Cơ hội và thách thức trong bức tranh thương mại giữa Việt Nam - Hoa Kỳ
Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ nhìn nhận, trụ cột kinh tế, thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ được dự báo tiếp tục phát triển ổn định trong tổng thể quan hệ song phương.
4 thách thức lớn
Trong báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại tháng 10 cũng như 10 tháng năm 2024, Bộ Công Thương nhận định, việc ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ vào ngày 5/11/2024 được dự báo sẽ dẫn đến những tác động sâu rộng đối với kinh tế thế giới và Việt Nam do các quan điểm cứng rắn, mang tính bảo hộ cao có thể làm gia tăng các rào cản thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa của nước ta.
Từ thị trường nước sở tại, ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán Thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng nhận định, thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ chịu những tác động nhất định.
Cụ thể, dẫn số liệu mới nhất của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (USITC) công bố đầu tháng 10/2024, ông Đỗ Ngọc Hưng cho biết, tính đến hết tháng 9/2024, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 109,1 tỷ USD tăng 20,13% so với năm 2023 và chiếm tỷ trọng 2,8% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Hoa Kỳ.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 99,9 tỷ USD (chiếm 4,13% tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ, tăng 19,4%); nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 9,3 tỷ USD, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm 2023. Thâm hụt thương mại ở mức 90,6 tỷ USD, đứng thứ ba chỉ sau Trung Quốc và Mexico; tăng 51,1% so với cùng kỳ 2023.
Theo chỉ số tổng thể đánh giá, phân tích rủi ro dưới thời Tổng thống Trump (Trump risk index) do tổ chức Economist Intelligence Unit thực hiện, Việt Nam hiện xếp thứ 9. Trong nhóm các đối tác thương mại chính dễ chịu tác động do thay đổi chính sách thương mại của Hoa Kỳ, Việt Nam xếp thứ 4 (sau Mexico và Canada là 2 nước có Hiệp định USMCA với Hoa Kỳ và Trung Quốc).
Nhận định về hợp tác thương mại giữa hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại xứ sở cờ hoa cho rằng, quan hệ kinh tế thương mại song phương sẽ đối diện với 4 thách thức lớn.
Một là, thặng dư thương mại tăng mạnh cả về tỷ trọng và tốc độ;
Hai là, Hoa Kỳ luôn coi Việt Nam là nước có mô hình và cách thức vận hành nền kinh tế phi thị trường, tương tự Trung Quốc;
Ba là, Việt Nam chính là cửa ngõ để hàng hóa Trung Quốc lẩn tránh thuế nhập khẩu của Hoa Kỳ;
Bốn là, Hoa Kỳ cho rằng Việt Nam chưa quan tâm đúng mức đến một số lợi ích kinh tế, thương mại cụ thể của Hoa Kỳ.
Phân tích cụ thể, ông Đỗ Ngọc Hưng bình luận, với mức độ thâm hụt thương mại đứng thứ 3 trong tổng số đối tác của Hoa Kỳ, Việt Nam hoàn toàn có thể phải chịu mức thuế tương tự Trung Quốc ở giai đoạn đầu (15%) và có thể tăng dần nếu tình hình thâm hụt thương mại không được cải thiện cũng như những thỏa thuận của Việt Nam với Hoa Kỳ không được thực thi. Điều đáng lo ngại là sẽ áp dụng với toàn bộ hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, không phải chỉ riêng hàng hóa có liên quan đến Trung Quốc (đầu tư, nguyên liệu, nhân công…).
Việc Trung quốc bị đánh thuế cao hơn có thể dẫn tới xu hướng đầu tư mạnh mẽ của Trung Quốc sang Việt Nam. Trong một số trường hợp có thể với mục đích dùng Việt Nam làm nơi “trung chuyển” để gian lận thương mại, lẩn tránh thuế, dẫn đến việc tiếp nhận dịch chuyển một số lượng lớn các dự án đầu tư từ Trung Quốc cũng là một rủi ro đáng kể trong thời gian tới trong khi Việt Nam không có biện pháp hạn chế thu hút đầu tư một quốc gia cụ thể trong hệ thống chính sách hiện nay.
“Do vậy, các bộ, ngành, địa phương liên quan, cần tăng cường giám sát cấp phép các dự án đầu tư mới, sàng lọc vốn đầu tư để tránh trường hợp Việt Nam trở thành địa điểm trung chuyển” - Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ khuyến nghị và thông tin thêm, lĩnh vực chịu tác động nhiều nhất có thể dệt may, da giày, thủy sản, điện tử và đồ gỗ. Các vụ kiện phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng sẽ dẫn đến nguy cơ bị khởi xướng thêm nhiều vụ việc trong tương lai. Ngay trong tháng 10/2024, đã có 4 vụ việc về các lĩnh vực này.
Cơ hội, mục tiêu hợp tác với Hoa Kỳ trong tương lai
Trong Báo cáo bán niên về "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn với Hoa Kỳ", Bộ Tài chính Hoa Kỳ đánh giá tích cực về chính sách tiền tệ của Việt Nam và tiếp tục xác định “không thao túng tiền tệ”, nhưng không loại trừ Hoa Kỳ sẽ xem xét lại vấn đề này nếu Việt Nam không xử lý hiệu quả vấn đề thặng dư thương mại với Hoa Kỳ.
Phân tích những cơ hội từ dữ liệu này cùng với việc ông Trump đắc cử Tổng thống, Thương vụ cho rằng, các chính sách, kế hoạch của chính quyền mới đã được thể hiện rõ trong Cương lĩnh tranh cử. Mặt khác đây là nhiệm kỳ 2 của ông Trump nên khó có thể tạo nên sự nhiều sự bất ngờ và các nước (trong đó có Việt Nam) cũng đã có kinh nghiệm xử lý, đặc biệt với việc nâng cấp CSP năm 2023 và gần đây kết quả cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống đắc cử Trump cho thấy ấn tượng tốt đẹp của ông Trump với Việt Nam và hai nước cam kết sẽ xử lý vấn đề này. Trong đó có đề xuất hợp tác sâu với Hoa Kỳ trong lĩnh vực dầu và khí, năng lượng truyền thống; xử lý vấn đề chuyển tải, trung chuyển hàng hóa và mua các sản phẩm của Hoa Kỳ.
“Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi đón được làn sóng chuyển dịch sản xuất của các nhà đầu tư toàn cầu thông qua việc tận dụng lợi thế vị trí địa chính trị và vai trò đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ; cũng như chen chân được vào các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, có thể đón được dòng vốn đầu tư từ Hoa Kỳ.
Việt Nam có thể đặt mục tiêu đạt được sự công nhận nền kinh tế thị trường thông qua việc chủ động khởi xướng đàm phán với Hoa Kỳ về vấn đề này. Đổi lại Việt Nam cần có phương án cụ thể tăng cường nhập khẩu hàng hóa (than, LNG, nông sản…) từ Hoa Kỳ, đồng thời cân nhắc, tính toán lợi ích đối với một số vấn đề Hoa Kỳ quan tâm” - ông Đỗ Ngọc Hưng phân tích và nhận định, về tổng thể, trụ cột kinh tế, thương mại được dự báo sẽ tiếp tục phát triển ổn định trong tổng thể quan hệ song phương.
Tuy nhiên Hoa Kỳ có thể tạo áp lực với Việt Nam trong các vấn đề: Thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận, hợp đồng cung ứng hàng hóa và dịch vụ; gây sức ép tháo gỡ vướng mắc cho các dự án năng lượng; yêu cầu đàm phán mở cửa thị trường nông sản; mở cửa thị trường các sản phẩm công nghệ thông tin thông qua việc sớm tham gia Hiệp định Công nghệ thông tin mở rộng (ITA2); tăng cường hợp tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; thúc đẩy xây dựng cơ chế kiểm soát thương mại chiến lược thông qua cơ chế cấp phép xuất khẩu; hợp tác chống gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp.
Về mục tiêu trong quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho rằng, chúng ta cần tránh trở thành đối tượng thương mại cần xử lý của Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ của Tổng thống đắc cử Trump; tranh thủ được lợi thế, thu hút đầu tư từ nước ngoài, giữ vững kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ trong những năm tới. Hạn chế tác động từ các biện pháp bảo hộ, phòng vệ thương mại, lẩn tránh thuế... từ các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ và giảm bớt sự phụ thuộc của xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, triển khai mạnh mẽ chiến lược đa dạng hóa thị trường thông qua các FTA, thỏa thuận đa phương.
Hiện thực hóa những mục tiêu trên, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đề xuất, tăng cường phối hợp với Hoa Kỳ thông qua các cơ chế hợp tác song phương như cơ chế TIFA nhằm tạo thế cân bằng cũng như áp lực cho phía Hoa Kỳ trong việc xem xét, giải quyết các quan ngại của phía Việt Nam; triển khai các thỏa thuận song phương, đặc biệt là hai thỏa thuận với USTR liên quan đến vấn đề tiền tệ và nguồn gốc gỗ khai thác; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hải quan.
Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể đánh giá, xem xét đẩy mạnh triển khai các cơ chế đã thiết lập để xử lý các vấn đề liên quan đến chuyển tải bất hợp pháp, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ.