hiệp ước hữu nghị, láng giềng tốt và hợp tác vì sự phát triển của Trung Á trong thế kỷ 21.

Ở góc nhìn rộng hơn, trong 20 năm qua, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực Trung Á đã tăng 7 lần, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm là 6,2%, cao hơn 3,6% so với mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu (2,6%). Tỷ trọng của Trung Á trong GDP thế giới đã tăng 1,8 lần, kim ngạch ngoại thương tăng 6 lần và khối lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực tăng 17 lần. Trung Á không chỉ có truyền thống giao thoa lợi ích của các cường quốc hàng đầu thế giới, mà còn có lịch sử tương tác lâu dài, tích cực.

Trên thực tế, là khu vực có vị trí địa lý quan trọng trên bản đồ thế giới, Trung Á trong thời gian qua có mức độ hợp tác an ninh, kinh tế tương đối tích cực, trung tính, tạo ra một nền tảng phát triển tương đối ổn định, bền vững. Riêng trong năm 2024, hội nghị tham vấn lần thứ 6 giữa nguyên thủ các quốc gia Trung Á vừa được tổ chức trong tuần trước đã khơi nguồn nhiều kỳ vọng tạo thêm bước ngoặt cho sự phát triển của khu vực, đồng thời tạo thêm nhiều động lực hơn nữa trong mối quan hệ hợp tác trong nhiều lĩnh vực.

Tại hội nghị vừa qua, các nguyên thủ dồn trọng tâm nghị sự về phát triển hợp tác, ổn định và an ninh trong khu vực, bao gồm quan hệ đối tác kinh tế và thương mại, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và hậu cần, đặc biệt là định hình chiến lược phát triển hợp tác khu vực. Đây là nền tảng có ý nghĩa vô cùng quan trọng để mở rộng hợp tác giữa 5 quốc gia tại khu vực, cũng như tăng cường vai trò quốc tế của khu vực Trung Á.

Một điểm nhấn đáng chú ý tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 6 vừa qua là sự hiện diện của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Hội nghị diễn ra theo hình thức C5+1, gồm 5 quốc gia Trung Á và Nhật Bản, đặc biệt nhấn mạnh về hợp tác phát triển kinh tế bền vững, bao gồm các lĩnh vực như cắt giảm khí thải carbon và phát triển nhân lực.

Vươn xa vị thế trên trường quốc tế

Đặc biệt, tại hội nghị vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản bày tỏ sự ủng hộ của nước này đối với các nỗ lực của khu vực nhằm đạt được mục tiêu trung hòa carbon, cung cấp công nghệ từ các công ty Nhật Bản như nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch có lượng khí thải carbon thấp. Nhật Bản cũng sẽ xem xét hỗ trợ các quốc gia tại khu vực Trung Á sản xuất các mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng, như hydro và phân bón được sản xuất bằng khí đốt tự nhiên.

Quyết tâm tăng cường hợp tác của Nhật Bản là một trong những minh chứng rõ nét cho xu hướng tăng cường gắn kết của thế giới với khu vực Trung Á. Trong nhiều năm qua, các cường quốc, tổ chức quốc tế hàng đầu đều tăng cường gắn kết mạnh mẽ với Trung Á thông qua hàng loạt thỏa thuận thúc đẩy mở rộng hợp tác, kế hoạch hành động chung...

Một trong những lợi thế vô cùng quan trọng của Trung Á là trữ lượng dầu khí dồi dào. Vì vậy, việc tăng cường hợp tác với khu vực này sẽ giúp các đối tác có thêm lựa chọn tốt để bảo đảm an ninh năng lượng. Song hành với trữ lượng dầu khí, Trung Á là khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản, đem lại những cơ hội hấp dẫn trong việc mở rộng chuỗi cung ứng.

Theo giới quan sát, trong bối cảnh thế giới xuất hiện nhiều bất ổn, đặc biệt là vấn đề an ninh ở châu Âu và Trung Đông, những năm trở lại đây, tuyến Hành lang vận tải quốc tế xuyên Caspi (TITR) - mạng lưới vận tải trải dài khắp Trung Á, biển Caspi và vùng Caucasus đã trở thành giải pháp giúp kết nối thương mại giữa châu Á và châu Âu không bị đứt quãng. Mặt khác, với lợi thế địa lý chiến lược, Trung Á đóng vai trò "cầu nối" liên kết khu vực châu Âu với châu Á - Thái Bình Dương.

Phân tích từ giới chuyên gia chính trị chỉ ra rằng, Trung Á ngày càng thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của các trung tâm chính trị hàng đầu thế giới. Thực tế cũng cho thấy, các cường quốc, tổ chức khu vực đều muốn tạo ảnh hưởng tại Trung Á, nhằm khai thác những ưu điểm vượt trội của vị trí địa lý chiến lược này.

Theo giới chuyên gia, Trung Á có những cơ hội vô cùng lớn để phát triển thịnh vượng, nhưng cũng đi kèm với nhiều thách thức. Để giải quyết hài hòa các bài toán khó đang được đặt ra, các quốc gia Trung Á cần hợp lực chặt chẽ tạo nền tảng chính sách đối ngoại đa hướng, từ đó tạo vị thế cân bằng trên trường quốc tế. Đây là yếu tố then chốt để xây dựng hợp tác trên mọi trục chính sách đối ngoại. Đồng thời là sự phối hợp, hợp tác nhịp nhàng của cả 5 quốc gia trong khu vực để tạo dựng sự thịnh vượng chung bền vững.

Trên truyền thông quốc tế, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev chia sẻ: “Hợp tác khu vực không chỉ là hiện thực khách quan đối với các nước Trung Á, mà còn là nhu cầu thiết yếu để giải quyết những thách thức chung và khai thác tiềm năng to lớn. Trong những năm gần đây, quan hệ giữa các quốc gia Trung Á đã phát triển để thúc đẩy đối thoại và hợp tác mang tính xây dựng. Nhờ đó, trong 5 năm qua, khối lượng thương mại của khu vực đã tăng gần gấp đôi, từ 5,7 tỷ USD lên 11 tỷ USD”.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/co-hoi-va-thach-thuc-phat-trien-trung-a-post479559.html